Cảnh giác thủ đoạn giả mạo Luật sư hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo

Cập nhật: 14/11/2023 14:53

Một số đối tượng đã lập ra các fanpage và hội nhóm để thu hút những nạn nhân bị lừa đảo. Các đối tượng tự xưng là Luật sư và cam kết hỗ trợ lấy lại tiền cho những người đã bị lừa trước đó.

Ảnh minh họa.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, trong 06 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng tăng 37,82% so với giai đoạn 06 tháng cuối năm 2022.

Theo đó, rất nhiều hình thức lừa đảo khác nhau đã được kẻ gian sử dụng nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân, như tặng quà miễn phí, mời chào làm các công việc đơn giản tại nhà hay thậm chí là giả mạo cơ quan chức năng.

Do đó, nhiều hội nhóm đã được thành lập trên nền tảng mạng xã hội Facebook với mục tiêu đưa ra cảnh báo và hỗ trợ các nạn nhân bị lừa đảo. Tuy vậy, không ít kẻ gian cũng đã lợi dụng điều này để tiếp tục thực hiện các chiêu trò mới nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, một số đối tượng đã lập ra các fanpage và hội nhóm để thu hút những nạn nhân bị lừa đảo. Kẻ gian sẽ tự xưng là Luật sư và cam kết hỗ trợ lấy lại tiền cho những người đã bị lừa trước đó.

Sau khi có được niềm tin từ nạn nhân, nhóm lừa đảo sẽ yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, tình trạng và số tiền bị lừa. Nhóm này cũng tự nhận là sở hữu hệ thống chuyên biệt, có khả năng truy quét được toàn bộ dữ liệu của tất cả nền tảng lừa đảo.

Kẻ gian sau đó sẽ làm giả một hình ảnh với thông tin bao gồm họ tên của nạn nhân, số tiền bị lừa và thông tin ngân hàng. Trên thực tế, đây đều là những thông tin mà kẻ gian đã hỏi được từ nạn nhân trước đó.

Để lấy lại số tiền bị lừa, nạn nhân sẽ được yêu cầu chuyển khoản thêm 02-05 triệu đồng vào “hệ thống” với lý do “cần xác minh thông tin ngân hàng”. Nếu làm theo yêu cầu này, nạn nhân sẽ tiếp tục rơi vào bẫy của kẻ gian và bị chiếm đoạt tài sản.

Có thể thấy, các chiêu trò lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp hơn. Hiện nay có 03 nhóm lừa đảo chính, bao gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Tổng cộng, 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.

Các phương thức lừa đảo này nhắm vào đa dạng nhóm đối tượng như những người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân, người lao động và nhân viên văn phòng.

Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành vi của các đối tượng lừa đảo là lợi dụng tư cách nghề nghiệp, hình ảnh của giới Luật sư, của các tổ chức hành nghề luật để tạo các tài khoản mạng xã hội giả danh Luật sư thật, tổ chức hành nghề Luật sư thật mà nếu không tìm hiểu kỹ thông tin thì các nạn nhân sẽ dễ dàng bị lừa.

Theo đó, hành vi của các đối tượng này đã cấu thành tội “Sử dụng mạng máy tính thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 290, Bộ luật Hình sự, nếu các đối tượng chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì khung hình phạt sẽ phải đối mặt là từ 12-20 năm.

Để tránh bị rơi vào các bẫy lừa đảo qua mạng khi đi tìm kiếm dịch vụ pháp lý của Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư trên môi trường mạng Internet, người dân nên tìm kiếm tới website chính thống của tổ chức hành nghề Luật sư, tra cứu danh bạ Luật sư tại website Đoàn Luật sư, khi có số điện thoại của Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư cần liên hệ xác thực thông tin Luật sư để được cung cấp các thông tin đầy đủ, nếu có điều kiện đi lại cần đến trực tiếp văn phòng để tư vấn và chỉ chuyển phí thù lao Luật sư trên cơ sở ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa khách hàng và tổ chức hành nghề Luật sư. Trường hợp ở xa không có điều kiện đến gặp tư vấn trực tiếp thì có thể nhờ người quen, bạn bè ở khu vực đó kiểm tra thông tin về tổ chức hành nghề Luật sư đang tìm kiếm để có được thông tin đầy đủ, chính xác về Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư.

Còn đối với những trường hợp đã bị các đối tượng chiếm đoạt tài sản thì cần nhanh chóng làm đơn trình báo tố giác hành vi của các đối tượng này tới cơ quan cảnh sát điều tra để thụ lý giải quyết theo thẩm quyền. Việc mất tiền và tìm kiếm đến dịch vụ pháp lý của Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư khi bị lừa đảo qua mạng chỉ là tham vấn, tư vấn giải pháp và nắm được cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc của khách hàng, trình tự tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác tội phạm. Luật sư không có khả năng thu hồi tiền bị lừa đảo qua mạng đó là thông tin người dân nên biết.

theo QUÝ NGUYỄN – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/canh-giac-thu-doan-gia-mao-luat-su-ho-tro-lay-lai-tien-bi-lua-dao-1699934177.html

Tin liên quan