Cựu Thư ký Thứ trưởng dùng tiền nhận hối lộ để đầu tư bất động sản và cho vay

Cập nhật: 12/07/2023 21:49

Bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký của một Thứ trưởng Bộ Y tế) khai đã nhận hối lộ 42 tỷ đồng. Số tiền này bị cáo không đưa cho ai mà dùng để cho vay và đầu tư vào bất động sản ở nhiều nơi.

Các bị cáo khai trước HĐXX

Phủ nhận việc quát tháo, yêu cầu nộp tiền

Theo lời khai của bị cáo Kiên, bị cáo tiếp nhận hồ sơ từ Cục Y tế dự phòng. Khi tiếp nhận hồ sơ, bị cáo có nhiệm vụ trình Thứ trưởng để xét duyệt. Trong thời gian này, một số cá nhân là đại diện doanh nghiệp có đến gặp gỡ và bị cáo có nhận tiền của các doanh nghiệp theo như cáo trạng đã nêu.

Tại tòa, bị cáo Kiên khẳng định: “Bản thân không yêu cầu doanh nghiệp, tất cả mức chi là do doanh nghiệp chủ động đề xuất và bị cáo có nhiều căn cứ khách quan chứng minh cho điều này”.

Ông Kiên phủ nhận lời khai trước đó của các bị cáo là đại diện doanh nghiệp cho rằng Kiên quát tháo và yêu cầu nộp tiền. “Lời khai đó là không đúng sự thật”, bị cáo Kiên phủ nhận, đồng thời tiếp tục nhấn mạnh việc bản thân có căn cứ khẳng định lời khai của các bị cáo trước đó về mình là không đúng.

Theo bị cáo Kiên, doanh nghiệp đã chủ động gọi điện để xin giúp đỡ. Với chuyến bay combo, bị cáo nhận 27 tỷ đồng, khách lẻ thì nhận 15 tỷ đồng; tổng 42 tỷ đồng.

Kiên khai sau khi nhận tiền thì “không đưa cho ai” và đã cho người thân vay và đi đầu tư đất đai ở Ba Vì, Hoài Đức (Hà Nội), Mũi Né (Bình Thuận).

Tại tòa, Kiên cho biết đã chủ động trả lại cho các doanh nghiệp khoảng 12 tỷ đồng. Bị cáo mới biết là gia đình đã nộp 15 tỷ đồng và cũng đã nhắn với luật sư để nói gia đình khắc phục triệt để trong quá trình xét xử.

f341d329-3af0-401b-a788-8b3c4d1234d1(2).jpeg

Ngay sau khi bị cáo Kiên khai báo, Chủ tọa phiên tòa đã cho các bị cáo là đại diện doanh nghiệp đối chất ngay tại tòa.

Bị cáo Vũ Minh Thắng (Giám đốc Công ty Thuận An) khai gặp Kiên vào tháng 7/2021 tại phòng làm việc và được Kiên yêu cầu chi 15 triệu đồng/khách lẻ về nước.

Tháng 10/2021, khi được cấp phép chuyến bay đầu tiên, Kiên gọi bị cáo lên phòng làm việc và yêu cầu phải chi 150 triệu đồng/chuyến bay.

Bị cáo Đào Minh Dương, Công ty Vijasun một lần nữa nhắc lại lời khai về việc chứng kiến bị cáo Kiên quát tháo doanh nghiệp.

Khi đó, bị cáo Dương đi cùng bị cáo Lê Hồng Sơn (Công ty Bluesky) và gặp bị cáo Kiên ở Bộ Y tế. Bị cáo Dương thấy bị cáo Kiên quát tháo: ”Tôi biết các anh nộp 150 triệu mỗi chuyến cho anh Tuấn (bị cáo Vũ Anh Tuấn, Cục Quản lý XNC -PV) thì các anh cũng nộp cho tôi 150 triệu đồng. Các anh nộp cho Tuấn cả 300 triệu đồng, rồi anh Tuấn đưa lại cho tôi hoặc là đưa cho tôi rồi tôi đưa lại cho anh Tuấn. Nếu không nộp thì không được cấp phép”.

Bị cáo Lê Hồng Sơn khai thời gian quá lâu, bị cáo không nhớ hết, nhưng bị cáo có đề nghị với anh Kiên là: ”Chỗ anh làm nhiều thì bớt cho anh 100 triệu đồng được không”. Bị cáo Kiên không đồng ý và bảo ”cái này là theo barem rồi”.

Bị cáo Vũ Minh Thắng (Công ty Thuận An) khai gặp bị cáo Kiên vào tháng 7/2021 ở phòng làm việc. Bị cáo Kiên yêu cầu phải chi 1,5 triệu đồng/khách lẻ. Đầu tháng 1/2021, khi được Cục Lãnh sự thông báo có chuyến bay đầu tiên, bị cáo này nhận được điện thoại của Phạm Trung Kiên gọi lên phòng làm việc. Tại đây, bị cáo Kiên yêu cầu phải chi 150 triệu đồng mỗi chuyến bay.

Chủ tọa phiên tòa hỏi lại bị cáo Kiên: “Nhiều bị cáo đều khai về hành vi của bị cáo như thế, bị cáo có ý kiến gì?”. Bị cáo Kiên tiếp tục khẳng định các lời khai này đều không đúng sự thật.

Tiếp tục khai về việc sử dụng tiền, Phạm Trung Kiên nói rằng đã cho người thân là ông chú họ vay; đi đầu tư đất đai ở Ba Vì, Mũi Né, Hoài Đức. Bị cáo đã tường trình trong giai đoạn điều tra.

”Bị cáo không đưa tiền cho ai khác”- bị cáo Kiên trả lời HĐXX, đồng thời nhấn mạnh ”bị cáo không có thẩm quyền duyệt cấp phép chỉ trình và trả hồ sơ. Bị cáo cam đoan không đưa tiền cho ai, lời khai này là đúng sự thật, không ai tác động đến bị cáo để khai sai sự thật”.

Theo cáo trạng, từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021, Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ 253 lần của 18 cá nhân và 62 đoàn khách lẻ khác, với tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng.

Cựu chuyên viên nhận hối lộ bật khóc vì…day dứt

Theo cáo buộc, sau khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết chuyến bay của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ giao Vụ Quan hệ Quốc tế là đơn vị chủ trì tập hợp, tham mưu, đề xuất.

1f1402c7-2d43-4721-910f-9633c61247c0.jpeg

Tại Vụ QHQT, bị cáo Nguyễn Thanh Hải, Vụ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo, phân công cho các chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp.

Do bị cáo Nguyễn Tiến Thân (cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế) khi đó là thành viên Tổ phòng chống dịch Covid-19 thuộc Văn phòng Chính phủ nên hầu hết hồ sơ các doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay, ông Hải giao cho ông Thân là đầu mối chính để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất (thông qua phiếu trình) lãnh đạo trong việc xét duyệt.

Đại diện một số doanh nghiệp đã đặt vấn đề nhờ xin cấp phép các chuyến bay. Lúc này, ông Nguyễn Tiến Thân đã tiếp nhận hồ sơ, báo cáo đề xuất.

Những đề xuất từ ông Thân được ông Nguyễn Thanh Hải đồng ý duyệt, ký các phiếu trình lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ cấp phép cho nhiều doanh nghiệp được tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước khi chưa có ý kiến thống nhất, đề xuất của Tổ công tác liên Bộ.

Từ tháng 11/2020 đến tháng 6/2021, các ông Hải, Thân đã nhận hối lộ 8 lần, số tiền hơn 3,6 tỷ đồng của 4 cá nhân trong việc đề xuất chủ trương cấp phép chuyến bay. Bị cáo Nguyễn Thanh Hải hưởng lợi hơn 2,3 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Tiến Thân hưởng lợi hơn 1,3 tỷ đồng.

29ac2d72-0077-4cc3-bb17-b50ff78e7573.jpeg

Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Nguyễn Tiến Thân khai nhận trong nước mắt. Theo đó, bị cáo được phân công nhiệm vụ liên quan đến người lao động hoặc công dân có hoàn cảnh đặc biệt từ nước ngoài cần về nước.

Quá trình làm việc thời điểm dịch Covid-19, có một số doanh nghiệp đến gặp và nhờ về các thủ tục xin cấp phép chuyến bay giải cứu. Ông Thân thừa nhận việc cầm tiền của doanh nghiệp, được hưởng lợi hơn 1,3 tỷ đồng, đã nộp lại 1,2 tỷ đồng.

Bị cáo Thân bật khóc nói, trong quá trình phục vụ điều tra, bị cáo nhiều lần nhắn về gia đình để chuẩn bị tiền trả lại nhưng đến nay vẫn còn thiếu, số còn lại gia đình cố gắng khắc phục hết.

Thời điểm nhận tiền, bị cáo chưa nhận thức được hành vi của mình, sau này khi làm việc với cơ quan điều tra và đứng tại tòa bị cáo biết điều đấy là sai nên cảm thấy day dứt, dằn vặt rất nhiều.

Về phần mình, bị cáo Nguyễn Thanh Hải cũng thừa nhận việc cầm tiền. Quá trình cấp phép thực hiện chuyến bay, ông Mai Xuân Thái, (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp) giới thiệu Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thanh Hằng đến gặp nhưng những người này không đưa tiền trực tiếp mà qua trung gian.

8h sáng ngày mai (13/7) phiên tòa sẽ tiếp tục làm việc.

theo Mạnh Hùng – Báo Công lý

https://congly.vn/cuu-thu-ky-thu-truong-dung-tien-nhan-hoi-lo-de-dau-tu-bat-dong-san-va-cho-vay-385347.html

Tin liên quan