Tuyến đường cao tốc Vân Ðồn-Móng Cái hoàn thành đúng kế hoạch nhờ sự đồng thuận của nhân dân, góp phần mở ra không gian phát triển mới cho địa phương. (Ảnh: NAM ANH) |
Coi trọng việc củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân, Bộ Chính trị (khóa XI) đã có Quyết định số 217-QÐ/TW ngày 13/12/2013 ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội. Theo quyết định của Bộ Chính trị, thực hiện nhiệm vụ giám sát là kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém trong quá trình xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp, phát hiện, lan tỏa những việc làm tích cực.
Phản biện xã hội là phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Ðảng, Nhà nước. Kết quả của phản biện là kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội.
Chủ động, sáng tạo từ cơ sở
Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng có những con số ý nghĩa về hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong nhiệm kỳ Ðại hội XII. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 10 chương trình giám sát về các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách đối với toàn xã hội; phản biện một số văn bản quan trọng của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh tổ chức 721 cuộc giám sát, 784 hoạt động phản biện; cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc giám sát, 4.403 hoạt động phản biện và cấp xã tổ chức 49.564 cuộc giám sát, 25.834 hoạt động phản biện. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp và nhân dân đã có 32.064 ý kiến góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền.
Khảo sát ở nhiều địa phương ghi nhận, sự sâu sát cơ sở, chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp là yếu tố quan trọng khi thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Trong 3 năm (2020-2022), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh thực hiện 15 cuộc giám sát; các tổ chức chính trị-xã hội của tỉnh thực hiện 20 cuộc giám sát. Năm 2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức 5 cuộc giám sát. Cùng với 4 hình thức giám sát theo Nghị quyết liên tịch 403/2017/NQLT ngày 15/6/2017 của Chính phủ, Quốc hội, Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh mở rộng thêm 2 hình thức khác. Ðó là giám sát thường xuyên, đột xuất, không báo trước và giám sát kết hợp nghiên cứu, xem xét văn bản.
Với phản biện xã hội, từ năm 2023, Mặt trận Tổ quốc tỉnh thực hiện thông qua 3 hình thức là nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan; tổ chức hội nghị phản biện xã hội và đối thoại trực tiếp. Tháng 2/2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh tổ chức phản biện xã hội thành công đối với dự thảo nghị quyết Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Ngân chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện thành công hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Ðó là, sáng tạo, đổi mới, mở rộng nội dung và hình thức giám sát, phản biện; lựa chọn chủ đề giám sát, phản biện xuất phát từ những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc; xây dựng đề cương, biểu mẫu, biên bản cụ thể, chi tiết, dễ thực hiện; thành phần các đoàn giám sát, phản biện gồm những người có chuyên môn, am hiểu luật pháp và các nội dung chuyên sâu, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.
Sáng tạo, đổi mới, mở rộng nội dung và hình thức giám sát, phản biện; lựa chọn chủ đề giám sát, phản biện xuất phát từ những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc; xây dựng đề cương, biểu mẫu, biên bản cụ thể, chi tiết, dễ thực hiện; thành phần các đoàn giám sát, phản biện gồm những người có chuyên môn, am hiểu luật pháp và các nội dung chuyên sâu, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Ngân
Năm 2020, thành phố Cẩm Phả là địa phương đầu tiên của Quảng Ninh triển khai chương trình giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử ở nơi công tác và nơi cư trú đối với các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, lãnh đạo các phòng chuyên môn. Việc làm này đã trở thành nền nếp. Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cẩm Phả Trương Thành Công thông tin rằng, qua hoạt động giám sát của nhân dân nơi cư trú, có một số cán bộ đã tự nhận ra thiếu sót, chủ động từ chối việc được cơ quan đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện hơn, nhất là với những trường hợp có đánh giá là chưa thật sự gương mẫu.
Bảo đảm tính xây dựng, khoa học và thực tiễn
Mấy tháng gần đây, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đang thực hiện việc phản biện xã hội đối với Dự án Luật Ðất đai (sửa đổi). Ðây là dự án luật quan trọng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ðến ngày 2/4, cơ quan soạn thảo tiếp thu gần 12 triệu lượt ý kiến của các tầng lớp nhân dân, bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội và thực hiện đăng tải các bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình công khai, minh bạch tới toàn dân. Công tác tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân được thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến. Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, riêng báo cáo tiếp thu, giải trình của nhân dân dày khoảng 300 trang; báo cáo tổng hợp, phân loại các ý kiến để đối chiếu, so sánh, tiếp thu, giải trình nếu in ra dày khoảng 3.000 trang.
Tại thành phố Ðà Nẵng, từ năm 2014-2022, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã giám sát 99 nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân. Trước khi ban hành các chủ trương, nghị quyết liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, thành phố đã đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và các đơn vị chức năng tổ chức 120 hội nghị phản biện xã hội.
Nhờ đó, trong quá trình thực hiện quy hoạch đô thị, có gần 120.000 hộ dân di dời, giải tỏa, tổng diện tích thu hồi đất 11.488ha, tổng số tiền chi cho đền bù giải tỏa khoảng 5.000 tỷ đồng nhưng số trường hợp bị cưỡng chế rất ít. Khi xây dựng các chính sách, Thành ủy quán triệt phương châm “Ðảng nói-dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động-dân theo; Chính quyền làm-dân ủng hộ”. Những gì người dân chưa đồng thuận, không nhất trí cao thì đưa ra bàn bạc, thống nhất. Những ý kiến đóng góp, hiến kế của các tầng lớp nhân dân được cụ thể hóa và triển khai sâu rộng trong đời sống xã hội.
Tháng 12/2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng đã trực tiếp gặp gỡ, giải quyết hai vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân tại trụ sở tiếp dân. Ðó là việc của bác Phạm Văn Sang (ở phố Tô Vĩnh Diện, quận Thanh Xuân) và bác Phan Thị Nghĩa (ngõ chợ Khâm Thiên, quận Ðống Ða). Sau khi xem xét, đối thoại trực tiếp với người dân, đồng chí đã kết luận chỉ đạo, giải quyết từng vụ việc, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị liên quan theo thẩm quyền và thống nhất cách làm, tiến độ giải quyết.
Tháng 12/2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng đã trực tiếp gặp gỡ, giải quyết hai vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân tại trụ sở tiếp dân. Ðó là việc của bác Phạm Văn Sang (ở phố Tô Vĩnh Diện, quận Thanh Xuân) và bác Phan Thị Nghĩa (ngõ chợ Khâm Thiên, quận Ðống Ða). Sau khi xem xét, đối thoại trực tiếp với người dân, đồng chí đã kết luận chỉ đạo, giải quyết từng vụ việc, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị liên quan theo thẩm quyền và thống nhất cách làm, tiến độ giải quyết.
Buổi tiếp dân công khai, khách quan, dân chủ của người đứng đầu Ðảng bộ thành phố đã được đông đảo nhân dân ghi nhận. Ðây là việc làm thể hiện sự thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Ðó là, người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội. Từ đây, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trên địa bàn thành phố sẽ có những chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn.
Năm 2023, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Thành ủy và chính quyền thành phố, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Hà Nội thực hiện chuyên đề “Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố tích cực tham gia hiệu quả việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Với mục tiêu tạo sự đồng thuận xã hội, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp chủ động, phối hợp chặt chẽ chính quyền các địa phương có tuyến vành đai 4 đi qua để tuyên truyền, vận động nhân dân. Kế hoạch giám sát năm 2023 của Mặt trận Tổ quốc thành phố có nội dung giám sát kết quả, tiến độ thực hiện dự án; việc thực hiện cơ chế, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong quá trình thực hiện dự án. “Dựa vào dân, lo cho dân” là mục tiêu cũng là thước đo hiệu quả của giám sát và phản biện xã hội.
Hoàn thiện cơ chế, phát huy hiệu quả
Thực tế khẳng định tính đúng đắn của chủ trương tăng cường giám sát, phản biện xã hội, giúp các cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng xây dựng sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Nhưng cũng qua khảo sát tại các địa phương, vẫn còn tình trạng việc giám sát, phản biện xã hội mới chỉ là hình thức, nội dung còn sơ sài, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng nhân dân. Việc theo dõi, đôn đốc giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện còn thiếu quyết liệt. Do hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp, các ý kiến giám sát, đặc biệt là đối với các nội dung phản biện xã hội chất lượng chưa cao, thiếu tính thuyết phục. Hoạt động của mô hình Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng tại một số địa phương còn nặng về hình thức, kém hiệu quả.
Ðồng chí Lê Thị Kim Cúc, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm của địa phương. Ðó là, cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội thực hiện công tác giám sát, phản biện; đồng thời phát huy tính tự chủ của Mặt trận Tổ quốc. Ngược lại, với vai trò là thành viên của mặt trận, các cấp ủy đảng, đảng viên phải chấp hành nghiêm túc nội dung, kết luận giám sát, phản biện, không né tránh, ngoại lệ. Ðể phát huy hiệu quả giám sát, phản biện tạo đồng thuận xã hội ngay từ cơ sở, cần tăng cường hoạt động giao ban thường trực cấp ủy với bí thư chi bộ, trưởng khu, trưởng ban công tác mặt trận thôn, bản, khu phố, hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với nhân dân…
Từ thực tiễn hai năm triển khai đề án “Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung quy định về thời gian bắt buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân xem xét, trả lời kiến nghị từ kết quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Từ góc độ khoa học pháp lý, Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp nêu ý kiến, hệ thống pháp luật cần định hình đầy đủ hơn, rõ nét hơn cơ chế và cách thức để người dân tham gia quản lý nhà nước bằng giám sát. Ðối với những nội dung bắt buộc phải lấy ý kiến của người dân thì trước khi ra quyết sách, các cơ quan có thẩm quyền phải bảo đảm một cách thực chất sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, cần sớm xây dựng Luật Hoạt động giám sát của nhân dân, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát, phản biện của nhân dân. Ngoài hoàn thiện cơ sở chính trị, pháp lý cần nghiên cứu đổi mới mô hình, tổ chức bộ máy Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội.
Cần sớm xây dựng Luật Hoạt động giám sát của nhân dân, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát, phản biện của nhân dân. Ngoài hoàn thiện cơ sở chính trị, pháp lý cần nghiên cứu đổi mới mô hình, tổ chức bộ máy Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng
Nhiều năm tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội của địa phương, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Cẩm Phả Ðoàn Thị Liên nêu nhận xét và đề xuất, cần tiếp tục cụ thể hóa quan điểm Ðảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những kết quả đó góp phần tăng cường quyền làm chủ, sự đồng thuận của nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Ðảng và nhờ đó mà Ðảng thắng lợi. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, đưa yêu cầu “dân giám sát” trở thành một phương thức lãnh đạo của Ðảng nhằm xây dựng sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần hiệu quả trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị, tạo tiền đề triển khai thắng lợi chủ trương, đường lối, quyết sách của Ðảng, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
(Còn nữa)