Bên cạnh đó, nâng cao ý thực trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc quán triệt, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về công tác PCTN. Tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong công tác PCTN; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để tiếp tục lãnh đạo thực hiện các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác PCTN trên địa bàn tỉnh.
Gắn giáo dục pháp luật về PCTN với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW
Kế hoạch nêu rõ: Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN. Trong đó, tập trung tuyên truyền phổ biến Luật PCTN năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch của UBND tỉnh: Kế hoạch 195/KH-UBND ngày 16/8/2019 về triển khai Đề án Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019 – 2021 và Kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 02/10/2019 về triển khai Đề án Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN năm 2020.
Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN phải gắn liền với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2015 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tiếp tục thực hiện việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các trường học, cơ sở giáo dục đào tạo theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Đáng lưu ý, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng theo quy định. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm chủ động tự tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý nhằm ngăn ngừa và kịp thời phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng
Về trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong công tác PCTN, kế hoạch nhấn mạnh: Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác PCTN; chủ động tự phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, vụ án tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý.
Thực hiện nghiêm túc Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, tạo điều kiện khuyến khích cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động có ý thức tham gia phát hiện hành vi tham nhũng. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền pháp luật về PCTN và tham gia phát hiện vụ việc, vụ án tham nhũng. Xây dựng cơ chế bảo vệ, khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng; đồng thời, xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng tố cáo tham nhũng để gây mất đoàn kết nội bộ.
Thực hiện việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo quy định tại Điều 72, Điều 73 của Luật PCTN và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ.
Phát huy vai trò của báo chí, người dân trong PCTN
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN. Thanh tra, kiểm tra công vụ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Thanh tra các cấp tiến hành thanh tra theo đúng kế hoạch công tác năm 2020 đã được phê duyệt. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra cần chú trọng việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm (nếu có); phát hiện, kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập trong quản lý. Tăng cường công tác xử lý sau thanh tra; các kết luận, kiến nghị, quyết định sau thanh tra phải được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo quy định pháp luật.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, xác định nội dung trọng tâm, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong triển khai thực hiện; xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân có vi phạm.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể, ban thanh tra nhân dân, các cơ quan báo chí, người dân trong công tác đấu tranh PCTN.
Các cơ quan công an, viện KSND, TAND các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế mới phát hiện, đảm bảo không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; đồng thời, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ án còn tồn đọng của những năm trước.
Các cơ quan công an, viện KSND và thanh tra các cấp thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp theo Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSTC-BCA-BQP-TTCP ngày 18/10/2018 quy định về phối hợp giữa cơ quan điều tra, viện KSND và cơ quan thanh tra trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra. Định kỳ, các cơ quan Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị khởi tố của cơ quan thanh tra đã chuyển đến cơ quan điều tra về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định.
Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng
Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt. Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. |
theo Hà Thanh – thanhtra.com.vn