Chống dịch nơi cửa ngõ Đông Bắc

Cập nhật: 14/04/2020 09:22

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, tỉnh Quảng Ninh được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm. Ngoài tuyến biên giới với Trung Quốc dài, lượng người, phương tiện ra vào lớn, đa dạng, đây còn là địa phương nhận trọng trách tiếp nhận công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về.

Cảnh sát giao thông kiểm tra tại chốt cầu Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Hơn 3 tháng qua, các lực lượng từ tỉnh đến cơ sở thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh luôn bám sát địa bàn, là chỗ dựa tin cậy cho người dân trong cuộc chiến cam go chống “giặc COVID -19” ở cửa ngõ Đông Bắc của Tổ quốc.

Ghi tại điểm nóng ở vùng biên

Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, tại 3 huyện, thành phố biên giới Móng Cái, Hải Hà và Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh duy trì 20 chốt hoạt động 24/24 giờ, với chủ công là lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng. Cán bộ chiến sĩ Công an tại các chốt, nhất là số Công an chính quy tại các xã biên giới, phối hợp tuần tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời người, hàng hóa xuất nhập cảnh trái phép, đảm bảo ANTT và phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Từ trụ sở Công an xã Quảng Sơn, để đến được 2 điểm chốt kiểm soát biên giới nếu đi bằng ôtô hoặc xe máy thì mất gần 2 giờ vì phải đi đường vòng qua địa bàn xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) hoặc qua xã Quảng Đức, huyện Hải Hà do đường lên các vị trí trên ở xã Quảng Sơn hiện đang được triển khai thi công. Liên tục trong hơn 3 tháng qua, trung bình 2 ngày/lần, Đại úy Phùn Phúc Khường bố trí phương tiện để đưa đón anh em Công an xã bán chuyên trách và một số lực lượng phối hợp từ xã đến các chốt để luân phiên làm nhiệm vụ.Đại úy Phùn Phúc Khường, Trưởng Công an xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, là một trong số ít Công an chính quy đầu tiên được điều động về cơ sở dịp trước Tết Nguyên đán Canh Tý. Từ mùng 4 Tết đến nay, anh được lãnh đạo Công an huyện giao nhiệm vụ Tổ trưởng chỉ huy 2 điểm chốt chống dịch ở khu vực biên giới Quảng Sơn. Do chỉ có một mình anh là Công an chính quy được điều động về xã nên anh “ôm” tất cả các phần việc có liên quan đến lực lượng Công an, từ giải quyết công việc thường xuyên về ANTT trên địa bàn xã, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, đến chăm lo công tác hậu cần phục vụ lực lượng cắm chốt.

 Trước mỗi chuyến đi, anh chu toàn mua từng con cá, mớ rau, chai dầu ăn, gói dầu gội đầu… để đảm bảo công tác hậu cần cho các chốt. Vào giờ cao điểm, nhất là buổi tối, Phùn Phúc Khường phối hợp tuần tra biên giới, canh gác từng đường mòn, lối mở, chốt chặn để ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép, hạn chế sự xâm nhập, lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Những ngày này, áp lực chống dịch dọc tuyến biên giới dù có phần hạ nhiệt so với dịp sau Tết Nguyên đán, song sức ép từ dịch bệnh trong nước lại tăng lên trong khi một bộ phận người dân ở vùng biên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có biểu hiện chủ quan, lơ là.

Một mặt vừa duy trì hoạt động các chốt trên tuyến biên giới, mặt khác lực lượng Công an các địa bàn vùng biên, vùng dân tộc thiểu số như Phùn Phúc Khường được tăng cường cho cơ sở duy trì nắm bắt thường xuyên thông tin về số người lao động, sinh sống tại nước ngoài hoặc thường xuyên qua lại biên giới để chủ động báo cáo các cấp phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo chung, đồng thời kiên trì vận động, tuyên truyền, giải thích để người dân chấp hành nghiêm các quy định của chính quyền trong công tác phòng chống dịch.

Đến các chốt chặn trên các tuyến trọng điểm

Để kiểm soát người và phương tiện bên ngoài tỉnh vào Quảng Ninh, hạn chế lây lan và phát tán dịch bệnh, từ ngày 18/3, tại các tuyến đường bộ, đường thủy dẫn vào tỉnh Quảng Ninh, lực lượng chức năng của tỉnh đã triển khai 13 chốt kiểm tra liên ngành, do lực lượng CSGT chủ trì. Các lực lượng phối hợp thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế, lịch sử đi lại, làm rõ mục đích vào tỉnh Quảng Ninh.

Chốt Trạm thu phí cầu Bạch Đằng nơi được xác định là đầu mối quan trọng nhất để kiểm soát người dân, du khách vào Quảng Ninh. Mỗi ngày tại đây có đến hơn 10.000 lượt phương tiện lưu thông, đây cũng là chốt có kết quả kiểm tra người và phương tiện cao nhất trên địa bàn tỉnh (chiếm 28% tổng số lượng người và phương tiện đã được kiểm tra tại các chốt). Công an thị xã bố trí mỗi ngày 3 ca thay phiên làm nhiệm vụ, đảm bảo khép kín 24/24 giờ.

Công an huyện Hải Hà, phối hợp với Bộ đội Biên phòng thường xuyên tuần tra biên giới.
Hành khách qua Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh.

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, lực lượng CSGT và các địa phương đều duy trì làm việc 100% quân số, không có ngày nghỉ. Từ đầu tháng 3, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt đã huy động tối đa quân số của các đội nghiệp vụ để tăng cường cho các tổ, đội thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát.

Không chỉ triển khai kiểm tra khai báo y tế theo quy định, CSGT và Công an các địa phương tại các chốt còn kiêm thêm nhiệm vụ của một tuyên truyền viên thông qua phát tờ rơi tuyên truyền về các trường hợp không được vào Quảng Ninh theo quy định; thuyết phục người điều khiển phương tiện chỉ đi trong trường hợp thực sự cần thiết, còn lại yêu cầu quay về.

Sau hơn 3 tuần đi vào hoạt động, các chốt liên ngành trên địa bàn tỉnh đã duy trì tốt việc kiểm soát số lượng người và phương tiện vào tỉnh với tổng số 353.000 lượt người và 168.000 lượt phương tiện đã được kiểm tra. Theo Thiếu tá Nguyễn Xuân Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh Quảng Ninh, dù có khá nhiều trường hợp người dân từ tỉnh khác vào Quảng Ninh, thiếu các giấy tờ theo quy định buộc phải quay đầu.

Tuy nhiên, tất cả mọi công dân, trong đó có cả người nước ngoài đều chấp hành nghiêm túc, chưa có trường hợp nào phản ứng với lực lượng thực thi nhiệm vụ. Lực lượng chức năng cũng chưa phải tiến hành xử phạt trường hợp nào vi phạm. Các tổ công tác liên ngành luôn nhận được sự hỗ trợ, đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, lái xe, người tham gia giao thông. Đây là niềm động viên rất lớn để chúng tôi tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”.

Niềm vui khi nhìn thấy đồng bào trở về an toàn

Vân Đồn là 1 trong 3 sân bay được Chính phủ lựa chọn để đón các chuyến bay “giải cứu” công dân Việt Nam từ vùng dịch các nước trên thế giới trở về nước. Mặc dù biết đây là một nhiệm vụ nguy hiểm, nhưng cán bộ chiến sĩ lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ở bất kỳ thời điểm nào.

Những chuyến bay giải cứu thường xuyên về đột xuất hay trong đêm khuya, cán bộ chiến sĩ của Trạm Công an cửa khẩu luôn ở trạng thái thường trực, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Từ thời điểm dịch bệnh bùng phát đến nay, lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh đã thực hiện kiểm soát 29 chuyến bay chuyên chở 4.381 hành khách, trong đó có 3.584 công dân Việt Nam nhập cảnh qua Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn.

Cán bộ chiến sĩ Trạm cửa khẩu, Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn hầu hết còn khá trẻ. Tôi đặc biệt ấn tượng với dòng tâm sự của Thiếu úy Dương Văn Tiến, cán bộ của Trạm trải lòng với đồng đội và người thân mới đây.

Bức thư có đoạn viết: “Dù biết đây là một nhiệm vụ nguy hiểm, “kẻ địch” lại vô hình, chúng tôi không một ai dám tự tin vào sức đề kháng của mình có thể chống chọi với loại virus nguy hiểm đó nhưng tất cả đều chắc chắn một điều: Đây là nhiệm vụ chung. Công an cửa khẩu và các lực lượng gồng mình, tập trung làm bằng tất cả sự tận tâm mặc dù trước đó cả ngày chúng tôi đã liên tục đón các chuyến bay trở về.

Những bữa ăn của chúng tôi cũng diễn ra rất khẩn trương trong 10-15p, vì thời gian không có nhiều nên lựa chọn phù hợp nhất là ăn cơm hộp. Ăn xong mỗi người lại vội vàng vào từng vị trí đã được phân công. Chúng tôi đã đồng hành cùng nhau như vậy suốt 2 tháng qua, cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc, cùng cách ly. Thủ trưởng của tôi đã hơn một tháng nay không về nhà, luôn chia sẻ, sát cánh cùng anh em chúng tôi trên tuyến đầu, động viên tinh thần, nhắc nhở cẩn trọng trong công tác.

Anh Khánh – cán bộ kiểm danh kiểm diện tiếp xúc trực tiếp với người từ vùng dịch về, xa vợ và 2 con nhỏ hàng tháng trời, chị Hà cán bộ tham mưu có con nhỏ ốm sốt để ở nhà cho chồng một mình tự xoay xở vẫn lên đường thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu, anh Phước sợ mình bị lây nhiễm không dám về nhà gặp vợ con, hay có đồng chí chuẩn bị tổ chức kết hôn cũng đành gác lại, những chiến sỹ trẻ facetime về cho gia đình, dạy học cho em, nhìn mặt bạn gái qua điện thoại nhắn nhủ mỗi khi xong nhiệm vụ… Dù khó khăn, vất vả nhưng tất cả đều giữ một nụ cười lạc quan khi nhìn thấy đồng bào của mình an toàn trở về”.

theo Nguyễn Minh – cand.com.vn

Tin liên quan

Bài cuối: Hoàn chỉnh phần mềm quản lý, công khai kết quả giải quyết - Cập nhật: 28/11/2024 09:39
Đề xuất quy định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản - Cập nhật: 28/11/2024 09:14
Đề nghị bổ sung 04 dự án Luật và 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 - Cập nhật: 27/11/2024 08:41
Cao Bằng: Tổng kết 10 năm thi hành Luật Tiếp công dân của HĐND các cấp - Cập nhật: 27/11/2024 07:44
Tuần cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (ngày 25-30/11): Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng - Cập nhật: 25/11/2024 14:27
Bế mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội - Cập nhật: 20/11/2024 08:57
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 4: Dấu ấn ngành Tư pháp - Cập nhật: 19/11/2024 08:47
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cập nhật: 18/11/2024 08:41
Đột phá từ Trung ương - Cập nhật: 15/11/2024 09:58
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 13/11/2024 10:16