Ngày 23/11, Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP), Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm Bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý chương trình ETEP Đặng Văn Huấn, 3 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua Chương trình ETEP triển khai mô hình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông với nhiều điểm mới, phù hợp tình hình dịch bệnh Covid-19. Đó là mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ; kết hợp trực tiếp với trực tuyến; biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng có hỗ trợ của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt.
Cụ thể, đối với giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán sẽ tự học các tài liệu được tải trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) trong khoảng 5-7 ngày, hoàn thành các bài kiểm tra, chuẩn bị các nội dung, sau đó sẽ được các giảng viên sư phạm chủ chốt bồi dưỡng trực tiếp 2-3 ngày. Giảng viên sư phạm sẽ giải đáp các thắc mắc của giáo viên, hướng dẫn giáo viên cốt cán xây dựng kế hoạch hỗ trợ giáo viên đại trà. Giáo viên cốt cán sẽ tiếp tục tự học học 7 ngày để hoàn thành các bài tập, hoàn thành kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp với sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm.
Đối với giáo viên đại trà cũng trải qua quá trình tương tự: tự học trực tuyến trên LMS, học trực tiếp với giáo viên cốt cán và tự học trực tuyến để hoàn thành các bài kiểm tra, khảo sát… với sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán. Tuy nhiên, thời gian học sẽ kéo dài khoảng 30-40 ngày do giáo viên phải kết hợp học bồi dưỡng và giảng dạy.
Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Hiền cho biết, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý là những người đã có kinh nghiệm nên thay đổi thói quen tư duy cho họ là một thách thức. Nếu tập huấn bồi dưỡng ngắn ngày thì việc thay đổi hành vi, thói quen rất hạn chế. Vì vậy, mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ đã khắc phục được cách bồi dưỡng tập trung ngắn ngày trước đây. Tri thức sẽ đến liên tục, giúp thầy, cô vừa học vừa áp dụng vào môi trường thực tại.
Được lựa chọn là 1 trong những giáo viên cốt cán để tham gia lớp bồi dưỡng, trở về địa phương hỗ trợ các thầy, cô giáo phổ thông, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo, giáo viên trường Tiểu học Hương Cần (Thanh Sơn, Phú Thọ) chia sẻ, việc học tập trên mạng internet và qua hệ thống LMS rất thuận lợi, qua đó giáo viên được tiếp cận những nội dung, tài liệu, tìm hiểu thông tin, nội dung ngay trên mạng và được tự học mọi lúc, mọi nơi. Những nội dung tài liệu đã đáp ứng được nhu cầu thiết thực trong dạy học.
Bên cạnh đó, giáo viên còn nhận được sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm chủ chốt giải đáp những khó khăn, vướng mắc của mình trong quá trình học tập. Ngoài học trực tuyến, giáo viên còn được học trực tiếp tại trường Đại học Sư phạm II, qua đó giáo viên được củng cố thêm kiến thức. Với những vấn đề học trực tuyến chưa rõ hay còn băn khăn, có thể trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, giảng viên.
Tại buổi tọa đàm, các giáo viên đã cùng nhau chia sẻ những kết quả đạt được sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng, đồng thời mong muốn tiếp tục được giảng viên sư phạm chủ chốt trực tiếp giải đáp những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy; có cơ hội chia sẻ, trao đổi, thảo luận với đồng nghiệp trên cả nước thông qua hình thức trực tuyến…