Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2022.
Ngày 22/9, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2022.
Tại phiên họp, Chính phủ nghe dự thảo, tờ trình và cho ý kiến đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030; đề nghị xây dựng Luật Công chứng, Luật Khoáng sản sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; đề xuất kéo dài thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, về đề nghị xây dựng Luật Công chứng, các thành viên Chính phủ thống nhất sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật, nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiến tới đơn giản thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trong xã hội, đề cao trách nhiệm và vai trò đóng góp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng đối với Nhà nước và xã hội.
Nội dung Luật Công chứng đảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng về xã hội hóa, phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục, thực hiện thuận lợi cho xã hội, chú ý ưu tiên đến vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; sử dụng hiệu quả các công cụ quản lý nhà nước bảo đảm đúng định hướng, có điều tiết.
Đồng thời, Chính phủ đề nghị bộ chủ trì tiếp tục đánh giá kỹ quy định của các luật chuyên ngành liên quan, tránh chồng chéo, thiếu đồng bộ để kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thống nhất mở rộng phạm vi của công chứng theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân nhưng bảo đảm giảm gánh nặng cho các cơ quan nhà nước, tăng trách nhiệm của công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng đối với người dân cũng như đối với nhà nước.
Đặc biệt, nội dung chuyển đổi số cần xử lý đồng bộ theo các quy định pháp luật về giao dịch điện tử. Luật Công chứng chỉ quy định nguyên tắc và các nội dung thực sự đặc thù, riêng biệt (nếu có). Việc xây dựng cơ sở dữ liệu là cần thiết nhưng cần đề xuất xây dựng Đề án tổng thể với các cơ sở dữ liệu khác của ngành Tư pháp và có thể kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Về kiến nghị bổ sung trách nhiệm công chứng đối với các giao dịch bất động sản, cần bảo đảm giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giảm thủ tục, giảm chi phí. Đặc biệt, các mức phí, lệ phí cần được tính toán phù hợp để người dân có thể tiếp cận và tạo nguồn thu hợp lý cho ngân sách.
theo ĐẠT NGUYỄN – Tạp chí luật sư VN
https://lsvn.vn/chinh-phu-thong-nhat-su-can-thiet-xay-dung-ban-hanh-luat-cong-chung1663886959.html