Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh: Giảm quy mô đầu tư, sao vẫn tăng thời gian thu phí?

Cập nhật: 20/05/2022 08:48

Góp ý với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, một số bộ, ngành đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng làm rõ vì sao dự án điểu chỉnh giảm quy mô đầu tư tới 71km, tăng 1.580 tỷ đồng phần vốn góp của Nhà nước; nhưng thời gian hoàn vốn thu phí vẫn đề xuất tăng thêm 7 năm?

Ảnh minh họa

Tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch

Theo UBND tỉnh Cao Bằng, từ thực tiễn triển khai các dự án trong thời gian qua, đặc biệt là quá trình triển khai các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020; cho thấy còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong 11 dự án thành phần có 8 dự án triển khai theo phương thức PPP và 3 dự án đầu tư công. Quá trình triển khai đã phát sinh một số yếu tố ảnh hưởng đến tính khả thi, tiến độ hoàn thành dự án, chủ yếu là khó khăn về huy động vốn tín dụng.

Đã có 5/8 dự án triển khai theo phương thức PPP đã phải chuyển sang đầu tư công, 3 dự án còn lại (Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Câm Lâm – Vĩnh Hảo) dù có tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia hỗ trợ trên 50% tổng mức đầu tư, thời gian thu hồi vốn 16 – 17 năm, được đánh giá là rất hiệu quả về tài chính; nhưng vẫn rất khó khăn về tín dụng.

“Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án với các nội dung điều chỉnh như phương án tài chính, quy mô dự án, điều chỉnh tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước (NSNN) tham gia hỗ trợ lên tối đa 50%, áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu… là rất cần thiết phù hợp để tăng tính hiệu quả, thu hút các nhà đầu tư quan tâm”, Cao Bằng nêu quan điểm.

Cũng theo địa phương này, đây là tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới, kết nối giao thương hàng hóa từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) qua Trung Quốc, Kazakhstan và châu Âu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong nước nói chung và Cao Bằng nói riêng. Vì thế, địa phương đã rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, giãn giảm trên 22 dự án đầu tư, để tập trung bố trí vốn cho dự án cao tốc. Tỉnh đã cân đối đủ 4.080 tỷ đồng ngân sách địa phương (NSĐP) bố trí cho dự án (tăng 1.580 tỷ so với chủ trương ban đầu là 2.500 tỷ).

Cần làm rõ vấn đề phương án tài chính

Theo tìm hiểu, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất tăng mức vốn Nhà nước tham gia dự án từ 5.000 lên 6.580 tỷ đồng (chiếm 49,92% tổng mức đầu tư giai đoạn 1). Theo kết quả tính toán phương án tài chỉnh điều chỉnh, mức vốn NSNN của dự án (2 giai đoạn) là 9.080 tỷ, chiếm 40% tổng mức đầu tư điều chỉnh.

Theo Bộ Tài chính, về nguyên tắc, việc điều chỉnh giảm quy mô đầu tư và tăng phần vốn nhà nước tham gia dự án sẽ làm giảm tổng mức đầu tư (TMĐT) và thời gian thu phí hoàn vốn trong phương án tài chính. Tuy nhiên, với giai đoạn 1, TMĐT điều chỉnh tăng thêm 636 tỷ, vốn nhà nước tham gia 6.580 tỷ (tăng 1.580 tỷ). Trong khi quy mô bề rộng nền đường giảm từ 17 xuống 13,5m (khoảng 71km, chiếm 76% chiều dài tuyến giai đoạn 1); nhưng thời gian thu phí hoàn vốn lại đề xuất tăng 7 năm.

Bộ Tài chính cho rằng, UBND tỉnh Cao Bằng chịu trách nhiệm rà soát phạm vi quy mô đầu tư làm cơ sở để chuẩn xác các số liệu tính toán TMĐT, các khoản mục chi phí, phương án tài chính của dự án theo quy định hiện hành. Đồng thời, đề nghị tham khảo suất đầu tư theo Quyết định 65/QĐ-BXD ngày 20/1/2021 của Bộ Xây dựng để tính toán TMĐT và các khoản mục chi phí của dự án.

Bộ Tài chính cũng lưu ý UBND Cao Bằng cần khẳng định rõ việc bổ sung thêm vốn nhà nước tham gia dự án từ nguồn vốn NSĐP trên cơ sở rà soát, điều chỉnh vốn từ các dự án chưa thực sự cần thiết, cấp bách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh; theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo 319/TB-VPCP ngày 28/11/2021.

Về phương án tài chính của dự án, theo hồ sơ, giá vé năm cơ sở là 2.100 đồng/km/PCU, mức tăng giá vé 15%/3 năm/lần so với giá dịch vụ hiện tại. Góp ý, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, dự án đề xuất 76% chiều dài tuyến giai đoạn 1 quy mô 2 làn xe nhưng tham khảo mức giá của các dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Hạ Long – Vân Đồn có quy mô 4 làn xe là chưa phù hợp. Do đó, đề nghị Cao Bằng rà soát, tính toán mức phí cho phù hợp với quy mô dự án và điều kiện kinh tế – xã hội tại các địa phương.

Cũng theo NHNN, doanh thu lưu lượng xe được dự báo dựa trên số liệu 2 đợt khảo sát (đợt 1 từ 1/12/2020 – 3/12/2020 và đợt 2 từ 15/1/2021 – 17/1/2021), đồng thời, tỷ lệ tăng trưởng lưu lượng xe (5-5%/năm) được tính toán dựa trên tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân của Cao Bằng và Lạng Sơn (4,5-5%/năm). Do 2 đợt khảo sát rất ngắn và gần nhau; mặt khác, tuyến đường không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại giữa hai tỉnh; nên việc dự báo lưu lượng xe cần củng cố thêm căn cứ tính toán.

NHNN đề nghị Cao Bằng rà soát số liệu, đánh giá lưu lượng xe và dự kiến doanh thu của dự án thông qua số liệu các năm, từ đó tính toán lại phương án tài chính, nhằm hạn chế rủi ro cho các bên trong đầu tư dự án. Ngoài ra, cần đánh giá thêm về ảnh hưởng của thiên tại, dịch bệnh, các dự án có liên quan (như cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn – Cao Bằng)… tác động đến lưu lượng giao thông và hiệu quả dự án.

Với nguồn vốn huy động khoảng 13.617,9 tỷ đồng của nhà đầu tư để thực hiện dự án; dự kiến huy động theo hình thức phát hành trái phiếu trong điều kiện chưa lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Về vấn đề này, Bộ Tài chính lưu ý, việc phát hành trái phiếu của nhà đầu tư thực hiện dự án PPP phải tuân thủ Luật PPP, Luật DN, Luật Chứng khoán và các quy định hiện hành. Đồng thời, để đảm bảo tính khả thi phương án huy động vốn từ phát hành trái phiếu, đề nghị bổ sung đánh giá về nhu cầu và sự quan tâm của nhà đầu tư với trái phiếu của DN dự án PPP và phương án huy động vốn phù hợp tiến độ dự án.

theo Phi Hùng – Báo Pháp luật VN

Tin liên quan