Hội thảo khoa học: “Đồng chí Lê Hồng Phong – Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”. (Ảnh: Thành Châu) |
Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 trong một gia đình nông dân tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng, phủ Hưng Nguyên, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đồng chí đã trọn đời đấu tranh, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, nêu tấm gương sáng về một nhà lãnh đạo chủ chốt xuất sắc của Đảng, người chiến sĩ cộng sản trung kiên, bất khuất của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Thứ nhất, đồng chí Lê Hồng Phong – Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam
Kế thừa truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất của quê hương, đồng chí Lê Hồng Phong đã sớm tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước trên quê hương Nghệ An. Từ một thanh niên yêu nước nhiệt thành, trải qua quá trình hoạt động cách mạng phong phú, lại được đào tạo bài bản cả về lý luận và thực tiễn, được rèn luyện về phẩm chất đạo đức và lý tưởng cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong đã nhanh chóng trưởng thành và là một cán bộ nòng cốt, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam ngay từ buổi đầu dựng Đảng và ở vào thời kỳ khó khăn nhất của phong trào cách mạng.
Sau khi Cao trào cách mạng 1930-1931, với đỉnh cao là Xô viết Nghệ-Tĩnh bị địch khủng bố trắng, hệ thống tổ chức Đảng bị tan vỡ, cách mạng Việt Nam lâm vào thoái trào, tháng 11/1931, đồng chí Lê Hồng Phong được Quốc tế Cộng sản cử về chủ trì tái lập hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng. Vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, đồng chí đã tích cực chắp nối, gây dựng cơ sở, mở lớp huấn luyện cán bộ và tổ chức hiện thực hóa bản Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương (được Quốc tế Cộng sản thông qua tháng 6/1932). Tháng 3-1934, Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng – cơ quan đóng vai trò là Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, được thành lập do đồng chí đứng đầu.
Trên cương vị người đứng đầu Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, chỉ đạo từng bước xây dựng, khôi phục phong trào cách mạng trong nước. Đến cuối năm 1934, hệ thống tổ chức của Đảng trong cả nước đã được khôi phục, lực lượng cách mạng phát triển nhanh chóng. Đại hội lần thứ nhất của Đảng được tổ chức (tháng 3/1935) là sự kiện đánh dấu sự phục hồi của hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam. Đây là thành quả chung nhờ những nỗ lực vượt bậc của các chiến sĩ cộng sản Việt Nam, trong đó có công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong. Tại Đại hội, đồng chí đã được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, ngày 26/7/1936, tại Thượng Hải (Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương để vận dụng đường lối Đại hội VII Quốc tế Cộng sản vào điều kiện cụ thể của nước ta, hoạch định Chiến sách mới của cách mạng. Hội nghị đã phân tích tình hình thế giới, tình hình trong nước và xác định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Đông Dương lúc này chưa phải trực tiếp đánh đổ đế quốc Pháp, giành độc lập dân tộc và đánh đổ phong kiến, giành ruộng đất cho nông dân, mà phải thành lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương, tập trung đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, chống chủ nghĩa phát-xít và nguy cơ chiến tranh, đòi các quyền tự do, dân chủ, dân sinh và hòa bình cho nhân dân. Quyết định của Hội nghị đã thôi thúc Cao trào Dân chủ – một cao trào đấu tranh cách mạng mới của dân tộc bùng nổ trong những năm 1936-1939.
Cùng với Trung ương Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã chỉ đạo từng bước hoàn thiện chủ trương, đường lối, biện pháp đấu tranh mới và điều chỉnh công tác tổ chức xây dựng Đảng cho phù hợp tình hình cụ thể của cách mạng; lãnh đạo phong trào dân chủ, tích cực đấu tranh trên mặt trận báo chí công khai, làm nên những thành tựu to lớn trong Cao trào Dân chủ những năm 1936-1939. Đặc biệt, những bài viết của đồng chí với bút danh T.B đăng trên Báo Dân chúng-cơ quan ngôn luận của Đảng, trong tháng 5 và tháng 6/1939, cùng với tác phẩm Tự chỉ trích của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, thẳng thắn đối với những quan điểm, nhận thức còn lệch lạc của một số đảng viên, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng; đồng thời phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các phần tử tờrốtkít. Đó là những kinh nghiệm quý giá trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.
Thứ hai, đồng chí Lê Hồng Phong – Người chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên trung
Ngay từ những năm học tại Trường Quân sự Hoàng Phố (1924-1925), với tình cảm của một người cách mạng chân chính, đồng chí Lê Hồng Phong đã tham gia chiến đấu trong quân đội của Chính phủ cách mạng Tôn Trung Sơn để bảo vệ vùng căn cứ cách mạng, chống lại các thế lực quân phiệt, phản động ở Trung Quốc khi đó.
Được giác ngộ lý tưởng cộng sản và hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên dưới sự dìu dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, đồng chí đã tích cực tham gia các cuộc mít tinh, tuần hành do Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức để ủng hộ, bảo vệ cách mạng Trung Quốc; tham gia các hoạt động của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và một số nhà cách mạng ở các nước châu Á thành lập năm 1925; tham gia các hoạt động của Quốc tế Cứu tế đỏ do Quốc tế Cộng sản thành lập, nhằm giúp đỡ, bảo vệ những tù nhân chính trị trước sự đàn áp, khủng bố của chính quyền thực dân, đế quốc.
Trong những năm học tập tại Liên Xô, nhất là thời gian học tại Trường Đại học Phương Đông (năm 1928 đến năm 1931), đồng chí Lê Hồng Phong đã đóng vai trò là cầu nối giữa Quốc tế Cộng sản và cách mạng Việt Nam, giúp Quốc tế Cộng sản tiếp nhận được những thông tin quý báu về tình hình cách mạng Đông Dương và sự phối hợp giữa cách mạng ở các nước chính quốc với các nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc.
Việc đồng chí Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 1926), Đảng Cộng sản Liên Xô (năm 1929) và được Đại hội VII Quốc tế Cộng sản bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã thể hiện sự ghi nhận xứng đáng của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế đối với những hoạt động, đóng góp tích cực và hiệu quả của đồng chí. Đồng chí Lê Hồng Phong thật sự trở thành một tấm gương tiêu biểu của sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính Việt Nam và tinh thần quốc tế vô sản cao đẹp, thật sự là người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, kiên trung.
Tại diễn đàn Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (tháng 7/1935), đồng chí Lê Hồng Phong đã thông tin giúp Đại hội hiểu rõ về tình hình cách mạng Việt Nam và có thêm cơ sở quan trọng để nhìn nhận sâu sắc hơn và thực hiện đúng đắn những điểm mới trong đường lối của Quốc tế Cộng sản ở một nước thuộc địa phong kiến, tập trung mũi nhọn vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít và nguy cơ chiến tranh thế giới đang đến gần. Luận điểm của đồng chí: “ngày nay, ở Đông Dương, chúng tôi đã có một đảng chưa thật mạnh về số lượng, nhưng là một đảng bất chấp mọi sự khủng bố tàn bạo của đế quốc Pháp, kiên quyết chiến đấu để thực hiện Cương lĩnh của Quốc tế Cộng sản, thực hiện cách mạng ruộng đất và chống đế quốc, chiến đấu để giành giải phóng hoàn toàn và độc lập cho xứ Đông Dương”(1) đã thể hiện sâu sắc tinh thần cách mạng kiên trung của những người cộng sản Đông Dương và là niềm cổ vũ, động viên to lớn đối với các đảng cộng sản, các lực lượng cách mạng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Thứ ba, đồng chí Lê Hồng Phong – Người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, mẫu mực
Tháng 11/1924, khi đến Quảng Châu hoạt động, trực tiếp chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã chú ý đến những thanh niên yêu nước trong tổ chức Tâm Tâm xã, trong đó có đồng chí Lê Hồng Phong. Với tầm nhìn chiến lược về công tác cán bộ, thông qua những bài giảng lý luận và giao phó thực thi các nhiệm vụ cách mạng, Người đã chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đồng chí Lê Hồng Phong và nhiều thanh niên yêu nước khác như các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng… trở thành những “hạt giống đỏ” của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là bước ngoặt hết sức quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong. Năm 1925, đồng chí trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – một tổ chức tiền thân của Đảng, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập. Trong những năm 1925-1931, được sự giới thiệu, giúp đỡ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Lê Hồng Phong đã tham gia nhiều trường đào tạo, huấn luyện ở Trung Quốc và Liên Xô, như: Trường Hàng không Quảng Châu; Trường Lý luận quân sự không quân ở Lêningrát (nay là thành phố Xanh Pêtécbua, Liên bang Nga), Trường Đào tạo phi công quân sự số 2 ở thành phố Bôrítxgơlépxcơ và đặc biệt là Trường Đại học Phương Đông.
Học tập, noi theo tấm gương của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Hồng Phong đã cống hiến trọn đời vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng cao đẹp của Đảng và dân tộc, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, dù nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam và tra tấn tàn bạo, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, bình thản trước những đòn roi tàn bạo của chúng. Bị kẻ địch hành hạ dã man, cơ thể ngày càng bị suy kiệt, đồng chí Lê Hồng Phong vẫn nỗ lực động viên các đồng chí đang bị giam giữ nơi “địa ngục trần gian” Côn Đảo, tiếp tục giữ vững ý chí cách mạng, tinh thần lạc quan, niềm tin vào tương lai tất thắng của cách mạng và tuyệt đối tránh những hành động tự phát, manh động với bọn cai ngục để chúng tạo cớ tàn sát. Đồng chí anh dũng hy sinh, nhưng lời nhắn nhủ của đồng chí: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng” vẫn còn vang vọng mãi trong tâm khảm, củng cố niềm tin, bản lĩnh của những người cộng sản trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Đồng chí Lê Hồng Phong cùng với người bạn đời, người đồng chí thân yêu Nguyễn Thị Minh Khai đã làm nên biểu tượng cao đẹp của một gia đình cách mạng tiêu biểu, kiên cường đấu tranh, vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, trọn đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Thứ tư, đồng chí Lê Hồng Phong – Người con ưu tú của quê hương Nghệ An
Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, một miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều anh hùng, danh nhân khác của Đảng và dân tộc, đồng chí Lê Hồng Phong đã kế thừa và phát huy những giá trị quý báu của vùng đất, con người xứ Nghệ để hình thành nên những phẩm chất, nhân cách cao đẹp của người cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Bằng những hoạt động, cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Lê Hồng Phong đã làm rạng danh cho quê hương Nghệ An, tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp, lịch sử cách mạng vẻ vang, niềm tự hào của quê hương xứ Nghệ. Trên bước đường hoạt động, đồng chí đã có ảnh hưởng to lớn, góp phần động viên, thúc đẩy phong trào cách mạng ở Nghệ An phát triển mạnh mẽ cùng với phong trào cách mạng chung của cả nước.
Học tập, noi gương đồng chí Lê Hồng Phong, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.
Ngày nay, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An đang nỗ lực vượt mọi khó khăn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, con người của quê hương xứ Nghệ anh hùng, ý chí tự cường và khát vọng vươn lên, chủ động đổi mới sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh khá trong khu vực phía bắc, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước, biến “Khát vọng sông Lam” thành “Kỳ tích sông Lam” trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
***
Tưởng nhớ, tri ân đồng chí Lê Hồng Phong, chúng ta nhớ về cuộc đời cách mạng cao đẹp của đồng chí với những bài học sâu sắc, còn vẹn nguyên giá trị trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc hiện nay. Đó là bài học về tinh thần kiên định phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, sẵn sàng đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết và trước hết; đó là bài học về sự gắn bó mật thiết với nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm mục đích, tiêu chuẩn, thước đo kiểm nghiệm tính đúng đắn của hành động; đó là bài học về không ngừng học tập, rèn luyện mọi mặt để hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao; đó là bài học về kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng; đó là bài học về nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù; đó là bài học về kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng sai trái, thật sự làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, xuyên tạc của kẻ thù. Những bài học quý báu đó tiếp tục là những chỉ dẫn quan trọng, thiết thực trong sự nghiệp tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng thành công một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu lúc sinh thời từng mong muốn và ước nguyện của toàn dân tộc.
————————-
(1) Lê Hồng Phong – Một số tác phẩm, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 2007, tr.180.
theo Báo nhân dân điện tử