Ban hành văn bản trái pháp luật được đề cập đến trong suốt một thời gian dài. Đây là tồn tại đã kéo dài nhiều nhiệm kỳ và là một trong những “điểm nghẽn” trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua. Trước đó, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã từng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Đáng nói là, dù được đề cập nhiều về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp nhưng cho đến nay tồn tại này vẫn tái diễn.
Thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 của Ủy ban Pháp luật cho thấy, vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật hoặc quy định không rõ ràng, cụ thể, thậm chí cùng một quy định nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật.
Không chỉ mâu thuẫn, chồng chéo, tình trạng ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật vẫn xảy ra; theo kết quả của công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, trong kỳ báo cáo tính từ ngày 22.9.2023 đến ngày 21.8.2024, số văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định trái pháp luật, chưa đúng thẩm quyền hoặc văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật đã được Bộ Tư pháp kiểm tra, kết luận và kiến nghị xử lý 138 văn bản trên tổng số 2.948 văn bản đã tiếp nhận, trong đó có 42 văn bản của cấp bộ và 96 văn bản do địa phương ban hành. Số lượng văn bản có nội dung trái pháp luật đã được xử lý là 80/138 văn bản, trong đó 12 văn bản của cấp bộ và 68 văn bản của địa phương, chưa được xử lý là 58/138 văn bản, chiếm 42,03%.
Dù đã có thống kê số lượng văn bản có quy định trái pháp luật, nhưng đáng tiếc là, trong báo cáo của Chính phủ lại đang “khuyết thiếu” lý do của việc chưa xử lý kết luận kiểm tra đối với 58 văn bản có quy định trái pháp luật! Câu hỏi đặt ra, vì sao trong số các văn bản được phát hiện có quy định trái pháp luật, có văn bản đã được xử lý, thì vẫn còn những văn bản chưa xử lý? Liệu có khó khăn, vướng mắc gì trong quá trình xử lý các văn bản này?
Việc để xảy ra tình trạng văn bản trái pháp luật gây ra nhiều hệ lụy. Điều này gây chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định, phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật, gây khó khăn cho cơ quan thực thi, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức cá nhân. Hệ lụy là vậy nhưng việc xử lý trách nhiệm của cơ quan để xảy ra tình trạng này dường như vẫn còn bỏ ngỏ. Và cũng chưa có trường hợp nào được bồi thường thiệt hại từ việc ban hành văn bản có quy định trái pháp luật. Do đó, đã đến lúc cần xử lý nghiêm trách nhiệm của các cơ quan khi để “lọt” văn bản có quy định trái pháp luật.
Chúng ta cần xem xét một cách thấu đáo và làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong quá trình xây dựng văn bản, từ giai đoạn trình dự án, dự thảo văn bản, cho đến quá trình tham gia góp ý kiến và quá trình thẩm định dự thảo văn bản, ban hành văn bản. Tùy theo tính chất mức độ vi phạm của việc ban hành văn bản có quy định trái pháp luật cũng như hậu quả từ các quy định trái pháp luật gây ra mà cơ quan, cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm tương ứng. Có như vậy mới nâng cao trách nhiệm của cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản. Chỉ khi chế tài đủ mạnh, đủ răn đe thì tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật sẽ không còn tái diễn và chậm được xử lý.