Đề nghị bổ sung 04 dự án Luật và 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Cập nhật: 27/11/2024 08:41

Trong khuôn khổ Chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 29 (lần 2), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành thẩm tra đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung 04 dự án Luật và 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đề nghị bổ sung một số dự án Luật, dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với nội dung cụ thể như sau: Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp đối với Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Đồng thời, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) đối với Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Báo chí (sửa đổi) và Luật Luật sư (sửa đổi).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong đó, về dự thảo Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp với 02 chính sách cơ bản. Cụ thể: Quy định về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, theo đó việc miễn thuế sử dụng thuế đất nông nghiệp đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội; Quy định về thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, theo đó xác định thời gian miễn thuế là 5 năm (tiếp tục miễn thuế từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030).

Đối với, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Chính phủ đề xuất xây dựng luật với 03 chính sách trọng tâm, bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, bổ sung một số nguyên tắc về kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật; thu hẹp, xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời phản ứng chính sách; xác định rõ và tăng cường vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện một số quy định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; bảo đảm nguồn lực, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng cho biết, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân với 04 chính sách; dự án Luật Báo chí (sửa đổi) với 04 chính sách và dự án Luật Báo chí (sửa đổi) với 03 chính sách cơ bản.

Cho ý kiến tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết bổ sung 04 dự án Luật và 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 như Tờ trình của Chính phủ.

Theo đó, đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Hồ sơ đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị đầy đủ về thành phần theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (BHVBQPPL). Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá tác động sâu sắc hơn… để tăng tính thuyết phục cho các chính sách được đề xuất. Đồng thời, nhất trí với đề xuất của Chính phủ đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết vào Chương trình XDLPL năm 2025 và trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình một kỳ họp.

Về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), các ý kiến nhấn mạnh, việc sửa đổi nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, quán triệt quan điểm đổi mới xây dựng pháp luật, đáp ứng nhanh, kịp thời với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; đồng thời, đây cũng là kết quả thực hiện nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật được chuẩn bị công phu, bảo đảm đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật BHVBQPPL. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục hoàn thiện thêm hồ sơ dự án Luật theo quy định và bảo đảm thực hiện yêu cầu về đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp thể hiện trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Đồng thời, các ý kiến cũng cho rằng, 03 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật cơ bản phù hợp với dự kiến định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật trong dự thảo Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Tuy nhiên, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm một số nội dung, bảo đảm thực hiện đúng định hướng đổi mới tư duy lập pháp theo chỉ đạo mới đây của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; đồng thời tiếp tục rà soát kỹ các đề xuất liên quan đến nguồn nhân lực để bảo đảm phù hợp Nghị quyết số 18-NQ/TW và yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về Tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả của tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, đối với chính sách 1, đề nghị xác định rõ là chỉ ban hành nghị định để thí điểm vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ và không trái với luật; đồng thời, cần xác định rõ thêm về nội dung, phạm vi thí điểm để phân định rõ với nghị quyết thí điểm do Quốc hội ban hành; Chính sách 2, về việc điều chỉnh thẩm quyền quyết định Chương trình hằng năm từ Quốc hội sang UBTVQH, đây là vấn đề lớn, liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan, do đó, đề nghị tiếp tục hoàn thiện nội dung này theo kết luận của cấp có thẩm quyền; Chính sách 3, đề nghị cân nhắc, chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc trong Luật và giao văn bản dưới luật quy định chi tiết vì một số nội dung đề xuất thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, các Bộ, ngành.

Về việc bổ sung vào Chương trình; thứ tự ưu tiên, thời điểm trình, đa số ý kiến nhất trí bổ sung dự án Luật vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; đồng thời cho rằng, nếu các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật phù hợp với các định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật được Bộ Chính trị thông qua và dự án Luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, đạt yêu cầu đề ra thì có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 như đề xuất của Chính phủ.

Đối với dự án Luật luật sư (sửa đổi), tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Luật sư, các ý kiến nhấn mạnh, việc sửa đổi nhằm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Luật sư năm 2006. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ chuẩn bị nghiêm túc, có chất lượng, bao gồm các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tuy nhiên, đề nghị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Về các chính sách của dự án Luật, cơ bản nhất trí với nội dung 03 chính sách được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; tuy nhiên, các đại biểu lưu ý, cần làm rõ một số nội dung như: đánh giá kỹ lưỡng chính sách và giải trình thấu đáo hơn về việc bỏ quy định miễn đào tạo nghề luật sư; rà soát các quy định về quyền và nghĩa vụ của luật sư tập sự nhằm bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật về tố tụng; nghiên cứu bổ sung đánh giá chính sách về chế định “Luật sư công” để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nghiên cứu bổ sung cụ thể chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc đối với Đoàn luật sư cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại mỗi địa phương…

Liên quan tới thời điểm trình, có ý kiến cho rằng, thời gian qua, nhiều văn bản của Đảng đã có chỉ đạo các nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của luật sư. Do đó, để bảo đảm thể chế kịp thời chủ trương, định hướng của Đảng, nhất trí như phương án trình của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, cân nhắc khối lượng dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua trong năm 2025 là rất lớn, vì vậy, vẫn bổ sung dự án Luật vào Chương trình năm 2025 nhưng lùi thời hạn trình Quốc hội xem xét dự án Luật này vào Kỳ họp thứ 10, thông qua tại Kỳ họp thứ 11 – tháng 3/2026 (lùi 01 kỳ họp so với đề nghị của Chính phủ).

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản tán thành sự cần thiết bổ sung 04 dự án Luật và 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; khắc phục bất cập hạn chế, đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ hơn về tính cấp thiết và thứ tự ưu tiên của các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết nhằm đảm bảo tính khả thi.

Liên quan tới thời điểm trình, thứ tự ưu tiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và dự án Luật Báo chí (sửa đổi), các ý kiến đều nhất trí như đề xuất của Chính phủ về bổ sung Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Đối với dự án Luật Luật sư (sửa đổi), có ý kiến đề nghị bổ sung dự án Luật vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2026) – (lùi 01 kỳ họp so với đề nghị của Chính phủ). Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhất trí như đề xuất của Chính phủ, theo đó, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) như đề xuất của Chính phủ.

Đối với dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đa số ý kiến đề nghị bổ sung dự án Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vào Chương trình năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, thông qua tại Kỳ họp thứ 10; trường hợp chuẩn bị bảo đảm chất lượng, đạt sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội thì UBTVQH phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Căn cứ vào các định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật trong Đề án được Bộ Chính trị thông qua, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các chính sách cụ thể và soạn thảo dự án Luật để trình UBTVQH, Quốc hội xem xét, quyết định.

theo QUÝ NGUYỄN (t/h) – Tạp chí luật sư VN

Tin liên quan

Đề nghị bổ sung 04 dự án Luật và 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 - Cập nhật: 27/11/2024 08:41
Tuần cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (ngày 25-30/11): Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng - Cập nhật: 25/11/2024 14:27
Bế mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội - Cập nhật: 20/11/2024 08:57
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 4: Dấu ấn ngành Tư pháp - Cập nhật: 19/11/2024 08:47
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cập nhật: 18/11/2024 08:41
Đột phá từ Trung ương - Cập nhật: 15/11/2024 09:58
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 13/11/2024 10:16
Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng - Cập nhật: 12/11/2024 12:51
Lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ - Cập nhật: 11/11/2024 10:08
Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Trọng tâm là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 11/11/2024 09:04