Ảnh minh hoạ.
Dấu hiệu pháp lý của tội “lạm quyền trong khi thi hành công vụ”
Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” cũng là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước.
Mặc dù tội phạm này gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của công dân nhưng không vì thế mà cho rằng khách thể của tội phạm này những thiệt hại thực tế xảy ra của Nhà nước, của xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, mà những thiệt hại đó chỉ là hậu quả của hành vi phạm tội.
Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội phạm bao gồm 2 hành vi song song là hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình và hành vi làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Lạm quyền là hành vi vượt quá quyền hạn của mình, làm trái công vụ. Khác với một số tội quy định về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, Điều 357 Bộ luật Hình sự lại quy định hành vi ở đây là “lạm quyền”. Lợi dụng và lạm dụng là hai thuật ngữ khác nhau, tuy nhiên chúng thường được hiểu là một.
Lạm quyền là hành vi vượt quá giới hạn cho phép. Giới hạn cho phép chính là quyền hạn mà người có chức vụ có; quyền hạn này do pháp luật quy định, thường là do luật tổ chức cơ quan, tổ chức quy định; trong một số trường hợp quyền hạn này do một ngành luật đặc trưng cho nghề nghiệp quy định như: Quyền hạn của những người tiến hành tố tụng trong các vụ án hình sự là do Bộ luật tố tụng hình sự quy định,…
Hành vi thứ hai của tội này là hành vi gây thiệt hại. Thiệt hại ở đây có thể là thiệt hại về tài sản nhưng cũng có thể là thiệt hại khác xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Thiệt hại khác ở đây không phải thiệt hại về vật chất, nó có thể là thiệt hại phi vật chất như danh dự, uy tín hoặc làm xáo trộn hoạt động bình thường của nhà nước, tổ chức, cá nhân,…
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Tội phạm hoàn thành khi hậu quả gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Chủ thể của tội phạm
Đối với tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”, các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm cũng là các dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội; là dấu hiệu phân biệt sự khác nhau giữa tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với các tội phạm khác cũng có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Trước hết, người phạm tội phải là người có chức vụ, quyền hạn. Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được nêu ở phần khái niệm các tội phạm về chức vụ.
Sau đó, người có chức chức vụ, quyền hạn phải đang trong khi thi hành công vụ. Nếu người phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn nhưng không trong thời gian thực hiện công vụ thì không phạm tội này, tùy từng trường hợp sẽ được định tội danh tương ứng.
Ngoài ra, chủ thể của tội phạm phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXIII Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Mặt chủ quan của tội phạm
Tội lạm quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, người phạm tội thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; không có trường hợp lạm quyền hạn trong khi thi hành công vụ nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn gây thiệt hại cho xã hội.
Mục đích của tội phạm được xác định ngay tại điếu văn của Điều 357 Bộ luật Hình sự: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác”. Động cơ vụ lợi là vì lợi ích vật chất của mình, của đơn vị mình hoặc của một tổ chức mà mình tham gia. Động cơ cá nhân khác là vì lợi ích phi vật chất của mình, của người khác.
Hình phạt đối với người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
Điều 357 Bộ luật Hình sự quy định 05 Khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:
– Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
– Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
– Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
– Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật
Thứ nhất, theo quy định của pháp luật, chưa có quy định rõ về hậu quả phi vật chất của hành vi phạm tội và của động cơ vụ lợi phi vật chất. Do đó, việc xác định hậu quả phi vật chất của hành vi phạm tội và động cơ vụ lợi phi vật thất vẫn còn nhiều khó khăn mà chỉ chủ yếu chỉ thông qua nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, thông qua đó làm phát sinh nhiều quan điểm khác nhau chưa thống nhất trong quá trình giải quyết vụ án. Hơn nữa hiện nay trong các văn bản pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là “thiệt hại khác” trong hậu quả của tội phạm là thiệt hại như thế nào.
Thứ hai, Việc xác định thiệt hại và người bị hại trong các vụ án còn vướng mắc Ví dụ: đối với các vụ án “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” do bán đất trái thẩm quyền thì xác định Nhà nước hay người mua đất là bị hại. Thực tiễn nhiều vụ vụ án đã xét xử đều xác định người dân là bị hại, tuy nhiên đối với trường hợp biết việc bán đất là trái pháp luật mà vẫn mua, thậm chí là biết việc bán đất là trái thẩm quyền nhưng vẫn tiến hành giao dịch thì xác định người dân là bị hại liệu có đúng pháp luật. Vậy nếu không xác định người dân là bị hại thì xác định họ tham gia tố tụng với tư cách gì mới đúng, với hành vi mua bán đất mặc dù biết là trái công vụ, sai pháp luật mà vẫn mua thì xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án liệu có hợp lý. Trong một số vụ án, còn có quan điểm còn cho rằng, hành vi mua đất mặc dù biết là trái công vụ, sai pháp luật đã tiếp tay cho các đối tượng bán đất trái pháp luật từ đó đã gây thiệt hại cho Nhà nước, do đó cơ quan chức năng cần xem xét đến yếu tố có đồng phạm hay không trong vụ án của những người này, nếu có căn cứ thì truy cứu các đối tượng này tùy vào vai trò cụ thể trong vụ án.
Thứ ba, vướng mắc mà cho tới thời điểm hiện nay vẫn còn rất nhiều những quan điểm trái chiều đó là thẩm quyền của Trưởng thôn, Phó trưởng thôn có phải là người thi hành công vụ hay chỉ thực hiện vai trò trong một tổ chức tự quản. Trong quá trình xét xử các vụ án lạm quyền trong khi thi hành công vụ, các tòa án thường gặp khó khăn trong việc xác định tội danh. Điều 357, Bộ luật hình sự quy định hành vi lạm quyền phải được thực hiện trong khi thi hành công vụ thì mới cấu thành tội phạm. trên thực tế đối với vấn đề này đã có rất nhiều quan điểm như sau: QĐ1: Truy cứu trưởng thôn, tổ trưởng dân phố về tội danh “Lạm quyền trong thi hành công vụ” là không đúng tội danh, bởi vì trưởng thôn không thuộc bộ máy hành chính nhà nước, hoạt động của trưởng thôn không phải là thi hành công vụ; QĐ2: Khi một người có chức trưởng thôn, phó trưởng thôn thì người đó mới thực hiện được các hành vi phạm tội như giao bán đất trái thẩm quyền, còn nếu không có chức vụ trưởng thôn, phó trưởng thôn thì không thể thực hiện được hành vi đó do vậy, việc việc truy cứu trưởng thôn, phó trưởng thôn về tội danh này là đúng pháp luật và đảm bảo các dấu hiệu pháp lý của tội phạm. Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai.
Thứ tư, trên thực tế có những trường hợp trưởng thôn bán đất sau đó dùng tiền bán đất phục vụ cho các mục đích xây dựng các công trình phục vụ công ích cho thôn mà bị áp dụng theo khung hình phạt như hiện nay là có phần nghiêm khắc so với hành vi phạm tội và hậu quả thực tế gây ra của các bị cáo. Hơn nữa, việc thu hồi tài sản trong trường hợp này như thế nào khi khoản tiền bán đất này đã được dùng để xây dựng các công trình phúc lợi, công ích.
Đề xuất, kiến nghị
Trong thời gian tới cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán đặc biệt làm rõ nội hàm khái niệm “công vụ”, “nhiệm vụ” theo quy định của BLHS hiện hành, quy định rõ về hậu quả phi vật chất của hành vi phạm tội, và của động cơ vụ lợi phi vật chất và hướng dẫn xác định thế nào là “thiệt hại khác” để thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật.
Theo chúng tôi, cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng một án lệ để xác định thiệt hại và đặc biệt người bị hại trong các vụ án lạm quyền trong khi thi hành công vụ do bán đất trái thẩm quyền là ai, từ đó quy định đường hướng giải quyết toàn diện, triệt để vụ án để cơ quan cấp dưới có một quy chuẩn pháp lý áp dụng vào các tình huống thực tiễn.
Cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới cần nghiên cứu xây dựng một điều riêng trong văn bản hướng dẫn đối với hành vi trưởng thôn giao bán đất trái thẩm quyền để lấy tiền xây dựng các công trình của thôn, vì lợi ích chung tương xứng mức độ, hành vi phạm tội, hậu quả của tội phạm của các bị cáo nhằm bảo đảm nguyên tắc công bằng và sự khoan hồng của pháp luật. Đồng thời ban hành quy định hướng dẫn về việc thu hồi tài sản do người phạm tội sử dụng tài sản, lợi ích vật chất có được từ hành vi lạm quyền đã phục vụ xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, tu sửa đình chùa, đền đài, miếu mạo, làm điện, làm đường, xây dựng kênh mương,…
theo VŨ VIỆT PHƯƠNG-NGUYỄN HỮU ĐỨC
Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 1 – Tạp chí luật sư VN