Công lý được tạo dựng từ pháp luật hay đạo đức?

Cập nhật: 25/01/2024 11:00

Hành động không nhận hối lộ của ông Nguyễn Thành Danh rõ ràng là đáng khen ngợi vì nó phù hợp với mọi phân tích về mặt pháp luật lẫn đạo đức. Ông Danh không thể chịu án tù thêm (sau thời gian tạm giam) khi đã ứng xử một cách có đạo đức như vậy. Vì lẽ đó, phán quyết của Tòa án dành cho ông cũng chính như là sự công bằng và công lý.

Ông Nguyễn Thành Danh (bên phải) và Luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.

  1. Bối cảnh

Ngày 12/01/2024, ông Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương được Hội đồng xét xử áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt tuyên miễn trách nhiệm hình sự.

Vụ án Việt Á, có trên 100 bị can, trong đó có 03 Ủy viên Trung ương Đảng và hàng chục lãnh đạo cấp sở, ban, ngành địa phương khác dính vòng lao lý, riêng ông Nguyễn Thành Danh được miễn trách nhiệm hình sự.

Bản án này không bất ngờ và hợp lòng dân, bởi vì từ trước khi Tòa tuyên án, hàng chục tờ báo đã đưa tin về vụ việc và mô tả chi tiết về hành vi “phải trái, đúng sai” của ông Nguyễn Thành Danh. Cái sai của ông Danh là làm trái quy định về đấu thầu vật tư y tế, nhưng cái đúng của ông đó là từ chối nhiều lần nhận hối lộ và cám dỗ của đồng tiền.

Trong một phát biểu gần đây của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã cho rằng ông Nguyễn Thành Danh thậm chí còn đáng “được khen thưởng” vì có sai nhưng là sai vì mục đích cứu người, chứ không vụ lợi, không nhận hối lộ khi đồng tiền dâng đến tận phòng làm việc. Lời khen này theo tôi hiểu đương nhiên là khen thái độ, đạo đức và hành xử của ông Danh dấn thân vì lợi ích chung, biết chối từ hối lộ, tư lợi chứ không cổ vũ cho cái sai trước của ông.

Vậy, việc Tòa tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho ông Nguyễn Thành Danh có đáng được xem là một trường hợp vì công lý hay không? Nếu đó là công lý thì nó được xây dựng từ nền tảng gì?

  1. Phân tích

Trong vụ án, ông Nguyễn Thành Danh có 02 hành vi:

– Chỉ đạo ứng trước vật tư của Việt Á, rồi làm hồ sơ đấu thầu, thanh toán sau; và

– Từ chối nhận hối lộ (hoa hồng) nhiều lần từ người của Việt Á.

Hành vi thứ nhất là sai rõ ràng và ông Danh đã phải trả giá bằng việc bị tạm giam suốt 10 tháng 04 ngày trong giai đoạn điều tra.

Nhưng sau cùng, Tòa án đã tuyên miễn trách nhiệm hình sự với ông Nguyễn Thành Danh. Phán quyết này dành cho ông Danh đã nhận được sự ủng hộ từ người dân, báo chí và cả các lãnh đạo cơ quan Nhà nước. Đây là một sự vụ hiếm hoi, một cán bộ được miễn trách nhiệm hình sự nhưng đã nhận được sự ca ngợi của xã hội? Vì sao?

Dưới góc độ pháp lý, căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 29, Bộ luật Hình sự.

Điều 29. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi có quyết định đại xá.

2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Ông Nguyễn Công Danh đã được Viện Kiểm sát và Tòa án áp dụng tối đa Điều 29, Bộ luật Hình sự. Nhiều vấn đề đã được Hội đồng Xét xử đặt ra và xem xét một cách thận trọng trước khi đi đến quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho ông Danh, trong đó có:

– Yếu tố lỗi của ông Danh, có xuất phát từ động cơ tư lợi hay cố ý gây thiệt hại hay vì sự chỉ đạo của cấp trên;

– Công trạng, thành tích của ông Danh trong suốt thời gian công tác, làm việc (thầy thuốc ưu tú, công dân tiêu biểu của tỉnh Bình Dương);

– Sự chuyển biến của tình hình dẫn đến hành vi của ông Danh không còn gây nguy hiểm cho xã hội;

– Đặc biệt nhân cách của ông Danh qua việc từ chối nhận tiền từ Việt Á.

Các vấn đề trên đều đã được trả lời với đáp án có lợi nhất và phù hợp nhất để đưa ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho ông Nguyễn Thành Danh. Không phải người dân nào cũng hiểu biết hết các quy định trên để phân tích cặn kẽ như Luật sư, thế nhưng khi bản án được đưa ra, dư luận đều ủng hộ. Vậy, người dân ủng hộ vì cơ sở nào? Chắc hẳn vì hiểu biết Điều 29, Bộ luật Hình sự là có, nhưng không nhiều. Tôi tin cơ sở để người dân ủng hộ phán quyết này đến từ tính công bằng, một khía cạnh của công lý chăng?

Theo John Rawls (Triết gia đạo đức và chính trị người Mỹ, giáo sư Đại học Havard), đã nói trong cuốn “Một lý thuyết về công lý (1971)” rất nổi tiếng của ông rằng: công lý như là sự công bằng (Justice as Fairness), tức một xã hội không thể xem là công bằng nếu thiếu công lý.

Luật sư Lê Nguyên Hòa, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.

Theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học), công lý là “lẽ phù hợp với đạo lý và lợi ích chung của xã hội”. Giải thích này vẫn chưa cụ thể, vì cần phải hiểu thêm đạo lý là gì thì mới giải thích một cách rõ hơn về công lý. Đạo lý là cái lẽ hợp với khuôn phép, đạo đức ở đời. Khuôn phép có thể hiểu là quy tắc xử sự, chính là luật pháp.

Như vậy, công lý theo sát nghĩa tiếng Việt sẽ được tạo nên từ những thành tố gồm:

– Lẽ phù hợp với luật pháp hoặc đạo đức ở đời; và

– Lẽ phù hợp với lợi ích chung của xã hội.

Hành vi thứ hai của ông Danh không chỉ đúng mà còn được ca ngợi từ người dân, khuyến khích từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước xem như một tấm gương điển hình để cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung mà không có động cơ vụ lợi.

Theo lời khai, ông Danh từ chối nhận tiền từ Việt Á với lý do sắp về hưu, không muốn dính dáng tới tiền bạc, phiền phức. Thế nhưng, đây chỉ là cái lý do bề nổi. Còn bên dưới lý do đó là hành động can đảm và bản lĩnh của một người có nền tảng đạo đức. Hành xử không nhận hối lộ đã đáp ứng các tiêu chí của công lý:

– Pháp luật và cả đạo đức xã hội không cho phép nhận hối lộ, vì vậy hành động của ông Danh là phù hợp trên hết;

– Nếu ông Danh nhận hối lộ, thì ông Danh đang làm vì lợi ích của cá nhân chứ không còn là lợi ích chung cho xã hội nữa. Còn việc ứng trước vật tư của ông Danh xuất phát từ nguyên nhân khách quan là sự chỉ đạo của Sở Y tế và tình thế cấp thiết cần có dụng cụ test virus cho nhân dân. Đây cũng là vì lẽ chung của xã hội trong giai đoạn đó.

Do vậy, hành động không nhận hối lộ của ông Danh rõ ràng là đáng khen ngợi vì nó quá phù hợp với mọi phân tích về mặt pháp luật lẫn đạo đức. Ông Danh không thể chịu án tù thêm (sau thời gian tạm giam) khi đã ứng xử một cách có đạo đức như vậy được. Vì lẽ đó, phán quyết của Tòa án dành cho ông Danh cũng chính như là sự công bằng và công lý mà John Rawls đã nói. Vì lẽ đó, có thể thấy dư luận đã chấp nhận bản án cho ông Danh cũng dựa vào nền tảng của công lý như là sự công bằng cho chính ông Danh vậy.

theo Luật sư LÊ NGUYÊN HÒA

Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/cong-ly-duoc-tao-dung-tu-phap-luat-hay-dao-duc-1706151893.html

Tin liên quan