Toàn cảnh cuộc họp |
Áp thuế TTĐB với hàng hóa gây hại sức khỏe
Các nội dung sửa đổi bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thời gian qua đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế TTĐB hiện hành vẫn còn những hạn chế nhất định cần tiếp tục được hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế TTĐB như đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng dẫn đến vướng mắc trong thực tế thực hiện. Thuế suất thuế TTĐB đối với một số hàng hóa gây tác hại đến sức khỏe, ảnh hưởng không tốt tới xã hội cũng như việc điều tiết đối với một số hàng hóa xa xỉ còn thấp chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội. Chưa có quy định hoàn trả thuế TTĐB đối với số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết đối với một số mặt hàng cần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường. Từ đó đặt ra yêu cầu thực tiễn cần sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB.
Báo cáo tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết: Dự án Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định đã có phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện gồm: đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, căn cứ tính thuế, giá tính thuế, thuế suất, hoàn thuế, khấu trừ thuế, hiệu lực thi hành, hướng dẫn thi hành. Với phạm vi sửa đổi như vậy, dự kiến Luật sẽ sửa đổi, bổ sung 8/11 điều.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính nêu lên các nhóm chính sách tại đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) |
Để đạt được mục đích đặt ra, đề xuất sửa đổi Luật Thuế TTĐB sẽ tập trung vào 3 nhóm chính sách lớn, xuyên suốt toàn bộ nội dung của Luật. Theo đó bao gồm: các cơ chế, chính sách đã được quy định tại Luật hiện hành (giữ nguyên các quy định về phạm vi điều chỉnh, người nộp thuế, giảm thuế); các cơ chế, chính sách đã được quy định tại Luật hiện hành nhưng cần thiết nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung (nghiên cứu bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với mặt hàng thuốc lá; nghiên cứu tăng thuế suất TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu, bia để định hướng nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng; nghiên cứu điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường, sửa đổi mô tả và áp dụng thuế suất phù hợp với mặt hàng ô tô vừa chở người vừa chở hàng để khắc phục bất cập phát sinh trong thực tế); các cơ chế, chính sách được bổ sung mới so với quy định hiện hành (mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, phù hợp thông lệ quốc tế).
Cần thống nhất các khái niệm
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ Công thương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ khái niệm “nước giải khát không cồn”; cân nhắc việc áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, cùng với đó cũng cần tăng cường tuyên truyền về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người dân. Bày tỏ nhất trí về việc bổ sung sản phẩm thuốc lá mới vào đối tượng chịu thuế TTĐB, đại diện Bộ Công thương đề nghị làm rõ sản phẩm này có phải hàng hóa kinh doanh có điều kiện không?
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần làm rõ phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự án Luật sửa đổi, theo đó cần làm rõ khái niệm đồ uống/nước giải khát có đường, đồ uống có cồn… để thống nhất với các khái niệm chuyên ngành. Đồng thời cần tiến hành đánh giá mức độ chịu tác động của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất các mặt hàng chịu tác động của thuế TTĐB đặt trong bối cảnh Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19 cùng nhiều giải pháp kích thích tiêu dùng, giảm lạm phát.
Đại diện Bộ Y tế phát biểu tại cuộc họp thẩm định. |
Nhất trí với đề xuất tăng mức thuế TTĐB đối với một số hàng hóa như thuốc lá, rượu bia, đại diện Bộ Y tế cho rằng như vậy sẽ góp phần giảm tiêu dùng đối với một số mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe. Đại diện Bộ này cho biết tỷ trọng thuế trên giá bán rượu bia, thuốc lá tại Việt Nam còn thấp (hơn 30% giá bán lẻ) so với thế giới (từ 40-85% giá bán lẻ), trong khi đó tỷ trọng tiêu thụ các loại sản phẩm này rất cao và là một trong những nguyên nhân tạo nên gánh nặng bệnh tật, đặc biệt là cho nam giới (có 29% nam giới trưởng thành ở Việt Nam uống rượu bia ở mức có hại).
Về việc bổ sung một số hàng hóa chịu thuế TTĐB, trong đó có sản phẩm thuốc lá mới, đại diện Bộ Y tế băn khoăn bởi hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau và hiện chưa được cấp phép sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu tại Việt Nam.
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – kinh tế thay mặt Hội đồng thẩm định phát biểu kết luận. |
Cơ bản thống nhất với sự cần thiết của việc lập đề nghị xây dựng dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), thay mặt Hội đồng thẩm định, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-kinh tế đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá toàn diện các kết quả, khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng Luật Thuế TTĐT từ 2008 đến nay, từ đó đưa ra hướng sửa đổi một cách toàn diện. Ông Hải cho rằng các chính sách tại đề nghị xây dựng Luật cần được thể hiện một cách rõ ràng hơn, trong đó kế thừa các quy định tác động tích cực đến kinh tế-xã hội, các quy định cần sửa đổi, bổ sung phải có quy định rõ, minh bạch, có đánh giá tác động cụ thể.