Chuyển đổi 110ha rừng phòng hộ làm cao tốc Bắc Nam: Quốc hội hay Chính phủ quyết định?

Cập nhật: 13/10/2021 09:08

Do các dự án thành phần chỉ chiếm dụng diện tích rừng phòng hộ ít hơn 50ha, rừng sản xuất ít hơn 1.000ha, nên Bộ GTVT đề xuất việc quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thuộc Thủ tướng với từng dự án thành phần.

Ảnh minh họa

Đây là một trong những nội dung trong dự thảo Báo cáo thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 của Hội đồng thẩm định Nhà nước; đang được Bộ KH&ĐT (cơ quan thường trực Hội đồng) lấy ý kiến.

Theo báo cáo, dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng 110ha rừng phòng hộ/đặc dụng, 1.436ha đất rừng sản xuất. Trong 110ha rừng phòng hộ, có Hà Tĩnh (36,1ha), Quảng Bình (61,3ha), Quảng Trị (1,6ha), Bình Định (7,5ha), Phú Yên (3,8ha). Với rừng sản xuất, có Hà Tĩnh (179,5ha), Quảng Bình (405,3ha), Quảng Trị (59,4ha), Quảng Ngãi (91,3ha), Bình Định (150,2ha) Phú Yên (210,7ha), Khánh Hòa (339,2ha).

Diện tích rừng phòng hộ trên 50ha và diện tích rừng sản xuất trên 1.000ha, theo khoản 1 Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), là 1 trong 4 tiêu chí để dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.

Hội đồng thẩm định cho biết dự án có nhu cầu chuyển đổi mục đích 110ha rừng đặc dụng, phòng hộ và 1.436ha rừng sản xuất, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng của Quốc hội (khoản 1 Điều 20 Luật Lâm nghiệp), nhưng nội dung hồ sơ đề nghị chưa đầy đủ theo khoản 1 Điều 41 Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp (sửa đổi bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 83/2020/NĐ-CP).

Tại các Báo cáo giải trình, bổ sung (số 8984/BGTVT-ĐTCT ngày 28/8/2021 và 9189/3GIVI-DICT ngày 3/9/2021), Bộ GTVT đã giải trình lý do chưa có đầy đủ hồ sơ: Thứ nhất, việc thực hiện đầy đủ nội dung hồ sơ chuyển đổi rừng theo quy định nêu trên cần tối thiểu 6 tháng, sẽ không kịp trình Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (dự kiến tại kỳ họp thứ 2, tháng 10/2021);

Thứ hai, tuyến đường bộ có tính chất đặc thù là diện tích chiếm dụng rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng trải dài theo tuyến, trong khi bước nghiên cứu tiền khả thi chỉ xác định sơ bộ về hướng tuyến, việc lập bản đồ hiện trạng rừng khu vực đề nghị chuyển mục đích sử dụng trong bước nghiên cứu tiền khả thi chưa chính xác;

Thứ ba, tuy tổng nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án tổng thể thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng phân chia ra 12 dự án thành phần, thì nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng của các dự án thành phần nhỏ, chỉ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Bộ GTVT kiến nghị báo cáo Quốc hội cơ chế đặc thù: “Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án quyết định sơ bộ diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng, trong bước phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từng dự án thành phần, Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cho từng dự án thành phần”.

Tại Văn bản 5504/BNN-KH ngày 30/8/2021, Bộ NN&PTNT cũng đồng thuận với đề xuất trên và cho rằng cơ chế này phù hợp với thực tiễn triển khai đầu tư xây dựng dự án.

Nhưng theo Hội đồng thẩm định Nhà nước, đây là dự án được Bộ GTVT đề xuất là 1 dự án tổng thể nên thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thuộc Quốc hội. Do đó, cần thiết phải báo cáo Quốc hội chấp thuận giao Chính phủ quyết định trong bước phê duyệt nghiên cứu khả thi.

Dự án cao tốc Bắc Nam có tổng mức đầu tư 124,6 ngàn tỷ đồng đi qua 12 tỉnh thành. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng giai đoạn 2021-2025 theo quy mô quy hoạch được duyệt khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa 1.532 ha, đất nông nghiệp khác 1.280 ha, đất dân cư 502 ha, rừng phòng hộ, đặc dụng 110 ha, rừng sản xuất 1.436 ha, đất khác 621 ha. Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 14.983 ha, số hộ tái định cư khoảng 11.905 hộ.

theo Gia Khánh – Báo Pháp luật Việt Nam

Tin liên quan