Ảnh minh họa.
Ngày 05/10/2022, Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận 39 của Bộ Chính trị (Ban Chỉ đạo) đã ban hành Quyết định số 02-QĐ/BCĐ về việc ban hành Quy chế bồi dưỡng cán bộ theo Kết luận số 39-KL/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước.
Theo đó, tại Điều 3, Quyết định số 02-QĐ/BCĐ cán bộ được cử đi bồi dưỡng phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chung như sau: Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; không trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật hoặc trong thời gian thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên; Không thuộc trường hợp chưa được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật; Nội dung của khóa bồi dưỡng phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ đang công tác hoặc vị trí lãnh đạo, quản lý được quy hoạch; Có đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu khóa bồi dưỡng.
Ngoài ra, mỗi cán bộ được cử đi bồi dưỡng không quá hai lần một năm, không bố trí tham gia bồi dưỡng trong hai năm liên tiếp theo kinh phí thực hiện Kết luận 39. Đối với bồi dưỡng ngắn hạn, cán bộ chỉ được tham gia một lần. Trường hợp cần thiết do Lãnh đạo Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận 39 xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, về trách nhiệm của cán bộ được cử đi bồi dưỡng, tại Điều 16, Quyết định số 02-QĐ/BCĐ nêu rõ, cán bộ tham gia bồi dưỡng phải cam kết thực hiện 07 nội dung, trong đó có nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, pháp luật của nước sở tại; Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật của Đảng và các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ.
Đồng thời, cán bộ không được tự ý lập hoặc tham gia hội, tổ chức chính trị – xã hội, hoạt động mang tính chất chính trị khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam…
Người được cử đi bồi dưỡng ngắn hạn (khoảng 02 tuần) gồm: Cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Lãnh đạo cấp Tổng cục và tương đương; Lãnh đạo cấp cục, vụ và tương đương của ban, bộ ngành, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và tương đương. Những người này phải còn thời gian làm lãnh đạo, quản lý ít nhất 18 tháng.
Cán bộ được cử đi bồi dưỡng trung hạn (khoảng 03 tháng) thuộc diện như trên, có thêm cán bộ lãnh đạo cấp sở và tương đương trở lên ở địa phương. Thời gian làm lãnh đạo của những người này phải còn ít nhất 24 tháng; có năng lực học trực tiếp bằng ngoại ngữ; đạt yêu cầu vòng phỏng vấn.
Cán bộ được cử đi bồi dưỡng ngoại ngữ (04 tháng trong nước và 04 tháng ở nước ngoài) là người thường xuyên dùng ngoại ngữ trong công việc, liên quan đến lĩnh vực đối ngoại, ngoại vụ; hợp tác quốc tế, an ninh quốc phòng; đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch, quản lý các khu kinh tế… Những cán bộ này phải còn thời công tác ít nhất 24 tháng; đáp ứng về yêu cầu ngoại ngữ đầu vào, đầu ra.
Ngoài ra, tại Điều 19, Quyết định số 02-QĐ/BCĐ, các cơ quan sẽ đình chỉ học tập người không đủ điều kiện, giả mạo hồ sơ; sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; nghỉ học liên tục từ 03 ngày trở lên mà không có lý do chính đáng, cán bộ bị đình chỉ công tác, vi phạm pháp luật, có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật, không còn công tác trong hệ thống chính trị. Đối với cán bộ vi phạm quy chế nhưng chưa đến mức đình chỉ học tập, tùy theo mức độ cụ thể, sẽ bị khiển trách hoặc cảnh cáo.
Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch bồi dưỡng; chiêu sinh, thẩm định, tuyển chọn cán bộ tham gia các khóa bồi dưỡng; tổng hợp danh sách báo cáo Ban chỉ đạo.
Trước đó, tháng 07/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 39 về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Mục tiêu là từ nay đến 2025 mỗi năm cử khoảng 400 cán bộ đi nước ngoài bồi dưỡng, trong đó trung hạn 40 người, ngắn hạn 250, ngoại ngữ 120; giai đoạn 2026-2030, mỗi năm cử khoảng 500 cán bộ ra nước ngoài bồi dưỡng, gồm trung hạn 50 người, ngắn hạn 300, ngoại ngữ 150.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện kết luận 39 cuối tháng 9, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, để chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước có hiệu quả thì chất lượng bồi dưỡng cần thực chất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nội dung, chương trình cho từng đoàn phải được xây dựng phù hợp, không trùng lắp đối tượng được cử đi bồi dưỡng…
theo M.Q – Tạp chí luật sư VN