Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu tới. Về cơ bản, dự thảo Luật đến nay đã đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Để tiếp tục góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, tôi đề nghị một số nội dung sau:
Về phạm vi của Luật: do đây là Luật quy định về lực lượng bảo vệ an ninh trật tự có tổ chức, có quản lý nên không nên mở rộng quy định với người dân. Tuy nhiên có thể bổ sung quy định về trách nhiệm của nhân dân trong việc phối hợp với lực lượng cơ sở tham gia bảo vệ an ninh trật tự. Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự là lực lượng có tính chất tự nguyện, tự quản tham gia bảo vệ an ninh trật tự đặt dưới sự quản lý và hướng dẫn, hỗ trợ về nghiệp vụ của lưc lượng công an (chính quy) và sự quản lý của UBND sở tại.
Về nhiệm vụ: Cần quy định các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở thành một đầu mối duy nhất và hướng dẫn, huấn luyện để có thể hỗ trợ công an địa phương, chính quyền địa phương tham gia nhiều hoạt động khác nhau tại địa phương. Thực tiễn cho thấy, do thành viên là những người dân tự nguyện tham gia công việc chung nên lực lượng bảo vệ an ninh trật tự dễ dàng phát hiện sớm những hành vi như bạo lực gia đình, ngược đãi người làm thuê hay các vi phạm khác nên cần bổ sung các quy định này vào trong nhiệm vụ của lực lượng tương ứng.
Bên cạnh đó, đề nghị cân nhắc làm rõ trong trường hợp cơ quan công an, UBND phải bồi thường (nếu ra mệnh lệnh trái pháp luật) và khi nào người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự phải bồi thường (nếu tự ý thực hiện các hành vi trái pháp luật như báo chí phản ánh thời gian qua).
Đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự: cần có sự tự nguyện tham gia và cần bảo đảm yêu cầu về sức khỏe, tuy nhiên không nên quy định cứng nhắc độ tuổi vì nhiều người sau khi nghỉ hưu mới có điều kiện tham gia tích cực vào hoạt động chung ở địa phương. Để bảo đảm bình đẳng giới cũng như tôn trọng sự tự nguyện của mỗi cá nhân tham gia vào hoạt động chung nên cần thiết phải ghi nhận sự tham gia của nữ giới.
Về kinh phí hoạt động, vì đây là lực lượng tự nguyện của nhân dân tham gia bảo vệ địa bàn và hỗ trợ các cơ quan nhà nước nên kinh phí cần được hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước và sự tự nguyện của nhân dân địa phương cũng như của chính người tham gia lực lượng. Cần kiểm soát để tránh tình trạng có người trục lợi tiền của ngân sách nhà nước bằng việc tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự.
Dự thảo Luật cũng cần có sự đánh giá trong tổng thể hệ thống pháp luật nói chung để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trên nguyên tắc không trái với quy định của Hiến pháp năm 2013, hướng tới bảo đảm phân quyền, phân cấp, tính tự chủ của địa phương cũng như khả năng tài chính.
Dự thảo Luật nên quy định phân bố lực lượng tham gia bảo vệ trật tự, an ninh ở cơ sở theo địa giới hành chính, quy mô dân số, đặc biệt quan tâm đến địa hình và những vị trí trọng yếu cần sự phối hợp chặt chẽ, vận dụng linh hoạt các điều kiện. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại địa bàn đô thị khác với nông thôn, miền núi; địa bàn biên giới với tính chất phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tóm lại, đây là một dự luật có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và củng cố lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phục vụ hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, trong toàn bộ nội dung dự thảo Luật cần xác định lực lượng này chỉ là lực lượng hỗ trợ cho công an xã chính quy trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Do đó, các quy định về chính sách hỗ trợ cũng như quy trình, thủ tục thành lập, quản lý… trong dự thảo Luật cần phải được “thiết kế” phù hợp với tính chất của lực lượng này. Cùng với đó, Chính phủ cần đánh giá tác động kỹ hơn về vấn đề tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng này.