Bác Hồ gặp gỡ công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Hà Nội năm 1955. (Ảnh tư liệu) |
Tính tiên phong của Đảng trước hết là Đảng có lý luận tiên phong soi sáng. “Chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong” (1). Từ khi Đảng được thành lập đến nay, lý luận và nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tính tiên phong thể hiện ở trình độ trí tuệ của Đảng, năng lực vận dụng lý luận vào hoàn cảnh thực tiễn của đất nước, đề ra đường lối và Cương lĩnh đúng đắn, bảo đảm đưa sự nghiệp cách mạng đi tới thắng lợi. Từ đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, đường lối kháng chiến chống các thế lực thực dân, đế quốc mạnh nhất trong thế kỷ 20, đến đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, đường lối đổi mới đầy bản lĩnh và sự sáng tạo.
Từ Cương lĩnh đầu tiên khi thành lập Đảng (2/1930), Luận cương tháng 10/1930, Cương lĩnh tháng 2/1951 đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011. Cương lĩnh, đường lối bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Tính tiên phong đòi hỏi Đảng nêu cao lý tưởng và khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc cho Tổ quốc, đồng bào và không ngừng hành động vì lý tưởng và khát vọng cao cả đó. Đảng tiên phong là đảng hành động, luôn luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Vì lý tưởng, mục tiêu cao cả của sự nghiệp đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, biết bao cán bộ, đảng viên nhiều thế hệ kế tiếp nhau luôn luôn nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, anh dũng vượt qua khó khăn, thách thức, chấp nhận sự hy sinh lợi ích cá nhân, kể cả hy sinh tính mạng vì lợi ích chung.
Nhiều cán bộ, đảng viên từ cấp địa phương, cơ sở đến các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng đã hy sinh và nêu những tấm gương vẻ vang đó. Đó là các đồng chí: Trần Phú, Châu Văn Liêm, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Phùng Chí Kiên, Tô Hiệu, Hoàng Văn Thụ, Hồ Tùng Mậu và nhiều đồng chí khác.
Những người cộng sản đã nêu gương trước nhân dân, đi vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng tự nhiên, thanh thản, không hề tính toán thiệt hơn, được mất của cá nhân mình và lạc quan, vững tin vào thắng lợi. Khi bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, người cộng sản trẻ tuổi Tố Hữu đã viết:
“Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/
Dấn thân vô là phải chịu tù đày/
Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/
Là thân sống chỉ coi còn một nửa”
(Trăng trối – Lao Bảo 11/1940).
Trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù, lẽ sống của người cộng sản giản dị và cao cả như thế. Nhờ vậy, Đảng quy tụ được toàn dân tộc và giành lại được độc lập, tự do.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý, đứng trước những thách thức và nguy cơ mới. Chủ nghĩa cá nhân là nguy cơ lớn nhất. Hồ Chí Minh nhiều lần nêu rõ, chủ nghĩa cá nhân là cội nguồn của mọi căn bệnh nguy hiểm, sự suy thoái, tiêu cực và hư hỏng của cán bộ, đảng viên. Đó là sự tham muốn hưởng thụ vật chất, tham ô, hối lộ, tham nhũng. Là sự quan liêu, xa dân, muốn “làm quan phát tài”, tự biến mình thành “quan cách mạng”. Là chạy chức, chạy quyền, lợi dụng chức quyền để mưu lợi riêng hình thành lợi ích nhóm và nhóm lợi ích. Là thiếu tu dưỡng, rèn luyện, học tập dẫn tới một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Bốn nguy cơ Đảng nêu ra gần 30 năm trước đến nay vẫn tồn tại có mặt phức tạp hơn, như tham nhũng, suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tự phê bình, phê bình trong Đảng, hệ thống chính trị, đánh giá, phân loại đảng viên vẫn còn hình thức. Trong khi đó, số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp bị kỷ luật vẫn còn nhiều.
Bốn nguy cơ Đảng nêu ra gần 30 năm trước đến nay vẫn tồn tại có mặt phức tạp hơn, như tham nhũng, suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tự phê bình, phê bình trong Đảng, hệ thống chính trị, đánh giá, phân loại đảng viên vẫn còn hình thức. Trong khi đó, số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp bị kỷ luật vẫn còn nhiều.
Trong tình hình như vậy càng phải tăng cường công tác xây dựng Đảng, coi đó là nhiệm vụ then chốt và công tác cán bộ phải thật sự là then chốt trong xây dựng Đảng. Toàn Đảng đang đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực và cần thiết phải nắm vững quan điểm: Xây là chiến lược, căn bản, lâu dài, chống là bức thiết, cấp bách. Vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên có vai trò rất quan trọng trong xây dựng Đảng, trong điều kiện Đảng cầm quyền.
Sinh thời, Hồ Chí Minh không chỉ nhắc nhở mà đòi hỏi mọi cán bộ phải “Cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc” (2). Người nhiều lần nhắc câu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Theo Hồ Chí Minh, câu nói đó là một lời khen chân thành đối với cán bộ, đảng viên và cũng là đòi hỏi của chính nhân dân. Đã là cán bộ, đảng viên thì phải tiên phong, gương mẫu.
Hiện nay, nêu gương đang trở thành nhân tố tích cực nhằm đẩy lùi tiêu cực, suy thoái, trở thành yêu cầu tất yếu trong đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng. Có thể thấy rõ nêu gương trên mấy yêu cầu.
Hiện nay, nêu gương đang trở thành nhân tố tích cực nhằm đẩy lùi tiêu cực, suy thoái, trở thành yêu cầu tất yếu trong đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng.
Nêu gương về sự trung thành và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Mọi cán bộ, đảng viên ra sức học tập lý luận chính trị, nâng cao trình độ lý luận, trí tuệ, khắc phục tình trạng ngại, lười học lý luận hoặc học hời hợt, hình thức cốt có bằng cấp để xếp ngạch cán bộ, công chức hoặc quy hoạch cán bộ, thăng tiến.
Cán bộ, đảng viên gương mẫu và nghiêm túc học tập lý luận có ý nghĩa quyết định đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, nâng cao năng lực phê phán, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng. Cần nhận thức rõ sự suy thoái về tư tưởng chính trị là thách thức lớn nhất đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Cán bộ, đảng viên thật sự nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ, đề cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước nhân dân và đất nước. Gương mẫu thực hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không ngừng bồi đắp trí tuệ, bản lĩnh chính trị. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trách nhiệm, cương vị được giao phó phải được đánh giá thực chất.
Ở các địa phương, các ngành, các lĩnh vực công tác ngày càng có nhiều cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám vượt qua khó khăn, thách thức vì lợi ích chung. Đó là sự nêu gương có ảnh hưởng lớn và thiết thực. Đẩy mạnh cải cách hành chính kết hợp với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, cùng với giám sát, chấm điểm của nhân dân mà mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp ngày càng cao ở nhiều nơi.
Chú trọng nêu gương về đạo đức, lối sống, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, quyết loại trừ chủ nghĩa cá nhân, nói không với tham nhũng, lãng phí và những tiêu cực khác. Gương mẫu thực hiện quy định 19 điều đảng viên không được làm. Thực hiện nghiêm túc những chuẩn mực đạo đức trong Đảng, giữ gìn khí tiết, phẩm giá, uy tín và danh dự của người đảng viên cộng sản. Nghiêm chỉnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực.
Rèn luyện, nêu gương phong cách công tác đoàn kết, gắn bó với thực tiễn và quần chúng nhân dân, tác phong khoa học, chính quy, chuyên nghiệp và thiết thực, kiên quyết khắc phục bệnh quan liêu, bệnh thành tích và bệnh hình thức. Thực hiện chỉ dẫn của Bác Hồ, mọi cán bộ, đảng viên dù ở cấp nào phải thật sự dựa vào dân, hiểu dân, tin dân, bàn bạc với dân, lắng nghe dân và vì dân. Làm sao cho phương châm Đảng đề ra: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, được hiện thực hóa tốt nhất, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
(1) Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1975, tập 6, trang 32.
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, trang 306.