Tang vật một vụ buôn bán pháo trái phép. |
Nhiều vụ án liên quan đến hành vi tự chế pháo trái phép, gây ra hậu quả khôn lường đã xảy ra. Ví dụ, ngày 25/12/2022 5 học sinh ở huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk), đặt mua hóa chất làm pháo nổ qua mạng xã hội. Quá trình tự chế tạo pháo để bán đã gây ra vụ nổ lớn, làm 2 em tử vong và 1 người bị thương nặng.
Bộ Công an nhấn mạnh, theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, người dân cần phân biệt rõ ràng giữa pháo nổ, pháo hoa nổ và pháo hoa.
Với pháo nổ (gồm pháo nổ và pháo hoa nổ), là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ. Các loại này bị nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, hoặc chiếm đoạt, trừ trường hợp tổ chức, DN thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng giao theo quy định.
Với pháo hoa, là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng. Với loại này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có thể mua loại pháo này tại các tổ chức, DN được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (thuộc Bộ Quốc phòng) để sử dụng dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi…
Bộ Công an khuyến cáo mọi người không nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ.
Với các sản phẩm pháo hoa được phép sử dụng, chú ý khi dùng phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự, sử dụng khi được phép, bảo đảm an toàn và chỉ mua tại các cửa hàng được phép kinh doanh.
Bộ Công an đề nghị mọi người dân nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm quy định về phòng, chống pháo nổ, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định.