Quang cảnh buổi làm việc. |
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội (QH) Trần Thanh Mẫn đánh giá cao công tác y tế dịp Tết vừa qua và cho rằng, ngành Y tế đã thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh. Cả nước không ghi nhận ổ dịch lớn và trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong cộng đồng; không ghi nhận ca ngộ độc thực phẩm tập thể hay thông tin phản ánh về thiếu thuốc, tăng giá thuốc tại bệnh viện; công tác khám bệnh, chữa bệnh được quan tâm thực hiện chu đáo… góp phần tích cực để nhân dân đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi và an toàn.
Nhìn lại hai năm 2020-2021, Phó Chủ tịch Thường trực QH cho rằng, đến thời điểm này, chúng ta đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần quan trọng cho sự phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. “Góp chung vào kết quả đó có vai trò nòng cốt của ngành Y tế, công sức, trí tuệ, trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cả nước; sự hy sinh thầm lặng, cao cả của nhiều bác sĩ, y sĩ, y tá, điều dưỡng và lực lượng trực tiếp chăm sóc, điều trị, phục vụ. Trong dịp Tết cũng có nhiều cán bộ, nhân viên y tế phải túc trực, không được về đoàn tụ gia đình”, Phó Chủ tịch Thường trực QH chia sẻ và biểu dương những kết quả tích cực toàn ngành Y tế đạt được trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, Phó Chủ tịch Thường trực QH nêu rõ, ngành Y tế còn có một số vấn đề mà đại biểu QH, cử tri, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, đòi hỏi xây dựng các giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết căn cơ như thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế. Tình hình thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm. Hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, nhất là vấn đề mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa, tự chủ, quản trị bệnh viện công; giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh…
Cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới của Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Thường trực QH khẳng định, Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn chia sẻ, ủng hộ để phát triển ngành Y tế. Phó Chủ tịch Thường trực QH mong muốn, ngành Y tế đoàn kết, thống nhất cao, hỗ trợ, động viên nhau nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức; xây dựng Đảng bộ Bộ Y tế và tổ chức đảng toàn ngành Y tế thật sự trong sạch, vững mạnh; tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 20 và 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế kịp thời, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác y tế. Có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế liên quan đến mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa, cơ chế tự chủ, quản trị đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế. Khẩn trương tham mưu Chính phủ để xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để kịp thời đưa Luật vào cuộc sống từ ngày 1/1/2024.
Phó Chủ tịch Thường trực QH đề nghị, Bộ Y tế cần sớm hoàn thành và triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân công, phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trực tiếp trả lời nhiều kiến nghị của Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Thường trực QH cũng yêu cầu, mỗi cán bộ, nhân viên y tế đều phải hành động theo lời dạy của Bác Hồ và 12 điều y đức khi làm nhiệm vụ…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, trong đại dịch vừa qua, bằng ý chí, quyết tâm của toàn ngành Y tế đã vượt qua giai đoạn đầy thách thức, khó khăn. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách của ngành Y tế cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa tính đến yếu tố “đại dịch” và còn có những yếu tố lạc hậu. Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, thời gian tới, ngành Y tế cần tập trung rà soát, đánh giá lại các cơ chế, chính sách của ngành, đặc biệt là cơ chế, chính sách về đấu thầu, đấu giá thuốc, vật tư y tế.