Công ty tự ý hủy đơn?
Chị Nguyễn Thị Nhị phản ánh, chị bị Công ty Cổ phần Intraco Quốc tế tự ý hủy “đơn hàng” không lý do và không trả lại 2.000 USD tiền “cọc” đăng ký để đi làm việc tại Nhật Bản.
Chị Nhị cho biết: “Từ tháng 7/2020, theo lời chỉ dẫn của bạn ở gần nhà tôi gặp anh tên Nguyễn Bá Thân. Sau khi gặp, tôi được anh Thân đưa đến Công ty Cổ phần Intraco Quốc tế có địa chỉ tại tầng 12a, tòa nhà Plaschem, 562 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội để tham gia thi đơn hàng chế biến thực phẩm theo diện thực tập sinh. Sau khi thi đậu đơn hàng và hoàn tất đóng tiền cọc, anh Thân đưa tôi đến Trung tâm của Công ty Cổ phần Intraco Quốc tế để vào đây học tiếng Nhật (gọi tắt là Trung tâm) cùng mọi người”.
Trải qua thời gian chờ đợi do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến ngày 15/3/2022, chị Nhị được trung tâm thông báo lên tập trung trước ngày 21/3/2022, khi đi mang theo hành lý và không về nữa để chuẩn bị bay. Thời điểm này, chị được ở tại Trường Cao đẳng Đường sắt (địa chỉ tại số 2/167 Gia Quất, Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội) để vừa học và chờ lịch bay.
Theo chị Nhị, trong quá trình theo học tại Trung tâm, chị đã bị thầy giáo dạy tiếng Nhật ở đây tự ý mang xe của chị đi cầm cố. Tuy nhiên, phía Trung tâm quản lý thầy giáo này không hề có động thái đứng ra chịu trách nhiệm hoặc thông báo rõ ràng về sự việc này.
“Mặc dù thầy Định là giáo viên dạy tại Trung tâm của Công ty Cổ phần Intraco Quốc tế, tuy nhiên Công ty Cổ phần Intraco Quốc tế không hề có động thái đứng ra chịu trách nhiệm hoặc thông báo rõ ràng về sự việc trên?”, chị Nhị cho biết.
Ngày 5/4/2022, giáo viên của Trung tâm yêu cầu chị Nhị mang theo hành lý để về quê, không cho chị tiếp tục học tập cũng như chờ lịch bay như dự kiến. Đến ngày 24/6, phía Công ty Cổ phần Intraco Quốc tế chưa hề có thông báo chính thức về việc giáo viên yêu cầu chị mang hành lí về quê cũng như việc chị Nhị không được bay như dự kiến.
“Giáo viên của Trung tâm thông báo cho tôi nghỉ học và mang hành lý về quê. Tôi cũng không được thông báo được bay theo lịch dự kiến ban đầu. Cho đến giờ, tôi vẫn chưa nhận được thông báo chính thức nào từ phía công ty”, chị Nhị nói.
Không được bay mà không rõ lý do
Cũng theo phản ánh của chị Nhị, ngày 14/8/2020, chị đến Công ty Cổ phần Intraco Quốc tế để đóng tiền cọc cho anh Thân là 2.000 USD. Số tiền này đã được anh Thân viết phiếu thu xác nhận. Tuy nhiên, từ ngày 5/4, khi xảy ra sự việc chị Nhị bị yêu cầu về quê và không được bay như dự kiến, đến nay, phía Công ty Cổ phần Intraco Quốc tế vẫn không rõ lý do mình bị hủy chuyến bay.
Hợp đồng phái cử thực tập sinh kỹ năng đi Nhật Bản được ký kết giữa chị Nhị và Công ty Cổ phần Intraco Quốc tế có nêu: “Nếu quá thời gian đã cam kết mà Bên đưa đi vẫn chưa đưa thực tập sinh (TTS) đi làm việc ở nước ngoài thì phải thông báo rõ lý do cho TTS. Trường hợp TTS không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nữa thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày TTS thông báo không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, Bên đưa đi phải hoàn trả cho TTS hồ sơ, các khoản chi phí mà TTS đã nộp cho Bên đưa đi, gồm: Chi phí làm hồ sơ, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí học nghề, học ngoại ngữ (nếu có), chi phí làm thủ tục nhập cảnh (visa), tiền dịch vụ, tiền môi giới và làm thủ tục hoàn trả tiền ký quỹ cho tu nghiệp sinh”.
Tính từ ngày 5/4/2022 khi giáo viên của Trung tâm thuộc Công ty Cổ phần Intraco Quốc tế yêu cầu chị Nhị về và mang theo hành lý về quê, thì cho đến ngày 24/6, đã hơn 70 ngày, phía công ty chưa có động thái nào thông báo rõ ràng về việc trên cũng như đề cập đến việc sẽ hoàn trả số tiền 2.000 USD mà chị Nhị đã nộp trước đó. Liệu Công ty Cổ phần Intraco Quốc tế đã làm đúng theo quy định trong hợp đồng đã thỏa thuận với thực tập sinh?.
Ngay sau khi nhận được phản ánh của chị Nhị, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã đến Công ty Cổ phần Intraco Quốc tế đặt lịch làm việc về nội dung liên quan. Tuy nhiên, khi tiếp nhận giấy giới thiệu của phóng viên, Công ty Cổ phần Intraco Quốc tế đã từ chối tiếp nhận.
Không chỉ vậy, trước khi lên học trở lại vào ngày 15/3/2022, chị Nhị đã được phổ biến về quy định phòng, chống dịch COVID-19 và yêu cầu các phòng ở giãn cách chỉ từ 6-8 người. “Ngày 23/3/2022 tôi đến Trường Cao đẳng Đường sắt để chờ lịch bay thì bất ngờ trong phòng có đến 18 người ở chung. Vì quá đông học viên, chỉ tính riêng số học viên nữ là 50 người, chỉ có 1 phòng tắm nên chúng tôi phải tắm chung với nhau”, chị Nhị cho biết. Trung tâm đã thực hiện đúng quy định phòng chống dịch COVID-19 ở thời điểm đó, khi mà dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp?
“Trường hợp này chúng tôi từ chối trả lời”, ông Nguyễn Hữu Thắng, Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Intraco Quốc tế, người được phía công ty giao tiếp phóng viên trả lời.
Phải chăng Công ty Cổ phần Intraco Quốc tế đang “né tránh” báo chí?
Phí đơn hàng 7.200 USD, ‘cọc’ 2.000 USD nhưng công ty chỉ nhận 10 triệu đồng?
Chị Nhị cũng cho biết, sau khi thi đậu đơn hàng, chị đã được anh Thân thông báo việc đóng tiền để đi làm việc tại Nhật Bản với tổng số tiền là 7.200 USD làm 2 lần.
Lần 1 “cọc” 2.000 USD (tương đương 46.360.000 đồng), lần 2 là 5.200 USD (tương đương 120.536.000 đồng). Ngày 14/8/2020 chị Nhị bắt đầu đến Công ty Cổ phần Intraco Quốc tế để đóng tiền “cọc” cho anh Thân là 2.000 USD theo như thỏa thuận trên.
Phiếu thu chị Nhị cung cấp. |
Tuy nhiên, theo hợp đồng chị Nhị ký với Công ty Cổ phần Intraco Quốc tế, tất cả chi phí chỉ là 83,9 triệu đồng. Cụ thể, trong số 83,9 triệu đồng được liệt kê bao gồm: Tiền dịch vụ là 40 triệu đồng; Học phí đào tạo tiếng, ký túc xá là 23,9 triệu đồng; Tiền hồ sơ, giấy tờ, đào tạo nghề là 20 triệu đồng.
Trong khi đó, theo Thông tư 21/2013 – Thông tư hướng dẫn luật 72/2006, mức trần tiền ký quỹ doanh nghiệp được thỏa thuận ký quỹ với người lao động tại thị trường Nhật Bản là 3.000 USD với ngành nghề thực tập sinh. Đồng thời theo Quyết định 61/2008 về tiền môi môi giới người lao động hoàn trả cho doanh nghiệp tại thị trường Nhật Bản là 1.500 USD.
Và theo Thông tư liên tịch 16/2007 ngày 14/9/2007 giữa Bộ Lao động Thương binh và xã hội và Bộ Tài Chính, quy định mức trần tiền dịch vụ là người lao động nộp tiền dịch vụ cho doanh nghiệp không quá một tháng tiền lương (hoặc tiền trợ cấp tu nghiệp) theo hợp đồng cho một năm làm việc hoặc tổng số không quá 3 tháng lương theo hợp đồng.
Vậy số tiền số tiền phí đơn hàng 7.200 USD mà chị Nhị đã được thông báo đóng liệu có đúng theo quy định?
Để tìm hiểu rõ hơn quá trình học tập của chị Nhị, chúng tôi đã liên hệ với ông Nghĩa, Hiệu trưởng Trung tâm thuộc Công ty Cổ phần Intraco Quốc tế.
Đề cập đến trường hợp của chị Nhị, ông Nghĩa cho biết: “Trường hợp này từ phía Trung tâm kỷ luật thì đã xong rồi. Tiền đặt cọc của em này nộp vào công ty là 10 triệu đồng. Giờ chỉ chờ em này lên làm việc thôi”.
Phải chăng số tiền 2.000 USD mà chị Nhị nộp bằng một cách nào đó khi “qua tay” anh Thân nộp về Công ty Cổ phần Intraco Quốc tế đã chỉ còn 10 triệu đồng? Số tiền còn lại đã đi đâu? Và mặc dù đã được anh Thân viết phiếu thu, nhưng ai sẽ là người chịu trách nhiệm với số tiền “cọc” chị Nhị đã nộp?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.