Có hay không việc ngư dân vùng biển Đồ Sơn bị “làm luật”(?)

Cập nhật: 23/03/2020 07:58

Phải trích lại phần trăm trong tổng số sản lượng đánh bắt được, nhiều ngư dân đã bức xúc cho rằng mình bị cưỡng bức công sức lao động, trong khi những người đứng ra thu tiền cho rằng đó là khu vực của mình đã “khoanh vùng” nuôi trồng thủy sản… Thời gian qua,…

Phải trích lại phần trăm trong tổng số sản lượng đánh bắt được, nhiều ngư dân đã bức xúc cho rằng mình bị cưỡng bức công sức lao động, trong khi những người đứng ra thu tiền cho rằng đó là khu vực của mình đã “khoanh vùng” nuôi trồng thủy sản…

Thời gian qua, quận Đồ Sơn và nhiều cơ quan chức năng của TP Hải Phòng đã nhận được phản ánh của ngư dân về việc bị một số người “làm luật” sau mỗi chuyến khai thác, đánh bắt tại khu vực vùng biển Đồ Sơn.

Cụ thể theo phản ánh, từ khoảng cuối tháng 2 vừa qua, bà con đi biển đã phát hiện thấy một ngư trường ở khu vực cửa biển Hải Phòng xuất hiện một số giống nhuyễn thể, như gion, giắt, nhám. Theo đó, bà con ngư dân đã tổ chức một nhóm khoảng 15 thuyền hàng ngày đi ra khai thác.

Đến ngày 23/2, nhóm ngư dân trên sau khi ra biển đánh bắt, về cập bến Bà Đoàn, phường Tân Thành, quận Dương Kinh, bốc hàng lên cân cho một người thu mua hải sản là bà Cao Thị K., ở phường Bàng La, quận Đồ Sơn, thì có một số người, trong đó có Đặng Văn B., ở phường Tân Thành, quận Dương Kinh và Nguyễn Đức H., ở phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn cùng một số người khác đến giám sát, ghi chép số lượng đánh bắt của từng tàu.

Ngày hôm sau bà K. yêu cầu các chủ tàu phải trích lại phần trăm để nộp lại cho những người trên. Theo đó, lúc đầu nhóm ông B, yêu cầu các chủ tàu phải nộp lại 40%, sau đó rút xuống 30%, rồi chốt ở 25% trong tổng số sản lượng đánh bắt được.

Phản ánh của ngư dân cho biết, liên tục những ngày sau đó ông B. cùng một số người khác còn đi xuồng ra tận ngư trường đếm số lượng tàu đe dọa đánh, đốt tàu nếu không “chấp hành”. Do lo sợ nên từ ngày 6/3 đến nay, bà con ngư dân đã dừng khai thác tại khu vực vùng biển này.

Cũng theo phản ánh của ngư dân, sau khi yêu cầu thu từ bà K. 20 triệu đồng, đến ngày 8/3, trước sự chứng kiến của 15 chủ tàu cá, ông B. cùng một số người nữa (trong đó có cả bà K.) thu tiếp hơn 47 triệu đồng, trong tổng số hơn 67 triệu đồng đã được tính toán. Đây là những khoản tiền thu không có căn cứ, bởi ông B. và những người trên không có quyền lợi, cũng như không hề có đóng góp công sức, đầu tư tiền bạc gì vào ngư trường này.

Sau khi nhận được thông tin trên, phóng viên Báo Công an nhân dân đã liên hệ và gặp trực tiếp ông Nguyễn Đức H., là một trong những người bị “tố” tham gia thu tiền của ngư dân. Ông H. xác nhận là mình cùng một số có đứng ra thu lại phần trăm trong tổng số sản phẩm khai thác của ngư dân đánh bắt tại vùng biển cách khu du lịch Đồ Sơn khoảng 4 hải lý. Tuy nhiên theo ông H., việc thu lại phần trăm của ngư dân được thỏa thuận trên cơ sở khu vực này ông H. đã đầu tư thả giống.

Theo ông H. từ cuối năm 2019, do khu vực ven bờ mà ông và nhiều hộ dân khác đã nuôi trồng hàng chục năm nay năng suất giảm đáng, lại sắp bị chính quyền địa phương thu hồi để giao cho doanh nghiệp triển khai dự án phát triển du lịch.

Qua khảo sát, ông H. xác định khu vực ngoài biển có thể tiếp tục nghề nuôi trồng thủy sản của mình nên đã tiến hành nuôi thử nghiệm khoảng 100 tấn giống nhuyễn thể, gồm các con gion, giắt và nhám. Đến cuối tháng 2 vừa qua, ông H. thuê 4 con tàu đánh bắt thu hoạch kiểm tra nếu thấy hiệu quả sẽ tiếp tục đầu tư.

Cũng theo ông H., phương pháp thu hoạch truyền thống của các chủ nuôi ở đây là thuê bà con ngư dân đánh bắt đánh bắt, sau đó ăn chia theo tỷ lệ. Thời gian đầu khi số lượng còn nhiều là 50/50, sau đó vơi dần hoặc vị trí khai thác xa bờ sẽ tăng thêm phần trăm cho ngư dân, có thể lên đến 75%. Ở ngư trường mới này do ở xa bờ nên ông H. và những người cùng đầu tư với mình đã thỏa thuận với 4 phương tiện là sẽ thu lại 25% trong tổng số sản phẩm thu hoạch được.

Khi được phóng viên hỏi, đây là ngư trường tự nhiên, không có bất cứ ai được cấp phép nuôi trồng hay quản lý mà tự ý đứng ra thu tiền, ông H. thừa nhận việc làm này là không đúng quy định. Tuy nhiên theo giải thích của ông H., không chỉ khu vực này mà hầu hết khu vực mặt nước thuộc vùng biển Đồ Sơn từ bao lâu nay buông lỏng quản lý. Người dân mạnh ai nấy khoanh vùng, tự nhận của mình nuôi trồng thủy hải sản hay làm việc gì khác tùy thích…

Cũng theo giải thích của ông H., nếu không xác định được khu vực này là của ai thì không tự nhiên các chủ tàu đồng ý trích lại tiền cho bà K. chuyển lại cho chúng tôi. “Tuy nhiên, khi phát hiện trữ lượng hải sản lớn nên ngoài 4 tàu đã “hợp đồng” còn có nhiều tàu khác ra đây đánh bắt nên chúng tôi phải có mặt để ngăn chặn” – ông H. nói.

Ngày 22/3, trao đổi với phóng viên, Đại tá Trần Tiến Quang, Trưởng Công an quận Đồ Sơn cho biết vừa tiếp nhận hồ sơ vụ việc trên từ Đồn Biên phòng Đồ Sơn bàn giao. Theo đó, Công an quận Đồ Sơn sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiến hành điều tra làm rõ phản ánh của người dân có hay không hành vi cưỡng đoạt tài sản để xử lý theo quy định pháp luật.

theo V. Huy/ Cand
link gốc: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/Co-hay-khong-viec-ngu-dan-vung-bien-Do-Son-bi-lam-luat-586975/

Tin liên quan