Chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng và áp dụng pháp luật: Kỳ 4: Cần đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật

Cập nhật: 27/10/2022 08:34

Để đảm bảo sự liêm chính trong xây dựng và thi hành pháp luật, nhiều ý kiến đề nghị cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo, thẩm tra; tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử; giáo dục đội ngũ cán bộ trọng liêm sỉ, giữ danh dự; đặc biệt, cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa quy trình xây dựng pháp luật.

Một phiên họp của Quốc hội khóa XV về thảo luận Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Phải “nhốt” quyền lực trong “lồng” cơ chế

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cài cắm “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật là do sự tha hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền. Vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh: cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Không chỉ đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022 diễn ra vào tháng 6/2022, Tổng Bí thư yêu cầu người được giao chức vụ, quyền hạn phải thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Phải “nhốt” quyền lực vào “lồng” cơ chế.

Đáng chú ý, một trong các yêu cầu được Bộ Chính trị nhấn mạnh tại Kết luận số 19-KL/TW, ban hành định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội XV là “Phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội”.

Theo đại biểu Quốc hội (QH) Phạm Văn Hòa, để phòng, chống “lợi ích nhóm” trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, trước tiên, cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì soạn thảo phải khách quan, công tâm, vô tư, đặt lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của người dân lên trên hết. Cùng với đó, cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ trì và tham gia thẩm tra. Chất lượng của việc xem xét, cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đối với các dự án luật trước khi trình QH cũng cần phải được tiếp tục tăng cường. “Cơ quan soạn thảo có thể đề ra những nội dung như vậy nhưng UBTVQH, các Ủy ban của QH và Hội đồng Dân tộc, đặc biệt là đại biểu QH phải nhìn thấy rõ vấn đề đó có phải là “lợi ích nhóm”, có lợi cho cơ quan, đơn vị A, B hay không để phản biện”, Đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị.

Còn theo Luật sư (LS) Trần Hữu Huỳnh – nguyên Trưởng Ban Pháp chế VCCI, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – nếu chúng ta thực hiện đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra thì không chỉ giám sát được “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng, thực thi pháp luật mà còn tăng được tính tích cực, chủ động của người dân và DN trong quá trình này, giảm được chi phí và rủi ro cho Nhà nước.

Bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục

Tháng 8 vừa qua, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị, chúng ta phải tiếp tục cơ chế phối hợp từ sớm, từ xa và cộng đồng trách nhiệm, lắng nghe lẫn nhau, lắng nghe người dân, cộng đồng DN. Theo cách thức này thì các dự án luật dù khó mấy cũng làm được và đạt được sự đồng thuận cao. Ông cũng yêu cầu tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng pháp luật; đổi mới cách thức lấy ý kiến nhân dân, ý kiến chuyên gia. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục luật định, nhất là việc chuẩn bị hồ sơ đưa dự án luật, pháp lệnh vào chương trình hằng năm.

Chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng và áp dụng pháp luật: Kỳ 4: Cần đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, đổi mới cách thức lấy ý kiến nhân dân.

Đề xuất việc lấy ý kiến góp ý các dự thảo luật phải đa dạng, nhiều chiều, LS Trần Hữu Huỳnh cho biết: “Kinh nghiệm khi làm ở VCCI là chúng tôi luôn lấy ý kiến của các nhóm đối lập nhau cùng với các nhà khoa học, các chuyên gia. Ví dụ, trong kinh doanh xăng dầu, kinh doanh gas…, Bộ Công Thương muốn đặt tiêu chuẩn rất cao cho các tổ chức kinh doanh, mục đích là muốn bảo vệ sự an toàn, tránh gian lận, nhưng người tiêu dùng vẫn có quyền có tiếng nói; bởi vậy chúng tôi mời Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng đến, xem các tiêu chí của ngành gas như thế có an toàn không, có bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng không?… Ý kiến trong các diễn đàn rất đa dạng về lợi ích đối lập, Nhà nước muốn nghiêng về lợi ích nào cũng không được và cuối cùng là QH giám sát vấn đề này”.

Giải pháp tiếp theo được LS Huỳnh đề cập là trong văn bản luật cần hạn chế đến mức tối đa việc giao Chính phủ quy định chi tiết các điều khoản thi hành Luật. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết mới quy định điều này và làm có tính chất thí điểm; đồng thời, qua hướng dẫn của Chính phủ phải nhanh chóng tổng kết để bổ sung vào điều luật.

Chia sẻ về chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, đại biểu QH Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, Mặt trận với tư cách là đại diện cho tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, phải đóng góp, phản biện thực chất. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng không nên gửi văn bản xin ý kiến giống như để cho xong một thủ tục hành chính nào đó… “Tôi rất tán thành hoạt động mang tính chất trao đổi và tương tác giữa những người am hiểu về kỹ thuật xây dựng văn bản với những người có thực tế cuộc sống. Bởi nếu chúng ta nặng về kỹ thuật xây dựng văn bản mà xem nhẹ những đòi hỏi từ cuộc sống thì sẽ không có sự thống nhất, tác động cùng chiều giữa lý thuyết và thực tế. Mặt khác, cơ quan soạn thảo phải trực tiếp đến Mặt trận và những đối tượng thụ hưởng chính sách để trực tiếp đối thoại, giải thích và phải ghi lại ý kiến khác nhau, kể cả ý kiến bảo lưu – điều này rất quan trọng, vì đây là những nội dung có vấn đề, phòng ngừa cho việc dùng hệ thống pháp luật để trục lợi” – ông Kim đề xuất.

Nhấn mạnh đến vai trò phản biện của các đại biểu QH trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), đại biểu QH Phạm Văn Hòa cho rằng, từng đại biểu QH cần chịu khó đầu tư, nghiên cứu kỹ các dự thảo văn bản QPPL, lắng nghe thêm ý kiến của các chuyên gia, người dân để tham gia thảo luận, phản biện những nội dung mình cảm thấy chưa phù hợp với thực tiễn hay những vấn đề cuộc sống đang đòi hỏi, đang đặt ra mà dự thảo luật chưa đề cập đến, hoặc những nội dung được đề cập nhưng mang tính cục bộ. Các đại biểu QH cần hướng đến mục tiêu làm sao để các văn bản QPPL sau khi ban hành sẽ đi vào cuộc sống và có tuổi thọ lâu dài, mang lại quyền và lợi ích thiết thực cho người dân và các hoạt động hàng ngày.

(còn nữa)

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an):

Không ai “ăn vụng” dưới ánh sáng mặt trời

Để ngăn chặn, phòng ngừa nhóm lợi ích phi pháp, xâm phạm lợi ích quốc gia thì hoạt động của cơ quan công quyền phải công khai, minh bạch. Công khai, minh bạch có thể ví như “thuốc bách bệnh” để khắc phục tham nhũng, nhóm lợi ích phi pháp. Không ai “ăn vụng” dưới ánh sáng mặt trời; 100% các vụ tham nhũng lớn đều là khuất tất cả. Vụ án Việt Á cũng là không công khai, minh bạch, do một nhóm làm, chìm trong bóng tối. Nếu đưa ra công khai thì chắc chắn nhiều học giả am hiểu sẽ phản đối, có ý kiến khác ngay.

Chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng và áp dụng pháp luật: Kỳ 4: Cần đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật ảnh 2
Thiếu tướng Lê Văn Cương.

Ngoài ra, để ngăn chặn nhóm lợi ích phi pháp, dứt khoát phải xây dựng một đội ngũ cán bộ – trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp gương mẫu. Đồng thời, phải phát huy tối đa sự tham gia và giám sát của người dân đối với các dự án. Phải tạo ra một cơ chế để người dân trực tiếp tham gia và giám sát việc hình thành, xây dựng đến triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội.

Việc xây dựng hệ thống luật pháp, ban soạn thảo dự án luật phải chuẩn bị sớm. Trước khi đưa ra thảo luận tại QH phải lấy ý kiến nhân dân. Ví dụ, một dự án luật dự kiến trình ra QH cho ý kiến thì trước đó khoảng 5 – 6 tháng phải đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Bởi QH do dân bầu ra, nhưng trong 100 triệu người dân, nhiều người có kiến thức, rất sáng suốt.

Tin liên quan