Xây dựng Đảng gắn với xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị
Vừa qua, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã cho ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Cuốn sách tuyển chọn các bài phát biểu, bài viết, bài trả lời phỏng vấn, thư, điện… tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong năm 2023.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về cuốn sách này, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhấn mạnh, các bài viết của Tổng Bí thư đã nhắc lại những luận điểm quan trọng trong hoàn thiện hệ thống chính trị, hoàn thiện và xây dựng Nhà nước pháp quyền. Theo ông Phúc, quan điểm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được xác định rất rõ tại Đại hội XIII của Đảng và Đại hội coi đây là một quan điểm chi phối, chỉ đạo toàn bộ quá trình xây dựng, hoàn thiện, phát triển hệ thống chính trị, bởi trong hệ thống chính trị có vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, có vai trò tổ chức, quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân, có vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội.
Cùng với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh theo các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và khóa XIII, chúng ta tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh trên 4 phương diện. Một là, xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tức là hoàn thiện phát triển Cương lĩnh chính trị, sự lãnh đạo chính trị của Đảng. Hai là, nhận thức sâu sắc nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng và chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ba là, xây dựng chuẩn mực đạo đức trong Đảng, tức là xây dựng Đảng về đạo đức. Bốn là, xây dựng hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ của Đảng đáp ứng đòi hỏi phát triển của đất nước, yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, cầm quyền của Đảng.
Bên cạnh đó, ông Phúc cho rằng, phải gắn nội dung xây dựng Đảng với xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị theo quan điểm của Đại hội XIII mà cuốn sách của Tổng Bí thư đã phân tích rất sâu sắc. Chúng ta phải làm rõ được chức trách, nhiệm vụ của các tổ chức trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bởi trong hệ thống chính trị, các tổ chức như đã nói trên đều xoay quanh một cơ chế mà chúng ta đã xác định được từ trước – đó là cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Xây dựng hệ thống chính trị phải thực hiện cho được cơ chế này.
Cùng với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phải hết sức chú ý việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN phải gắn liền với việc tập trung trí tuệ, năng lực của Nhà nước để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật vì hệ thống pháp luật hoàn chỉnh là thước đo trình độ phát triển của Nhà nước pháp quyền và vận động các hoạt động của Nhà nước pháp quyền.
Đồng thời, về phương diện lý luận và thực tiễn, phải tiếp tục làm rõ những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền. Đến nay, chúng ta đã khẳng định 6 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền.
Đặc trưng thứ nhất, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng, quản lý Nhà nước…
Đặc trưng thứ hai, quyền lực Nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan làm chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp; sự thống nhất quyền lực trong cơ cấu tổ chức, vận hành của Nhà nước nhưng đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với Nhà nước, bác bỏ quan điểm về tam quyền phân lập.
Đặc trưng thứ ba, pháp luật chi phối mọi mối quan hệ trong đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, đối nội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh…, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các phương diện này. Đặc trưng thứ tư, tất cả mọi người phải sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, mọi công dân phải tuân thủ pháp luật.
Đặc trưng thứ năm, Nhà nước pháp quyền phải tuân thủ những quy định của luật pháp quốc tế, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, các công ước, các hệ thống luật pháp quốc tế mà chúng ta tham gia… Điều này cần phối hợp chặt chẽ giữa hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước với tuân thủ pháp luật quốc tế. Đặc trưng thứ sáu, Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Phải lựa chọn được cán bộ ưu tú, xứng đáng nhất
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc. (Ảnh: kinhtedothi.vn). |
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh, trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị, phải hết sức chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các phương diện của đời sống, dựa trên cơ sở khoa học pháp lý gắn liền với nhận thức về chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, không ngừng phát huy vai trò, năng lực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, Hội Cựu chiến binh… Các tổ chức này xoay quanh hai vấn đề lớn. Một là, các đại biểu của các tổ chức đại diện cho lợi ích, quyền làm chủ của dân nói lên tiếng nói của dân, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Hai là, các tổ chức phải thực hiện chức năng phản biện xã hội gắn với giám sát hoạt động của Đảng, Nhà nước, giúp hoàn thiện vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, phản ánh đúng lợi ích, nguyện vọng, cuộc sống của dân.
Ông Phúc khẳng định, vấn đề quan trọng nhất, then chốt của then chốt là công tác cán bộ. Chúng ta phải lựa chọn được đội ngũ cán bộ hết sức tiêu biểu, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Yêu cầu về xây dựng đội ngũ cán bộ được nêu rất rõ, đầy đủ trong nhiều Nghị quyết Trung ương, được khẳng định lại tại Đại hội XIII của Đảng và qua cuốn sách của Tổng Bí thư thì càng nhận thức rằng phải luôn chú ý đến công tác cán bộ, phải lựa chọn được cán bộ ưu tú nhất, xứng đáng nhất, có trình độ, trí tuệ, đạo đức, có trách nhiệm đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo cầm quyền của Đảng, quản lý của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị trong điều kiện mới để thúc đẩy phát triển đất nước theo các mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII đề ra đến năm 2030 và năm 2045. Phải bồi đắp, bồi dưỡng, tìm cho được, xây dựng cho được đội ngũ nhân tài trong Đảng, bởi trong Đảng có nhiều người giỏi nhưng vấn đề là phải lựa chọn, bố trí, sắp xếp, sử dụng một cách hiệu quả nhất, hợp nhất thì sẽ mang lại lợi ích cao cho công việc của Đảng.
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng phân tích, công tác cán bộ có nhiều việc phải làm, cụ thể như tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ 7 dám: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, vì dân, vì lợi ích chung…; giáo dục, bồi dưỡng cán bộ một cách bài bản. Tổng Bí thư đã nói phải “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, nhưng chúng ta chưa thực hiện đầy đủ, vẫn có người lợi dụng, trục lợi làm những việc xấu. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, có nhiều Ủy viên Trung ương bị xử lý, cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng – một mặt thể hiện sự nghiêm túc của Đảng ta, nhưng càng cho thấy phải lựa chọn cán bộ đúng đắn. Từ lựa chọn thì phải bố trí, sắp xếp, quản lý sao cho tốt. Chúng ta đã có quy định về quản lý đảng viên, cán bộ nhưng cần phải quản lý, kiểm soát hết sức chặt chẽ, không để họ tự tung, tự tác. Đi liền với đó là thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên và không có cách nào khác là gắn với tấm gương Bác Hồ. “Bác Hồ là kiểu mẫu của người lãnh đạo quản lý; phải học Bác một cách thực sự, chứ không phải học hời hợt, hình thức, phải hành động theo Bác thế nào để tăng hiệu quả học, hiệu quả triển khai”, ông Phúc lưu ý.
Không những thế, mỗi người phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, không tự tu dưỡng, rèn luyện thì ở bất kỳ vị trí nào, một người cán bộ rất dễ bị thoái hóa, biến chất. Ông Phúc cho rằng, văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các bài viết của Tổng Bí thư đã đề cập đến điều này và Tổng Bí thư không chỉ nhắc một lần mà nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, thậm chí rất mạnh mẽ, tâm huyết, với thái độ nghiêm túc, cầu thị của một người lãnh đạo cao nhất của Đảng đối với đảng viên hiện nay. Tuy nhiên, việc chuyển biến còn hạn chế, bởi vậy báo chí cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để góp phần lan tỏa các chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư với các vấn đề quan trọng của đất nước trong năm 2023 – năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh, phải bồi đắp, bồi dưỡng, tìm cho được, xây dựng cho được đội ngũ nhân tài trong Đảng, bởi trong Đảng có nhiều người giỏi nhưng vấn đề là phải lựa chọn, bố trí, sắp xếp, sử dụng một cách hiệu quả nhất, hợp nhất thì sẽ mang lại lợi ích cao cho công việc của Đảng.