Chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng và áp dụng pháp luật: Kỳ 5 – Cần sớm có văn bản nhận diện đầy đủ, chính xác các biểu hiện tiêu cực

Cập nhật: 28/10/2022 08:12

Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, để ngăn chặn, phát hiện, xử lý tiêu cực, cài cắm “lợi ích nhóm” trong xây dựng chính sách, pháp luật, trước tiên các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, tham mưu để Bộ Chính trị xem xét, sớm ban hành văn bản của Đảng trực tiếp điều chỉnh toàn diện vấn đề này, làm cơ sở để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thể chế hóa chính xác, kịp thời, đồng bộ và thống nhất.

Chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng và áp dụng chính sách, pháp luật nhằm hướng đến một hệ thống pháp luật đồng bộ, ổn định, minh bạch, khả thi. Ảnh: Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, năm 2021.

Theo ông Hồ Quang Huy, trong công tác xây dựng và áp dụng pháp luật, nếu những hành vi tiêu cực không được phát hiện và kiểm soát, phòng, chống kịp thời, hiệu quả thì có thể dẫn đến những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội. Chẳng hạn như việc cài cắm “lợi ích nhóm” có thể làm cản trở quá trình thực thi đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó kìm hãm sự phát triển của đất nước; làm ảnh hưởng tiêu cực đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức; gây ra sự bức xúc, mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước…

Vẫn còn tồn tại văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền

Ông có thể thông tin về kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Bộ Tư pháp trong thời gian qua? Sự tồn tại của các văn bản có nội dung trái pháp luật đã được Cục Kiểm tra văn bản QPPL phát hiện, kết luận nói lên điều gì, thưa ông?

– Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, trong 5 năm qua, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã tổ chức kiểm tra 25.670 văn bản (trong đó có 2.882 văn bản cấp bộ và 22.788 văn bản do chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành). Mặc dù đã có sự nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, nhưng qua kiểm tra trong số đó vẫn phát hiện còn tồn tại văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền (chiếm khoảng 2,15%) ở cả Trung ương và địa phương.

Trong thời gian gần đây, công tác xử lý văn bản đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, gần 100% văn bản trái pháp luật nêu trên đã được xử lý, cơ bản các cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật có tinh thần nghiêm túc, cầu thị, khẩn trương tiếp nhận và xử lý nội dung trái pháp luật của văn bản. Nhưng chưa có đủ cơ sở để khẳng định văn bản cụ thể nào cài cắm “lợi ích nhóm”, vì vấn đề này phải được xác minh kỹ lưỡng, gắn với việc xem xét, đánh giá toàn diện, chính xác động cơ, mục đích, hậu quả, cách thức thực hiện… và phải do cơ quan, chủ thể có thẩm quyền chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, xác minh.

Tuy nhiên, việc còn tồn tại văn bản trái pháp luật nêu trên cho thấy, chất lượng hệ thống văn bản QPPL vẫn cần tiếp tục được quan tâm, hoàn thiện hơn nữa. Việc kiểm soát chất lượng văn bản trước và sau khi ban hành vẫn chưa đáp ứng được tốt nhất yêu cầu. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy định pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong ban hành văn bản còn chưa nghiêm. Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật chưa kịp thời, cụ thể.

Qua đó cho thấy, đội ngũ làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, cũng như việc bố trí kinh phí và các điều kiện bảo đảm để phục vụ công tác này cần tiếp tục được quan tâm đặc biệt; cơ chế, phạm vi văn bản được kiểm tra cần nghiên cứu để mở rộng, bao quát, hoàn thiện hơn nữa… Theo tôi, các cơ quan có thẩm quyền phải xác định rõ nguyên nhân, sớm có giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng, ban hành văn bản QPPL.

Chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng và áp dụng pháp luật: Kỳ 5 - Cần sớm có văn bản nhận diện đầy đủ, chính xác các biểu hiện tiêu cực ảnh 2
Ông Hồ Quang Huy.

Nhiều ý kiến cho rằng, rất khó để nhận diện được tình trạng cài cắm “lợi ích nhóm” trong xây dựng chính sách, pháp luật. Ông có thể gợi mở một số căn cứ để nhận diện hành vi này?

– Đúng là rất khó để có thể nhận diện được tình trạng cài cắm “lợi ích nhóm” trong xây dựng chính sách, pháp luật do các biểu hiện của hành vi không “trực diện”, không dễ “lượng hóa”, lại được thực hiện rất tinh vi, có khi được “che giấu” dưới các thủ tục hợp pháp, mang danh nghĩa lợi ích tập thể để hưởng lợi không chính đáng. Tuy nhiên, trên cơ sở nội hàm của khái niệm “lợi ích nhóm” cũng như đối chiếu với thực tiễn được đúc rút từ công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL, chúng tôi mạnh dạn nêu ra một số “biểu hiện”, qua đó có thể bị lợi dụng để cố ý cài cắm “lợi ích nhóm”, tiêu cực trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.

Ví dụ các “biểu hiện” cụ thể như ban hành văn bản hành chính nhưng có chứa QPPL, đồng thời, QPPL này trái pháp luật; ban hành văn bản không đúng thẩm quyền (đặt ra thủ tục hành chính; đặt ra điều kiện đầu tư kinh doanh hoặc ngành nghề kinh doanh có điều kiện; hạn chế quyền con người, quyền công dân…). Ban hành văn bản có nội dung trái với Hiến pháp, trái với văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn. Ban hành văn bản quy định thời điểm có hiệu lực trái với quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL. Văn bản QPPL được ban hành vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục ban hành văn bản. Không xử lý hoặc chậm xử lý văn bản trái pháp luật do mình ban hành…

Tôi xin nhấn mạnh, để khẳng định các biểu hiện nêu trên có chứa “lợi ích nhóm” hay không thì phải căn cứ toàn diện các yếu tố, bao gồm nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi; lỗi, động cơ, mục đích của chủ thể thực hiện hành vi… Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác cũng cần được xem xét, đánh giá khi xác định biểu hiện có hay không “lợi ích nhóm” trong xây dựng thể chế, pháp luật như lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt, hợp thức hóa quyết định sai trái, động cơ vụ lợi của cá nhân; cấu kết với các đối tượng khác để trục lợi; móc nối, câu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội khi xây dựng, ban hành văn bản QPPL…

Chú trọng đầu tư cho lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện thể chế

Vậy, theo ông, cần làm gì để ngăn chặn khả năng có tiêu cực, cài cắm “lợi ích nhóm” trong xây dựng và áp dụng pháp luật?

– Tôi nghĩ, giải pháp căn cơ, toàn diện là phải nhanh chóng hoàn thiện và sớm ban hành quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tham mưu để Bộ Chính trị xem xét, ban hành văn bản nhằm nhận diện các biểu hiện cụ thể của tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật; động cơ, mục đích khi ban hành văn bản QPPL có lồng ghép “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực; quy trình, cách thức xác định và hình thức xử lý cán bộ, đảng viên tham mưu, ban hành văn bản QPPL có nội dung trái pháp luật, lồng ghép “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực.

Mục đích hướng đến của quy định này suy cho cùng chính là nhằm mục tiêu xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, ổn định, thống nhất, minh bạch, khả thi, đồng thời không làm cản trở sự chủ động, sáng tạo, công khai, minh bạch, dân chủ trong công tác xây dựng pháp luật và bảo vệ hiệu quả cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung, vì sự phát triển của đất nước. Trên cơ sở đó, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản QPPL có liên quan nhằm bảo đảm thể chế hóa chính xác, kịp thời, đầy đủ, đồng bộ và thống nhất với quy định của Đảng về vấn đề này.

Tại thời điểm hiện nay, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp như bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Đảng trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật; tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu quả cơ chế phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra văn bản QPPL theo quy định. Nâng cao chất lượng tham gia ý kiến, góp ý, giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và nhân dân trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật.

Cùng với đó, cần chú trọng đầu tư cho lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện thể chế, xem đây chính là đầu tư dành cho phát triển theo đúng như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Đồng thời, phải tuân thủ nghiêm quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, bảo đảm tiến độ, thời hạn, chất lượng trong từng văn bản; nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác xây dựng pháp luật và tùy theo tính chất, mức độ lỗi, nội dung trái pháp luật của văn bản, các chủ thể có liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan