Đoàn giám sát của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia họp phiên thứ năm

Cập nhật: 07/09/2023 20:53

Chiều 7.9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”, Đoàn giám sát họp phiên thứ năm.

Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm – Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh – Phó trưởng đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh – Phó trưởng đoàn giám sát…

Theo dự thảo Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”, Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương hoàn thành khối lượng lớn các văn bản về quản lý, chỉ đạo điều hành, hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; tổng hợp 339 kiến nghị của địa phương và ban hành Công điện 71/CĐ-TTg ngày 23.2.2023 của Thủ tướng Chính phủ phân công, giao nhiệm vụ cho 18 bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, trả lời và tham mưu, sửa đổi văn bản có nhiều vướng mắc.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, xã hoàn thành nông thôn mới chưa có chiều sâu; giảm nghèo chưa bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nhiều dự án, tiểu dự án chưa có hiệu quả, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, thu nhập, mức sống của người dân còn thấp; khả năng hoàn thành các mục tiêu của Chương trình rất khó khăn.

Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương còn có hạn chế, chưa thực sự phát huy chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả hoạt động của cơ chế một Ban chỉ đạo chung 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Việc thành lập tổ chức, bộ máy giúp việc chưa có sự thống nhất giữa Trung ương và địa phương; có tỉnh thành lập Tổ công tác, có tỉnh là văn phòng giúp việc, điều phối… dẫn đến thiếu thống nhất trong chỉ đạo, điều hành.

Đáng lưu ý, Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành liên quan còn hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện các Chương trình, nhất là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý, hướng dẫn, thực hiện dự án, tiểu dự án, chính sách các Chương trình mục tiêu quốc gia. Các văn bản chính ban hành chậm, số lượng văn bản ban hành lớn, đồ sộ với khoảng 120 văn bản của Trung ương và 40 văn bản của địa phương. Đến nay, một số địa phương vẫn tiếp tục ban hành các văn bản còn thiếu và tiếp tục ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền một số văn bản quy phạm pháp luật do trung ương mới sửa đổi như Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Các thành viên Đoàn giám sát cơ bản thống nhất với dự thảo Báo cáo, tuy nhiên đề nghị cần bổ sung số liệu, tiếp tục hoàn thiện dự thảo theo hướng logic hơn, làm nổi bật những điểm mới trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2030; những vướng mắc trong triển khai thực hiện, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, các kiến nghị, giải pháp phải góp phần giải quyết được những khó khăn, vướng mắc ngay trong thực tiễn triển khai 3 Chương trình.

Các thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, trong dự thảo Nghị quyết về giám sát chuyên đề, cần nêu rõ các nhận định, lần đầu tiên thành lập một Ban Chỉ đạo 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nên quá trình thực hiện còn lúng túng ở cả trung ương và địa phương; thực tế ở địa phương vẫn quản lý, chỉ đạo theo tính chất ngành dọc của từng cơ quan. Bên cạnh đó, việc lồng ghép các Chương trình chưa thực hiện được; vốn đối ứng của địa phương, huy động nguồn lực xã hội để thực hiện các Chương trình còn gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở kết quả thực hiện, dự thảo Nghị quyết có đề nghị điều chỉnh mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của 3 Chương trình hay không là vấn đề cần tính toán kỹ.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Tổ giúp việc tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát; bám sát Nghị quyết của Quốc hội để đánh giá kết quả đạt được của từng Chương trình.

theo Tin và ảnh: Hoàng Ngọc – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan