“Công nghệ” làm luật!

Cập nhật: 02/08/2024 12:11

Tại cuộc làm việc chiều qua, 1.8, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Ủy ban Pháp luật tập trung hoàn thành Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả gắn với việc đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sau gần 40 năm đổi mới, công tác xây dựng pháp luật đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, góp phần xứng đáng vào những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta. Dù thế, một quy trình lập pháp chuyên nghiệp hơn, khoa học hơn và hiệu quả hơn vẫn là vấn đề lớn đặt ra bởi một số tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật dù đã được chỉ ra từ lâu nhưng vẫn chậm được khắc phục, thậm chí là chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu.

Một trong số đó là tình trạng luật thiếu tính ổn định, luật “khung”, luật “ống” với khá nhiều quy định được đề xuất ủy quyền cho Chính phủ, các bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết. Sẽ không có gì phải băn khoăn nếu điều này là thực sự cần thiết, là sự lựa chọn tối ưu. Nhưng ở một chiều cạnh khác, có thể thấy, một số cơ quan khi được giao chủ trì soạn thảo vẫn còn tâm lý “để dành” – dành không gian, dư địa cho việc hướng dẫn chi tiết bằng các điều khoản dưới luật có lợi cho công tác quản lý của bộ, ngành mình, và tất nhiên, cũng không loại trừ trường hợp lồng ghép lợi ích nhóm để “tiếp tay” cho các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực hiện sau này.

Việc Quốc hội, Chính phủ nỗ lực siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng pháp luật suốt thời gian qua đã tác động rất tích cực đến chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Nhưng đã khắc phục triệt để được những tồn tại, hạn chế, trong đó có tình trạng nêu trên hay chưa thì có lẽ là chưa.

Tháng 8.2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tư pháp về giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Kết luận phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; kiên quyết chấm dứt tình trạng sử dụng hình thức văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật (như một số loại nghị quyết, chỉ thị, công văn, công điện, văn bản chỉ đạo, điều hành…) để đề ra các quy định pháp luật, nhất là các nội dung có tính quy phạm pháp luật khác với quy định của hệ thống pháp luật hiện hành. Cùng với đó là tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật và đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, phòng ngừa, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong một bộ phận công chức pháp chế, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật…

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong vài năm trở lại đây cũng đặc biệt chú trọng giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc lĩnh vực phụ trách để kịp thời phát hiện các vi phạm, mâu thuẫn, chồng chéo, những sơ hở, bất cập có nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong các văn bản.

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 178 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Có thể nói, đây là lần đầu tiên chúng ta có một Quy định xác định rõ các nguyên tắc và phương thức kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật; nhận diện các hành vi tham nhũng, các hành vi tiêu cực trong lĩnh vực này và xác định rõ trách nhiệm của không chỉ của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật mà còn phân định rành mạch trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, trách nhiệm của thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong xây dựng pháp luật… Quy định số 178 cũng nêu rõ các biện pháp xử lý hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật và xử lý trách nhiệm khi để xảy ra hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này với mức độ nghiêm ngặt hơn rất nhiều.

Một quy trình lập pháp, hay một “công nghệ sản xuất pháp luật” chuyên nghiệp, khoa học, dân chủ, phát huy được tối đa trí tuệ, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan, đồng thời có cơ chế để sàng lọc, kiểm soát được những vi phạm, tiêu cực… ngay từ những khâu đầu tiên sẽ là “chìa khóa” khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế hiện nay, để cho ra đời những văn bản quy phạm pháp luật thực sự chất lượng, thực sự kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Và như vậy, yêu cầu nêu trên của Chủ tịch Quốc hội cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt.

theo Nguyễn Bình – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan

Nghiên cứu đa dạng hoá chính sách ưu đãi thuế - Cập nhật: 22/11/2024 14:13
Công an TP Hồ Chí Minh: Mục tiêu không để tội phạm xảy ra tại bất kỳ cây ATM, ngân hàng nào - Cập nhật: 22/11/2024 08:23
Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Tập trung cho công tác lập pháp - Cập nhật: 20/11/2024 09:01
Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 với nhiều nội dung quan trọng - Cập nhật: 20/11/2024 08:54
Hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu - Cập nhật: 19/11/2024 10:12
Quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Cập nhật: 19/11/2024 08:38
Chung khảo Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính TP Hà Nội năm 2024” Thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức - Cập nhật: 18/11/2024 08:55
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 3: Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật​ - Cập nhật: 18/11/2024 08:36
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 1: Nhận diện vấn đề - Cập nhật: 15/11/2024 10:07
Nhận diện thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động “ly khai”, “tự trị” - Cập nhật: 15/11/2024 10:00