Cảnh sát giao thông có được dùng vũ lực trấn áp người vi phạm giao thông?

Cập nhật: 29/09/2022 09:16

Nếu hành vi chống đối của người vi phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội; xét thấy cần thiết phải ngăn chặn bằng biện pháp dùng vũ lực thì Cảnh sát giao thông (CSGT) có thể dùng vũ lực để không chế đối tượng. Tuy nhiên, hành vi cũng chỉ được coi là hợp pháp nếu thuộc trường hợp “phòng vệ chính đáng” hoặc “tình thế cấp thiết” đã được Bộ luật Hình sự quy định.

Hình ảnh thiếu niên bị người mang quân phục Công an đánh.

Theo thông tin từ lãnh đạo Công an tỉnh Sóc Trăng, đơn vị này đã chỉ đạo tạm đình chỉ 4 cán bộ chiến sĩ Công an thị xã Vĩnh Châu có liên quan đến đoạn clip ghi lại cảnh Công an đánh hai thiếu niên.

Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra vào chiều ngày 25/9. Khi đó, Tổ tuần tra kiểm soát Đội CSGT – Trật tự cơ động Công an thị xã Vĩnh Châu phát hiện 2 thiếu niên đi xe máy trên 100 phân khối nên ra hiệu dừng phương tiện để kiểm tra. Tuy nhiên, thiếu niên cầm lái tăng ga bỏ chạy trên đường Nam Sông Hậu, từ phường Vĩnh Phước đến xã Vĩnh Hải mới dừng lại trước một nhà kho.

Camera an ninh tại khu vực này ghi lại cảnh một người mặc trang phục CSGT điều khiển xe đặc chủng chở một người mặc quân phục công an chạy theo hai thiếu niên đi trên xe mô tô.  Khi vừa dừng xe, người mặc quân phục CSGT dùng tay đánh nam thiếu niên chạy xe. Đặc biệt, người mặc quân phục Công an cầm gậy đánh liên tục vào người nam thiếu niên, ghì thiếu niên xuống rồi đấm đá liên tục. Khi đó, người mặc đồ CSGT cũng đá, đánh thiếu niên nói trên.

Vậy, CSGT có được dùng vũ lực để trấn áp người vi phạm? Nếu được dùng vũ lực thì trong trường hợp nào?

Về vấn đề này, Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA của Bộ Công an về việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy định tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT quy định về quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát như sau:

Điều 8. Quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát

1. Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.

2. Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

3. Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, CSGT đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.

4. Được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

5. Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ách tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

6. Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

Từ quy định trên có thể thấy CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Thông tư này không quy định việc CSGT có quyền đánh người vi phạm hay dùng vũ lực với người vi phạm.

Bên cạnh đó, Điều 14 Nghị định 208/2013/NĐ-CP đã quy định rõ, trong lúc làm nhiệm vụ nếu gặp phải chống đối, người thi hành công vụ giải thích cho người vi phạm biết lỗi mắc phải, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi. Nếu họ không chấp hành, người thi hành công vụ có thể sử dụng biện pháp bắt giữ, cưỡng chế. Nếu thấy đối tượng manh động đến mức có thể đe dọa đến tính mạng của mình, CSGT được phép dùng công cụ hỗ trợ hoặc vũ thuật để khống chế đối tượng.

Điều 14. Các biện pháp ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ

1. Giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó. Yêu cầu người vi phạm xuất trình chứng minh nhân dân và các giấy tờ cần thiết khác để kiểm tra.

2. Cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm và chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.

3. Bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm; tước bỏ, vô hiệu hóa hung khí, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Trình tự, thủ tục bắt giữ, khám xét người có hành vi chống người thi hành công vụ, khám phương tiện vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Trường hợp tập trung đông người chống người thi hành công vụ thì tiến hành các biện pháp vận động, thuyết phục đối tượng chấm dứt hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết phải tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng nhằm giải tán đám đông; ngăn chặn, bao vây, khống chế, cô lập, bắt giữ đối tượng cầm đầu, tổ chức, xúi giục.

5. Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ. Việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Việc xử lý người có hành vi chống người thi hành công vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, hành vi đánh người này cũng chỉ được coi là hợp pháp nếu thuộc trường hợp “phòng vệ chính đáng” hoặc “tình thế cấp thiết” đã được Bộ luật Hình sự quy định. Mọi hành vi có tính chất vượt quá giới hạn đều là vi phạm pháp luật.

Như vậy, hiện tại không có quy định nào cho phép CSGT được đánh người tham gia giao thông, ngay cả khi người tham gia giao thông có vi phạm luật giao thông đường bộ. Trường hợp người vi phạm chống đối thì CSGT có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn; đảm bảo cho việc xử lý vi phạm hành chính. Việc CSGT đánh người tham gia giao thông là hành vi dùng vũ lực xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Đây là hành vi trái pháp luật trừ một số trường hợp đánh người trong trường hợp “phòng vệ chính đáng” hoặc “tình thế cấp thiết”. Tùy vào động cơ, mục đích, hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Pv – Tạp chí LSVN

https://lsvn.vn/canh-sat-giao-thong-co-duoc-dung-vu-luc-tran-ap-nguoi-vi-pham-giao-thong1664407048.html

Tin liên quan