Công ty CP phân bón sông Lam Tây Bắc: Góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, đóng góp tích cực phát triển kinh tế – xã hội, minh chứng cho hiệu quả của tỉnh Sơn La trong thu hút đầu tư.

Cập nhật: 28/05/2024 07:22

Công ty CP Phân bón Sông Lam Tây Bắc thành lập ngày 18/05/2021, được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc ngày 09/11/2021 với diện tích mặt bằng 81.000m2. Nhà máy với công suất 90.000 tấn/năm, gồm dây chuyền sản xuất phân bón vô cơ công suất 45.000 tấn/năm và phân bón hữu cơ vi sinh công suất 45.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư gần 160 tỷ đồng.

(Cty Phân bón Sông Lam Tây Bắc ký hợp tác tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh trong buổi lễ khánh thành nhà máy 09/02/2023)

Nhà máy sản xuất phân bón Sông Lam Tây Bắc được đầu tư xây dựng với mục đích tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp, tận dụng các nguồn phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, như vỏ cà phê, bã sắn, chất thải ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung, làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời, giúp cho người nông dân có thêm lựa chọn sản phẩm phân bón đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý trong sản xuất nông nghiệp; từng bước góp phần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ – Organic, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Bên cạnh đó, nhà máy đi vào hoạt động, đã tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.

Chuyên tâm tạo ra giá trị cộng đồng.

Chuyên tâm tạo ra giá trị cộng đồng – là Slogan, cũng là phương châm của Công ty CP phân bón Sông Lam Tây Bắc, với mong muốn phát triển bền vững theo hướng hợp tác mang lại lợi ích cho Doanh nghiệp và bà con nông dân; Nâng cao tính chủ động, trách nhiệm với xã hội và tạo ra lợi ích bền vững cho xã hội.

(mô hình sử dụng phân bón Sông Lam Tây Bắc cho cây cà phê tại Sơn La)

Đặc biệt, mỗi năm nhà máy sẽ tiêu thụ từ 70.000 – 80.000 tấn rác thải, phụ phế phẩm của các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản như vỏ cà-phê, bã sắn, bùn bã mía đường và các phụ phẩm khác trong quá trình chăn nuôi, góp phần mang lại lợi ích về kinh tế. môi trường tại tỉnh Sơn La nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung.

Xây dựng vòng tuần hoàn sản xuất xanh, công nghệ hiện đại. Gắn trọng tâm công tác bảo vệ môi trường.

Song song với xây dựng nhà máy phân bón, nhà máy chế biến cà phê Sơn La được khởi công xây dựng với tổng công suất 50.000 tấn quả cà phê tươi/năm (tương đương 12.500 tấn cà phê nhân/năm), gồm 2 dây chuyền: công nghệ sát ướt sử dụng tiết kiệm nước, tuần hoàn và công nghệ sát khô kín, lọc bụi.

Giải quyết đầu ra cho cây kinh tế mũi nhọn của địa phương. Toàn tỉnh Sơn La hiện có trên 20.000 ha (chiếm 41,2% diện tích cà phê Arabica của cả nước và là tỉnh có diện tích trồng cà phê Arabica lớn nhất cả nước) được trồng tập trung chủ yếu ở huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Sốp Cộp và Thành phố Sơn La. Trong đó, có gần 18.000 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương, sản lượng đạt trên 204.000 tấn quả tươi.

(Nhà máy chế biến cà phê Sơn La khánh thành và đi vào hoạt động tháng 10/2023)

Hệ thống xử lý chất thải, nước thải của nhà máy: quá trình rửa, xay xát vỏ cà phê tươi, rửa hạt cà phê qua hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn, khép kín với công suất 500m3/ngày đêm. Nước thải được xử lý bằng công nghệ “bùn hoạt tính kết hợp công nghệ vi sinh”.

 Toàn bộ vỏ cà phê và các phụ phẩm trong quá trình chế biến sẽ được Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc (thuộc Công ty cổ phần phân bón Sông Lam Tây Bắc – là đơn vị tham gia chuỗi cà phê bền vững) sử dụng công nghệ ủ lên men siêu tốc Bioway AT-6H (của Mỹ) xử lý thành phân bón hữu cơ thế hệ mới. Công nghệ này xử lý tất cả các chất thải hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh cao cấp, giàu dinh dưỡng.

Sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền Tỉnh Sơn La, hưởng ứng của bà con xã viên về đích sớm của dự án.

Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023  với chủ đề “Arabica, cà phê Sơn La – Hương vị núi rừng Tây Bắc.” Đây là sự kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025, thực hiện chủ trương phát triển cà phê bền vững, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La đã tạo điều kiện giúp doanh nghiệp sớm đưa vào hoạt động Nhà máy Cà phê Sơn La tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đúng vào sự kiện trên. Chủ trương nâng cao giá trị sản xuất công – nông nghiệp, tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho lao động địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm, thương hiệu cà phê Arabica Sơn La trên thị trường thế giới.

Việc phát triển đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc (thuộc Công ty cổ phần phân bón Sông Lam Tây Bắc) và Nhà máy chế biến Cà phê Sơn La (thuộc Công ty chế biến Cà phê Sơn La) là minh chứng rõ nét cho việc đưa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào cuộc sống; được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư, giải quyết những vấn đề thách thức, bất cập trong quá trình phát triển cây cà phê của tỉnh Sơn La… 2 đơn vị nhà máy đi vào hoạt động, đã tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định góp phần an sinh xã hội và đóng góp cho ngân sách địa phương./.

Tin liên quan