Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm – Trưởng ban Chỉ đạo, chủ trì phiên họp.
Phát biểu chỉ đạo Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, quan điểm xây dựng Luật là chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới hoạt động giám sát; vấn đề nào đã chín, đã rõ thì luật hóa.
Đối với Ban Chỉ đạo đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần nêu cao trách nhiệm, “mẫu mực cả về nội dung, quy trình” với cách làm bài bản, công phu, nghiêm túc và hết sức khách quan. Đáng lưu ý, xây dựng Luật phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh tình trạng luật khung, luật ống.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập phải có sự thống nhất và khăng khít giữa báo cáo tổng kết, tờ trình và đánh giá tác động của chính sách. Bổ sung các phụ lục, nhóm công việc phải xử lý, trong đó hệ thống lại các chính sách phải sửa đổi, bổ sung; từng chính sách sửa bao nhiêu điều, khoản; tiếp thu được bao nhiêu bất cập trong báo cáo đánh giá tổng kết, luật hóa được bao nhiêu vấn đề trong các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và quy định mới được bao nhiêu điều, khoản; đề xuất nội dung nào thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, thực hiện nhiệm vụ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, với tinh thần khẩn trương, nỗ lực cao, đến nay, hầu hết các công việc trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật đã được Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập tích cực, chủ động tổ chức triển khai thực hiện và hoàn thành, cơ bản bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, trong thời gian chưa đến 2 tháng, Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập lập đề nghị xây dựng Luật đã hoàn thành việc tổng kết thi hành Luật hiện hành; đánh giá, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu, nhất là các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật của các cơ quan Trung ương, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước.
Trên cơ sở đó, hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật cũng đã được hoàn thiện và đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội; gửi lấy ý kiến Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu tác động theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ban chỉ đạo, Tổ Biên tập đã tổ chức 2 Phiên họp; Hội đồng Dân tộc đã chủ trì tổ chức 5 hội thảo tham vấn ý kiến tại các khu vực khác nhau trên địa bàn cả nước, là các diễn đàn rất quan trọng để Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập cũng như các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các địa phương đại diện các khu vực, chuyên gia, nhà khoa học; nhà quản lý… trao đổi, thảo luận đối với các vấn đề liên quan trong hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khẳng định, trên tinh thần hết sức cầu thị, ý kiến góp ý của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các tổ chức hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học đã được Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập tổng hợp, giải trình, tiếp thu tối đa, làm cơ sở hoàn thiện các tài liệu thuộc hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật, phục vụ Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập cho ý kiến tại phiên họp lần này, trước khi Hội đồng Dân tộc chính thức gửi thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến.
Tại Phiên họp, các đại biểu cơ bản thống nhất với hồ sơ lập đề nghị xâ dựng Luật và đề nghị, cần luật hóa nội dung giám sát chuyên đề của Tổ đại biểu HĐND và chính sách thuê chuyên gia, tư vấn cho giám sát của HĐND.