Chiều ngày 29/8/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khoá XV xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Trong đó, góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho biết, khoản 3 Điều 153 dự thảo luật quy định chủ sở hữu có trách nhiệm đóng góp kinh phí bảo trì, tuy nhiên không quy định biện pháp để bắt buộc người sở hữu phải đóng và dự thảo luận chỉ mới quy định về cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì đối với chủ đầu tư.
Trong thực tế khi chung cư xuống cấp nhưng không đủ kinh phí cần phải thu thêm nhưng vì nhiều lý do chủ sở hữu căn hộ không đóng kinh phí, dẫn đến khó khăn cho công tác bảo trì, sửa chữa. Đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung hành vi không đóng kinh phí bảo trì căn hộ là hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 3 của dự thảo luật.
Về chỗ để xe ô tô nhà chung cư tại Điều 9, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát quy định rõ vấn đề này trong dự thảo luận; đồng thời đề nghị quy định rõ trong luật về cơ quan có thẩm quyền phải kiểm soát các quy định của hợp đồng mua bán nhà chung cư đảm bảo quyền lợi của người mua.
Về hình thức tổ chức họp hội nghị nhà chung cư, tại khoản 2 Điều 143 dự thảo quy định hình thức họp đã mở hơn so với Luật năm 2014. Đó là thay vì bắt buộc chỉ họp theo hình thức trực tiếp, trong trường hợp dịch bệnh, thiên tai có thể họp trực tuyến hoặc kết hợp họp trực tiếp và họp trực tuyến. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có nhiều nhà chung cư có quy mô lớn số dân nhiều nên việc tổ chức hội nghị trực tiếp là không khả thi. Do vậy, đại biểu cho rằng, họp trực tuyến hoặc kết hợp cả trực tiếp với trực tuyến sẽ là hình thức phù hợp và khả thi.
Vì vậy đại biểu đề nghị dự thảo quy định cho phép tổ chức hội nghị nhà chung cư bằng các hình thức: Trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến và trực tiếp trong mọi hoàn cảnh, không chỉ cho phép họp trực tuyến kết hợp trực tiếp trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh.
Bên cạnh đó, góp ý về Điều 81 của dự thảo luật, đại biểu đồng tình với phương án 1, tiếp tục quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong xây dựng nhà ở xã hội và bổ sung trách nhiệm với phương thức linh hoạt, không quy định khô cứng phải dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội…
theo PHƯƠNG HOA – Báo Công lý