Chuyển viên chức sang “công chức hợp đồng” Cân nhắc thận trọng về quyền lợi, trách nhiệm

Cập nhật: 30/09/2024 08:46

Bộ Nội vụ đang nghiên cứu phương án chuyển hơn 7.000 viên chức tại các bộ, ngành, địa phương về chế độ “công chức hợp đồng”.

Nhiều ý kiến nhận định đây là một ý tưởng đáng quan tâm, nhưng nếu quy định “công chức hợp đồng” thì cần xem xét kỹ lưỡng và có chỉnh sửa trong luật liên quan.

Rà soát để điều chỉnh tổng thể

Tại cuộc làm việc mới đây của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình với Bộ Nội vụ, đại diện một số Bộ phản ánh, thời gian qua tại một số cục có những trường hợp viên chức làm công việc của công chức. Cụ thể, một số đơn vị vừa có chức năng quản lý, vừa có chức năng thu phí: Bộ TT&TT có Cục Tần số Vô tuyến điện và Cục Viễn thông; Bộ GTVT có các cảng vụ, Cục Đăng kiểm, Cục Hàng không, Cục Hàng hải; Bộ NN&PTNT có Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật… Quá trình xây dựng biên chế, nhân sự ở những đơn vị này được xác định là viên chức, nhưng thực chất các cục này là cơ quan quản lý Nhà nước, phải là công chức.

Cần cân nhắc về quyền lợi khi chuyển viên chức sang “công chức hợp đồng”. Ảnh Thanh Hải
Cần cân nhắc về quyền lợi khi chuyển viên chức sang “công chức hợp đồng”. Ảnh Thanh Hải

Theo Bộ Nội vụ, từ năm 2016 – 2023, cả nước đã tinh giản 82.295 biên chế, trong đó có 7.435 công chức, 74.860 viên chức. Việc tinh giản biên chế đã hoàn thành vượt chỉ tiêu Bộ Chính trị giao, trong đó công chức giảm 10,01% và viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước giảm 11,67%; số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015.

Theo quy định mới, tất cả đơn vị này sẽ trở về cơ chế hoạt động như cơ quan quản lý Nhà nước, vậy nhân sự tại đây sẽ được coi là công chức hay viên chức? Đại diện các bộ mong sớm có cơ chế để chuyển những viên chức này thành công chức.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện cả nước có hơn 7.000 viên chức cần chuyển thành công chức, trong đó có các Bộ NN&PTNT, TT&TT, GTVT, KH&CN và các địa phương. Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban Chỉ đạo T.Ư về quản lý biên chế để báo cáo Bộ Chính trị.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long thông tin thêm, việc quản lý biên chế như phản ánh của các bộ, ngành đã tồn tại một thời gian dài. Nhiều đơn vị có hàng nghìn người, nhưng không được giao biên chế công chức, có những đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước và có nguồn thu. Bộ Chính trị đã có văn bản giao Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo Ban Tổ chức T.Ư rà soát tổng hợp số biên chế này để điều chỉnh một cách tổng thể.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, nếu chuyển hơn 7.000 viên chức này sang công chức sẽ ảnh hưởng đến việc tinh giản biên chế công chức. Vì vậy, cần tính đến phương án áp dụng chế độ “công chức hợp đồng” với các cơ quan hành chính có nguồn thu. Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để đưa vào chính sách tổng thể.

Đánh giá cụ thể những tác động

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị về chủ trương chuyển viên chức thành công chức hợp đồng, nhiều chuyên gia nhận định, đã có Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của công chức, viên chức. Do đó, việc chuyển cùng trong hệ thống công chức hoàn toàn khác với chuyển từ viên chức sang công chức.

“Trước khi muốn chuyển viên chức thành công chức hợp đồng, cần có đánh giá cụ thể sẽ gây tác động xã hội ảnh hưởng đến đội ngũ này ra sao, nhất là với việc thực thi nhiệm vụ khi chuyển đổi. Bởi đây là vấn đề liên quan con người, việc thực thi pháp luật và chức năng nhiệm vụ được Nhà nước giao” – PGS.TS Bùi Thị An (nguyên đại biểu Quốc hội) thẳng thắn.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, trước tiên cần nghiên cứu những luật liên quan công chức, viên chức xem quy định họ có vị trí việc làm ở đâu, quyền lợi hay nghĩa vụ gì, thậm chí cả chế độ đãi ngộ. Những điều này có sự khác nhau giữa công chức và viên chức, nên muốn thay đổi về Luật, càng cần nghiên cứu sự tác động, nhất là khi con số lên tới hơn 7.000 người.

Đặc biệt, Hà Nội có những đặc thù của Thủ đô, muốn thực hiện ý tưởng này, cần suy xét những vấn đề liên quan đến Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được thông qua. Mấu chốt là viên chức và công chức khác nhau hoàn toàn về chức năng nhiệm vụ, trong đó viên chức cũng có nhiệm vụ tiếp cận người dân nhưng ở góc độ khác công chức.

“Trong bối cảnh ở Thủ đô, khối lượng công việc hàng ngày đội ngũ công chức, viên chức phải giải quyết rất lớn, dân trí lại cao hơn các nơi khác, nên chuyện công chức là người thực thi công vụ tiếp xúc với người dân cũng khác rất nhiều những nơi khác. Hà Nội tập trung tới 2/3 đội ngũ trí thức của cả nước, nên công chức tiếp cận người dân cũng đòi hỏi có trình độ cao hơn, nếu không người dân phản biện ngay” – PGS.TS Bùi Thị An phân tích.

Cùng quan điểm này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, pháp luật hiện chưa có khái niệm “công chức hợp đồng” mà chỉ có “lao động hợp đồng”. Việc chuyển từ viên chức sang “công chức hợp đồng” là một ý tưởng đáng chú ý, tuy nhiên nếu quy định điều này thì phải xem xét điều chỉnh Luật Cán bộ, Công chức.

“Công chức hành chính Nhà nước phải quyết nhiều nội dung liên quan, nếu chỉ có hợp đồng là cả vấn đề đáng suy xét kỹ. Việc này liên quan đến luật, nên cần nghiên cứu chặt chẽ trước khi muốn thực hiện” – ông Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh.

Làm công tác quản lý công chức, viên chức ở cơ sở nhiều năm qua, Trưởng Phòng Nội vụ UBND quận Long Biên Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ, địa vị pháp lý của viên chức và công chức được quy định khác nhau trong Luật. Chiếu theo quy định trong các văn bản pháp luật thì công chức và viên chức đang có địa vị pháp lý tương đương nhau; việc chuyển từ viên chức sang công chức hoặc ngược lại có thể thực hiện được, miễn sao đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện. Song, nếu quy định từ viên chức chuyển sang “công chức hợp đồng” thì địa vị pháp lý, quyền lợi thay đổi hoàn toàn, nhất là về tính ổn định lâu dài của “viên chức” và một “hợp đồng” là rất khác nhau.

“Theo Luật Viên chức, đúng là hiện viên chức thực hiện theo chế độ hợp đồng chứ không còn là viên chức suốt đời, song khái niệm “hợp đồng” đối với công chức không rõ ràng. Địa vị pháp lý của “công chức hợp đồng” được quy định ở đâu, ứng xử thế nào về chế độ đãi ngộ…? Khái niệm “công chức hợp đồng” chưa có trong Luật, nên quy định về quyền lợi là chưa rõ. Hơn nữa, nhóm đối tượng “hợp đồng” rõ ràng không nằm trong hệ thống để được tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm hay hưởng những chính sách đối với một công chức, viên chức. Ngoài ra, trước khi thực hiện việc này, đội ngũ viên chức thuộc diện bị điều chỉnh bởi những quy định mới cũng cần được tuyên truyền để thông suốt về tư tưởng” – bà Nguyễn Thị Thu Hằng bày tỏ.

Đặc thù công việc của các viên chức đang thuộc vị trí nào thì nên chuyển đổi cho họ bảo đảm phù hợp. Tuy nhiên, nếu chuyển một lúc hơn 7.000 viên chức thành “công chức hợp đồng” thì chỉ tiêu công chức sẽ tăng đột biến, như vậy mục tiêu tinh giản biên chế với đối tượng công chức theo tôi là sẽ rất khó hoặc không thể thực hiện được.

theo Nhà giáo Hứa Thị Thu Huyền, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học
Vũ Xuân Thiều (quận Long Biên) – Báo Kinh tế và đô thị

 

 

https://kinhtedothi.vn/can-nhac-than-trong-ve-quyen-loi-trach-nhiem.html

 

Tin liên quan