Các thành viên Hội đồng Quản trị GTN nhiệm kỳ 2020 – 2024
Vinamilk đã hoàn tất mua lại GTNFoods, công ty sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu, vào tháng 12/2019 sau khi tăng tỷ lệ sở hữu lên 75%. Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc điều hành Phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk cũng đã đảm nhận vị trí CEO của GTNFoods từ tháng 1.
Thương vụ thâu tóm GTNFoods được xem như bước đi quan trọng giúp Vinamilk giải bài toán tăng trưởng trong bối cảnh tốc độ gia tăng doanh thu, lợi nhuận của công ty sữa lớn nhất Việt Nam có dấu hiệu chững lại.
Tại đại hội cổ đông của GTNFoods, bà Mai Kiều Liên khẳng định sẽ Vinamilk, GTNFoods nói chung và Sữa Mộc Châu nói riêng sẽ hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Ban lãnh đạo GTNFoods cho biết doanh nghiệp đã hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn tại các khoản đầu tư không trọng yếu, không hiệu quả trước ngày 31/12/2019 dẫn đến kết quả lỗ trong năm 2019. Tuy nhiên, công ty giờ có cấu trúc gọn nhẹ hơn và sẽ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là sữa.
Trong năm đầu tiên về với Vinamilk, công ty mẹ Sữa Mộc Châu đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 2.909 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 99 tỷ đồng.
Năm 2019, GTNFoods ghi nhận doanh thu thuần 2.970 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của doanh nghiệp chỉ đạt 13 tỷ đồng, sụt giảm tới 88% so với năm 2018.
Cao nguyên Mộc Châu sẽ được đầu tư để trở thành thủ phủ bò sữa công nghệ cao của Việt Nam.
Được biết, GTN là công ty có thế mạnh trong lĩnh vực thực phẩm sạch từ chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững và khép kín, đặc biệt là về sữa tươi nguyên liệu với Mộc Châu Milk và trà (chè) của Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea).
Đây đều là các nguyên liệu đầu vào giúp Vinamilk dần hoàn thiện chuỗi cung ứng đáp ứng nhu cầu sản xuất của công ty nhằm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ngày càng tăng.
Cụ thể, việc trở thành cổ đông chi phối của GTN và gián tiếp tham gia điều hành Công ty cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) sẽ giúp Vinamilk có bước tiến lớn trong việc phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi chất lượng quốc tế.
Chiến lược biến Mộc Châu – Sơn La thành thủ phủ bò sữa công nghệ cao của Việt Nam không chỉ giúp Vinamilk và Mộc Châu Milk phát huy được thế mạnh, kinh nghiệm của 2 đơn vị mà còn tăng năng lực cạnh tranh cho thương hiệu sữa Việt và đưa ngành sữa Việt Nam tiệm cận với sự phát triển của ngành sữa thế giới.
Vinatea hiện đang sở hữu tổng diện tích trồng chè gần 4.700 ha với các vườn chè năng suất cao, chất lượng tốt.
Thương vụ mua bán, sáp nhập này được đánh giá là lớn và thành công nhất của ngành sữa Việt Nam năm 2019. Bên cạnh đó, đây cũng là thương vụ đạt kỷ lục về thời gian hoàn tất việc chuyển giao quản trị, điều hành trong thời gian ngắn nhất với sự đồng thuận tuyệt đối của các bên tham gia.
Ngoài việc nắm giữ 74,49% cổ phần của công ty Vilico (công ty mẹ đang nắm 51% cổ phần Mộc Châu Milk), GTN còn nắm giữ 20% cổ phần tại Vinatea.
Trong thời gian tới, Vinamilk sẽ phối hợp với Vinatea, đặc biệt về khâu quản trị, để có chiến lược phát triển và xây dựng Vinatea thành thương hiệu quốc gia về chè tại thị trường trong nước cũng như khu vực.
Bên cạnh đó, GTN đang sở hữu trên 38% cổ phần tại Ladofoods với thương hiệu Vang Đà Lạt nổi tiếng về chất lượng và có truyền thống lâu đời. Đây cũng là một thương hiệu còn nhiều tiềm năng phát triển với xu hướng sử dụng rượu vang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam.
Theo Thái Bình – congly.vn
https://congly.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/dai-hoi-gtn-foods-ba-mai-kieu-lien-chinh-thuc-tro-thanh-chu-tich-hdqt-331954.html