Đề xuất kiểm tra thí điểm việc quản lý tiền công đức trên toàn quốc

Cập nhật: 24/07/2023 11:15

Bộ Tài chính mới có báo cáo gửi Chính phủ về kết quả thực hiện thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023 với nhiều số liệu lần đầu được công bố.

Ảnh minh họa.
Mục đích của việc kiểm tra thí điểm, theo Bộ Tài chính là nhằm tổng hợp, đánh giá việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa; qua đó giúp cho các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích, đình chùa tự quản lý theo hướng minh bạch, rõ ràng để tạo niềm tin và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội của địa phương.

Có số liệu thống kê nhưng vẫn còn… “băn khoăn”

Về kết quả kiểm tra cụ thể, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có tổng số 450 di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 47 di tích cấp quốc gia, 70 di tích cấp tỉnh và 328 di tích đưa vào danh mục kiểm kê của địa phương.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tổng số thu năm 2022 là 70,8 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), bằng khoảng 40 – 60% số thu công đức, tài trợ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Tổng số chi là 54,4 tỷ đồng. 4 tháng đầu năm 2023 tổng số thu là 61 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), gần bằng số thu cả năm 2022. Tổng số chi là 29,4 tỷ đồng.

Đề xuất kiểm tra thí điểm việc quản lý tiền công đức trên toàn quốc ảnh 1
Khách du lịch hành hương Yên Tử . (Ảnh: vhttcs.org.vn)

Một số di tích có số thu trong 4 tháng đầu năm 2023 trên 1 tỷ đồng như: Di tích đền Cửa Ông – Cặp Tiên 19,8 tỷ đồng (bằng 32% tính trên tổng số thu tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn tỉnh); Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử gần 7,2 tỷ đồng (riêng tại chùa Đồng là 4,3 tỷ đồng); đền Thánh Mẫu ở Trà Cổ, Móng Cái là 5,3 tỷ đồng; Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, Hạ Long là 3,2 tỷ đồng; chùa Hưng Học ở Nam Hòa, Quảng Yên là 2,7 tỷ đồng; Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều trên 1,7 tỷ đồng;…

Cũng theo Bộ Tài chính, tại các di tích có nhà sư trụ trì, đa số di tích có báo cáo thu – chi nhưng chỉ là khoản tiền trong hòm công đức. Thực tế có một số khoản công đức khác dưới hình thức đặt lễ, chuyển khoản không được phản ánh trong báo cáo gửi cho Đoàn kiểm tra; theo đánh giá của du khách, các khoản này thường cao hơn so với bỏ trong hòm công đức.

Bộ Tài chính cho biết, số liệu nêu trên được tổng hợp từ báo cáo của 221 chủ thể, bằng 47% trên tổng số chủ thể quản lý di tích. Sau khi loại trừ số di tích không có công đức, còn trên 50 di tích không có số liệu báo cáo. Trong số đó có chùa Ba Vàng ở Uông Bí thuộc di tích cấp tỉnh, nhưng được đánh giá có số thu công đức tốt.

Bộ Tài chính đánh giá, với số thực thu trong 4 tháng đầu năm 2023 là 61 tỷ đồng, cộng với việc báo cáo đầy đủ các khoản công đức tại các di tích, thì tổng số thu tiền công đức, tài trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cả năm 2023 dự kiến trên 180 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Báo cáo của Bộ Tài chính đã bày tỏ sự băn khoăn về số thu tại Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử. Đây là một trong 5 khu di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn Quảng Ninh, là điểm du lịch sinh thái tâm linh nổi tiếng, mỗi năm đón trên 2 triệu lượt du khách.

Đoàn kiểm tra nhận thấy, công tác giám sát tiếp nhận, kiểm đếm tiền trong hòm công đức tuy có sự phối hợp của nhiều bên liên quan nhưng với số thu tiền công đức năm 2022 là 3,7 tỷ đồng, chỉ tương đương số thu tại Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (3,3 tỷ đồng), thấp hơn so với số thu tại đền Thánh Mẫu, di tích cấp tỉnh ở phường Trà Cổ, Móng Cái (5,8 tỷ đồng) và chưa bằng 1/5 số thu tại đền Cửa Ông (20,1 tỷ đồng).

“Nhìn số liệu so sánh nêu trên không tránh khỏi những băn khoăn về tính khách quan trong việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức tại Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử” – Báo cáo của Bộ Tài chính lưu ý.

Kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức trên toàn quốc

Cùng với các kiến nghị đối với Quảng Ninh sau kết quả kiểm tra thí điểm việc quản lý tiền công đức, trong văn bản báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất kế hoạch kiểm tra tổng thể trên toàn quốc.

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có trên 54.000 di tích, trong đó có 123 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, gần 4.000 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 10.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh và trên 40.000 di tích đã được đưa vào danh mục kiểm kê của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Tại các di tích này, mỗi năm tổ chức khoảng 9.000 loại lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo và hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng.

Đề nghị thực hiện nghiêm Thông tư 04/2023/TT-BTC

Ngày 19/01/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu – chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên điều chỉnh về việc quản lý, thu – chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Từ kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính đề nghị Quảng Ninh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư này.

Cũng theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh các di tích lịch sử – văn hóa, đình, chùa đang rất cần kinh phí cho việc tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội thì tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là nguồn tài chính rất quan trọng. Nguồn thu công đức, tài trợ ngoài việc sử dụng cho bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, còn được sử dụng cho các hoạt động cộng đồng và đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Thực tế tại tỉnh Quảng Ninh cho thấy, người dân có nhu cầu rất lớn trong việc công đức, tài trợ cho di tích và lễ hội; tuy nhiên, đến nay chưa có báo cáo đánh giá tổng thể về hoạt động này trên phạm vi cả nước mà mới chỉ dừng ở phạm vi di tích, theo cách làm riêng của mỗi địa phương. Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, việc kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa trên toàn quốc thực sự cần thiết, là dịp để tổng hợp, đánh giá đầy đủ hơn về hoạt động này.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất đối tượng kiểm tra là các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Nội dung kiểm tra bao gồm: Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ; xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa. Thời kỳ kiểm tra là năm 2022 và 2023. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố (trừ tỉnh Quảng Ninh) chỉ đạo thực hiện kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn tỉnh và gửi báo cáo kết quả kiểm tra về Bộ Tài chính trong quý I/2024.

Mong muốn tiền công đức được quản lý công khai minh bạch

Bà Hán Thị Bông (Thường Tín, Hà Nội): “Tôi đi chùa, tuy không nhiều nhưng cũng có chút tiền gọi là “nén hương, giọt dầu”. Một người thì chẳng đáng là bao, nhưng nhiều người thì con số đó cũng lớn. Tôi biết có những người rất nghèo nhưng vẫn thành tâm công đức. Vậy nên rất mong có sự quản lý thu chi một cách công khai, minh bạch để tiền đóng góp của phật tử, người dân được sử dụng đúng mục đích”.

Chị Nguyễn Nhung (Đống Đa, Hà Nội):”Tôi đi chùa không có thói quen công đức ghi sổ mà bỏ thẳng tiền vào hòm công đức. Nhiều khi không có tiền lẻ thì chỉ bỏ vào hòm công đức chính, hoặc đặt trên ban. Có những lần đang khấn thì có người của nhà chùa đến thu vào túi rồi mang vào bên trong. Thực sự tôi cũng băn khoăn không biết số tiền đó có được ghi vào sổ sách của nhà chùa không?”.

Anh Bùi Xuân Trường (Thanh Xuân, Hà Nội): “Trong lần vãn cảnh một ngôi chùa ở tỉnh miền Trung, đó là một ngôi chùa rất đẹp, khang trang. Điều bất ngờ là tôi không nhìn thấy bất cứ hòm công đức nào. Cũng không thề có người ngồi ghi công đức thường thấy ở hầu hết các chùa. Khi hỏi thăm được biết tiền xây dựng, tu sửa chùa đều do “đại gia” giấu tên đóng góp. Bà con quanh vùng rất phấn khởi, nhưng câu chuyện công khai minh bạch như thế nào cũng là điều khiến nhiều người băn khoăn”.

Tin liên quan

Tuần cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (ngày 25-30/11): Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng - Cập nhật: 25/11/2024 14:27
Bế mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội - Cập nhật: 20/11/2024 08:57
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 4: Dấu ấn ngành Tư pháp - Cập nhật: 19/11/2024 08:47
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cập nhật: 18/11/2024 08:41
Đột phá từ Trung ương - Cập nhật: 15/11/2024 09:58
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 13/11/2024 10:16
Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng - Cập nhật: 12/11/2024 12:51
Lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ - Cập nhật: 11/11/2024 10:08
Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Trọng tâm là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 11/11/2024 09:04
90 tác phẩm được trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” - Cập nhật: 10/11/2024 11:24