Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn Quốc hội sáng 8.11. Ảnh: TRẦN HUẤN
Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến bộ phim Đất rừng phương Nam, cử tri Phan Uy, 80 tuổi, là cán bộ về hưu ở thôn Nhân Đức, xã Quảng Kim, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình gọi điện cho chúng tôi và cho biết: “Tôi thấy phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đúng và trúng vấn đề. Gãy gọn và thuyết phục”.
Theo cử tri Phan Uy, trước nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng đã khẳng định rất rõ ràng, khi bộ phim mới chiếu thử, Bộ VHTTDL đã rất thận trọng trước những ý kiến đóng góp, kể cả những ý kiến đóng góp trên các nền tảng mạng xã hội. Bộ trưởng đã yêu cầu xem xét, tiếp thu những ý kiến hợp lý của dư luận.
“Rõ ràng ở đây không có chuyện “bỏ qua dư luận hoặc coi thường dư luận để mọi việc đi quá xa và thành vấn đề nóng rồi mới có động thái”. Trái lại, rất cầu thị và có trách nhiệm”, cử tri Phan Uy nói.
Mặc dù bộ phim chưa phát hành chính thức ra rạp mà chỉ mới chiếu sớm ra mắt, khán giả cũng chỉ là khách mời bao gồm các chuyên gia điện ảnh, báo chí… nhưng khi có ý kiến trái chiều (chủ yếu trên nền tảng các mạng xã hội), Bộ VHTTDL và cá nhân Bộ trưởng đã có những động thái kịp thời và cần thiết.
Tôn trọng Hội đồng thẩm định, phân loại phim vì theo Điểm d, Khoản 2, Điều 18 Luật Điện ảnh, việc thẩm định là của Hội đồng, với các chuyên gia uy tín trong nghề. Tuy nhiên, với chức năng quản lý nhà nước, đồng chí Bộ trưởng đã chỉ đạo ngay lãnh đạo Cục Điện ảnh mời các cơ quan chức năng xem bộ phim, cùng với Hội đồng thẩm định thảo luận trước những ý kiến trái chiều. Tại đây, các ý kiến của đại diện các cơ quan chức năng cùng Hội đồng khẳng định, bộ phim có đầy đủ các yếu tố để cấp phép hoạt động.
Cũng liên quan nội dung này, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn khẳng định: “Tôi đánh giá cao nỗ lực của Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh trong việc thể hiện trách nhiệm của mình trong việc tạo điều kiện đưa ra những bộ phim Việt Nam có chất lượng tốt nhất, có nội dung tư tưởng phù hợp. Việc lắng nghe ý kiến của dư luận, phối hợp cùng đơn vị sản xuất phim chỉnh sửa những chi tiết chưa hợp lý, để tránh những liên tưởng không cần thiết, giúp đem lại cảm xúc trọn vẹn cho khán giả, theo tôi, cũng là một cách phản ứng hợp lý, hợp tình với bối cảnh xã hội hiện nay. Rõ ràng, chúng ta không chạy theo dư luận để giải quyết những vấn đề quản lý nhà nước, nhưng chúng ta cần lắng nghe dư luận để điều chỉnh các quyết định quản lý trong những trường hợp cụ thể. Điều đó không chứng minh các cơ quan quản lý nhà nước sai vì ranh giới đúng, sai trong nghệ thuật khá mong manh. Nhiều khi, chúng ta cần sự đồng thuận và hợp lý hơn là tranh cãi đúng, sai khi thiếu tiêu chí thống nhất. Ngược lại, điều đó còn chứng minh sự tôn trọng, lắng nghe”.
Trong phần phát biểu, giải trình làm rõ thêm một số nội dung mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm vào sáng 8.11, liên quan đến phát triển bền vững ngành Du lịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu 5 định hướng lớn:
Thứ nhất, triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, phải thể chế hoá, cụ thể hóa chủ trương của Đảng bằng luật pháp. Quốc hội ban hành luật, Chính phủ ban hành Nghị định và các Bộ, ngành có các thông tư liên quan để phát triển du lịch. Thứ hai, phải có sự lãnh đạo chỉ đạo tập trung, xác định rõ trọng tâm để phát triển. Thứ ba, phải có nguồn lực cho hạ tầng du lịch. Thứ tư, phải có nguồn nhân lực được đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Thứ năm, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành. |
Có một thực tế đang diễn ra, bên cạnh các ý kiến đóng góp trên các nền tảng mạng xã hội có tinh thần xây dựng thì cũng không ít ý kiến mang tính quy chụp, bôi xấu, thiếu động cơ trong sáng. Đây chính làquan điểm, đồng thời cũng là ý kiến chất vấn Bộ TT&TT, Bộ VHTTDL và Bộ Công an của đại biểu Tô Thị Bích Châu, đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM vào chiều 7.11 về giải pháp bảo vệ cá nhân và tổ chức khi bị cộng đồng mạng… bạo hành, trong đó có vụ việc liên quan đến Hoa hậu Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam.
Trả lời ý kiến của đại biểu Trịnh Xuân An trong sáng 8.11 về phát biểu trước đó vào chiều 7.11, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, phát biểu của ông liên quan đến bộ phim Đất rừng phương Nam là: “Nếu có các biểu hiện bôi nhọ hoặc bêu xấu thì phải nghiêm túc xem xét, xử lý theo các quy định của pháp luật”. “Ở đây tôi nói là “nếu có”, nếu cần có thể mở băng ghi âm để nghe lại”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng khẳng định, ông dùng từ “nếu có” vì chúng ta đã có Luật An ninh mạng và có bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Vì thế “nếu có” hành vi vi phạm như bôi nhọ hoặc bêu xấu thì chúng ta sẽ nghiêm túc xem xét, xử lý theo các quy định của pháp luật, đồng thời nêu rõ: “Bộ VHTTDL quan niệm việc có các ý kiến khen, chê khác nhau đối với một tác phẩm điện ảnh là hết sức bình thường và luôn nghiêm túc tiếp thu. Tuy nhiên trong văn hoá ứng xử, chúng ta không thể chấp nhận thói trịnh thượng, phán xét, quy chụp, bêu xấu, bôi nhọ, nhân danh chỗ này, chỗ khác để nói. Người Việt có câu “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, Bộ trưởng dẫn chứng và cho biết, cách ứng xử không chỉ là một chiều mà chúng ta phải tôn trọng văn hoá ứng xử. Những điều này đã được quy định trong Luật An ninh mạng và bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng”.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Hiện nay quản lý mạng xã hội sẽ được sửa đổi trong Nghị định 72 dự kiến được Chính phủ ký ban hành trong thời gian cuối năm nay. Đây là Nghị định căn bản để quản lý các mạng xã hội, trong đó có việc xâm hại đời tư sẽ xử lý như thế nào”. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết thêm: “Bộ cũng phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm, xử lý hình sự một số vụ việc mang tính trọng tâm để mang tính răn đe”.
Hầu như tất cả các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, thông tin bịa đặt, xấu độc… là một trong những vấn đề nóng, được các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Cách đây hơn một năm, tại phiên trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10.8.2022, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội đáng báo động và đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận xã hội. Bộ Công an đang phối hợp với Bộ TT&TT kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội. Bộ cũng đã đấu tranh, xử lý, xử phạt nghiêm minh với những hành vi cố tình đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật lên mạng xã hội, hành vi xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước. Đồng thời tuyên truyền cảnh báo định hướng dư luận. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật.
Quan tâm bố trí nguồn lực cho giáo dục, đào tạo và văn hóa. Xây dựng, trình Quốc hội ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam tại kỳ họp gần nhất. Chú trọng phát triển, nâng cao vị thế thể thao thành tích cao của Việt Nam trong khu vực ASEAN và châu Á. Thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
(Trích phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ sáng 8.11) |
theo TÙNG QUANG – THU SÂM – Báo Văn hóa
http://www.baovanhoa.vn/chinh-tri/artmid/417/articleid/71208/cau-thi-va-trach-nhiem