Dịch COVID-19 tại Hà Nội có thể phức tạp hơn vào dịp Tết Nguyên đán 2022

Cập nhật: 11/01/2022 15:36

TS. Trần Đắc Phu – Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận định, từ nay đến Tết Nguyễn đán, tình hình dịch bệnh tại Thủ đô có thể căng thẳng hơn do người dân đi lại nhiều và các sự kiện, hội nghị tổng kết cuối năm diễn ra liên miên…

TS. Trần Đắc Phu – Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Theo TS Trần Đắc Phu, dịp Tết Nguyễn đán sắp tới và nửa đầu năm 2022, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp trên địa bàn Thủ đô, do cả yếu tố chủ quan và khách quan.

Về khách quan, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam
phân tích, hiện tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn khó lường, đặc biệt với sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Bên cạnh đó, trong dịp Tết, nhiều người ở nước ngoài có nhu cầu về Việt Nam, nhập cảnh vào Hà Nội cũng tạo ra “gánh nặng” trong công tác giám sát người nhập cảnh để phòng, chống dịch lây lan từ nước ngoài về.

Về yếu tố chủ quan, trong dịp Tết, nhu cầu đi lại của người dân giữa các địa phương cũng như trong địa bàn thành phố tăng cao. Đồng thời, sẽ có nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu tổ chức các cuộc họp, sinh hoạt, giao lưu đông người vào dịp này. Vậy nên, nếu Hà Nội không thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp thì công tác phòng, chống dịch sẽ rất khó khăn!

TS Trần Đắc Phu trao đổi với phóng viên Pháp luật Việt Nam:

Vì sao Hà Nội có tỷ lệ tiêm phòng rất cao vẫn lây lan nhanh và vẫn có trường hợp tử vong? Thành phố cần triển khai thêm các biện pháp nào để hạn chế sự lây lan dịch bệnh ra các địa bàn khác, thưa ông?

TS Trần Đắc Phu: Chúng ta vẫn biết, tiêm vaccine rồi vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác, nhất là những người chưa được tiêm phòng vaccine. Những người được tiêm phòng rồi nếu mắc bệnh thường không có triệu chứng, hoặc nhẹ hơn những người chưa được tiêm phòng. Tuy nhiên, nếu cứ để dịch bùng phát, với số người lây nhiễm tăng cao, hệ thống y tế sẽ quá tải và tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong chắc chắn sẽ gia tăng.

Hà Nội vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh và trong thời gian qua, thành phố đã đi đúng hướng, bài bản trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, dù cũng có lúc hệ thống y tế cơ sở bắt đầu quá tải. Việc hệ thống y tế cơ sở quá tải do vấn đề điều tiết bệnh nhân vào các tầng điều trị. Cụ thể, khi xuất hiện nhiều F0 quá đột ngột sẽ gây ra lo lắng, sự thiếu bình tĩnh của người bị nhiễm SARS-CoV-2, y tế cơ sở lần đầu tiên phải làm công việc mới mẻ là tư vấn điều trị cho những F0, trong khi lực lượng có hạn chưa chuẩn bị kịp, bệnh nhân liên hệ không được nên bệnh nhân đã đến thẳng bệnh viện, gây ra hiện tượng “quá tải ảo” cho hệ thống điều trị.

Tôi cho rằng Hà Nội đã quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch rồi thì hiện tại càng cần phải quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt, thành phố tiếp tục tuyên truyền để làm sao khơi dậy được tinh thần tự giác phòng, chống dịch của người dân, tránh việc người dân cho rằng, khi đã tiêm đủ liều vaccine rồi thì mắc bệnh cũng không lây nhiễm, không trở nặng, không tử vong rồi buông trôi, thả lỏng. Bên cạnh đó, thành phố cần có giải pháp trong dịp Tết dựa trên cơ sở đánh giá nguy cơ dịch bệnh, ví dụ như: Hạn chế đám đông, hạn chế người dân giao lưu, đi lại trong khoảng thời gian này.

Từ cấp phường, xã, thị trấn đến cấp quận, huyện, thị xã cũng cần phải đánh giá nguy cơ, xây dựng kịch bản phòng, chống dịch cụ thể, trong đó nêu rõ hoạt động nào được phép, hoạt động nào phải dừng. Những hoạt động nào không bị cấm thì phải đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch đi kèm và phải ưu tiên cho những hoạt động thiết yếu.Ví dụ, lễ hội thì làm phần lễ theo hình thức trực tuyến, cắt giảm phần hội. Cùng với đó, phải tăng cường biện pháp phòng, chống dịch ở bến xe, bến tàu; Đảm bảo an toàn tại các khu chợ; Không liên hoan tất niên, gặp mặt đầu Xuân…

Hà Nội cũng như các tỉnh, thành hiện áp dụng điều trị F0 nhẹ tại nhà. Theo ông, có những nguy cơ và mối lo nào bệnh nhân sẽ phải đối mặt khi điều trị tại nhà? Cơ quan chức năng địa phương cần có sự hỗ trợ và giúp đỡ gì để người dân yên tâm điều trị?

TS Trần Đắc Phu: Đối với các trường hợp F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì nên điều trị tại nhà, bởi điều đó sẽ tạo nên tâm lý thoải mái cho bệnh nhân, cũng như đảm bảo phục vụ tốt hơn.

Tuy vậy, có mấy vấn đề cần lưu ý: Thứ nhất là vấn đề phòng bệnh (phải cẩn thận không để lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình và lây cho cộng đồng). Thứ hai, họ phải tiếp cận với nhân viên y tế sớm để được tư vấn, tránh tư tưởng hoang mang, lo lắng không cần thiết. Cụ thể: Tư vấn phòng bệnh như thế nào? Theo dõi sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng, tập luyện ra sao cho hợp lý? Đặc biệt là tư vấn dùng thuốc khi có triệu chứng nhẹ, tránh chuyển nặng… Rồi khi bệnh trở nặng thì nên đến các cơ sở y tế kịp thời. Ví dụ: Theo dõi nồng độ oxy trong máu thường xuyên, nếu dưới 95% thì phải tới nay cơ sở y tế để can thiệp kịp thời. Hay khi có các dấu hiệu: Khó thở, tức ngực, mệt mỏi… phải được tư vấn, khám xét ngay và chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa cấp cứu, điều trị…

Tóm lại, việc tư vấn sớm cho các F0 và người nhà là rất cần thiết. Đồng thời với đó, cơ quan chức năng địa phương nên chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực đầy đủ để hỗ trợ cho bệnh nhân. Trong trường hợp cấp thiết có thể huy động lực lượng sinh viên, thấy thuốc nhàn rỗi đồng hành, hỗ trợ, tránh tình trạng thiếu hụt nhân lực, quá tải bệnh nhân sẽ rất nguy hiểm!

Mạng xã hộ rộ lên thông tin, quảng cáo tràn lan kit xét nghiệm phát hiện chủng mới Omicron. Ông khuyến cáo thế nào đối với người dân trước tin đồn này? Theo ông, có cần thiết phải xét nghiệm chủng mới và chủng virus mới này có đáng sợ như mọi người nghĩ không?

TS Trần Đắc Phu: Sau khi xuất hiện, biến chủng Omicron đã lây lan nhanh chóng ra hơn 100 nước trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo về nguy cơ xuất hiện của cả chủng Delta và chủng Omicron sẽ gây ra sự quá tải cho hệ thống y tế…

Có công bố cho rằng, người nhiễm chủng Omicron chỉ có triệu chứng nhẹ nhưng lây ở lứa tuổi trẻ nhiều hơn vì nhóm này chưa tiêm vaccine. Nếu lây nhiễm, tỷ lệ bệnh nặng thấp nhưng số lượng người nhiễm dễ tăng cao. Vì vậy, Hà Nội cũng như các địa phương cần phải lưu ý về biến chủng này, đồng thời cần có các biện pháp quyết liệt để làm sao vừa tổ chức cho người dân một dịp Tết an vui nhưng vẫn phòng, chống được dịch bệnh.

Thực tế, tất cả các chủng đều là SARS-CoV-2 và các test nhanh chỉ phát hiện bị nhiễm SARS-CoV-2 hay chưa, chứ không khẳng định nhiễm chủng nào. Để khẳng định nhiễm chủng nào buộc phải giải trình tự gen và chỉ có phòng thí nghiệm chuyên sâu và một số cơ sở y tế Trung ương đủ điều kiện mới làm được. Tuy vậy, chúng ta không nên quá lo lắng và cũng cần thiết phải biết mình nhiễm chủng gì, quan trọng biết cách phòng bệnh và theo dõi sức khỏe khi bị nhiễm bệnh!

Trân trọng cảm ơn ông!

theo Đoan Trang (tổng hợp) – Tổng hợp

Tin liên quan

Tuần cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (ngày 25-30/11): Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng - Cập nhật: 25/11/2024 14:27
Bế mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội - Cập nhật: 20/11/2024 08:57
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 4: Dấu ấn ngành Tư pháp - Cập nhật: 19/11/2024 08:47
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cập nhật: 18/11/2024 08:41
Đột phá từ Trung ương - Cập nhật: 15/11/2024 09:58
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 13/11/2024 10:16
Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng - Cập nhật: 12/11/2024 12:51
Lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ - Cập nhật: 11/11/2024 10:08
Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Trọng tâm là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 11/11/2024 09:04
90 tác phẩm được trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” - Cập nhật: 10/11/2024 11:24