Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Nhiều lợi ích khi áp dụng hợp tác công – tư

Cập nhật: 20/11/2023 10:12

Lợi thế của mô hình hợp tác công – tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao là thúc đẩy sự sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm và lợi ích gắn bó của các bên, cải thiện trách nhiệm giải trình, sự minh bạch, giải quyết vấn đề quản lý khai thác kém hiệu quả.

Toàn cảnh một phiên làm việc của Kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XV. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Xây dựng chính sách vượt trội để phát triển công nghiệp văn hóa

Trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XV, Chính phủ đã trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với các nhóm chính sách nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô. Trong đó, về phát triển văn hoá, thể thao, dự thảo Luật đã bổ sung quy định xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa theo quy hoạch.

Việc xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa dựa trên tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa gắn với xây dựng TP sáng tạo xứng tầm là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước.

Góp ý về vấn đề này, tại phiên họp tại Tổ của QH thảo luận về dự án Luật, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) cho biết, thời gian qua, công nghiệp văn hóa Thủ đô đã có bước phát triển đáng kể, đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của TP, theo số liệu năm 2018). Con số này dự kiến sẽ tăng lên thành 5% vào năm 2025; 8% vào 2030 và 10% vào 2045. Nhấn mạnh đây là con số rất lớn và cũng là điểm nhấn trong phát triển Thủ đô, Đại biểu tán thành với việc cần có các cơ chế, chính sách liên quan để xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Tuy nhiên, theo Đại biểu, dự thảo Luật đã đề cập đến việc hình thành Trung tâm công nghiệp văn hóa nhưng không rõ về quy mô, số lượng, hạ tầng cũng như kiến trúc thượng tầng cho các Trung tâm này. Do đó, Đại biểu kiến nghị, cần có các quy định về điều kiện thuận lợi về tiếp cận đất đai, ưu đãi đầu tư để thu hút nguồn vốn tư nhân, đồng thành cùng nguồn vốn Nhà nước để phát triển các Trung tâm công nghiệp văn hóa.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu đồng tình với việc dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định về mô hình “Khu phát triển thương mại, văn hóa” hay còn gọi là “Khu thúc đẩy thương mại văn hóa”. Mô hình này được thử nghiệm có kiểm soát tại Hà Nội để tạo cơ sở pháp lý đầu tư, xây dựng, quản lý hiệu quả các khu phố đi bộ, phố “nghề”, phố “hàng”, qua đó gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của Thủ đô. Song, Đại biểu đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa thuật ngữ Trung tâm công nghiệp văn hóa và Khu thúc đẩy thương mại văn hoá để tránh nhầm lẫn về hạ tầng, cách thức hoạt động, quản lý.

Nhà nước, tư nhân và người dân đều có lợi

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu. (Ảnh: PV)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu. (Ảnh: PV)

Một điểm đáng chú ý khác là dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi áp dụng hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Đồng thời, cụ thể hoá phương thức hợp đồng kinh doanh – quản lý của Luật PPP với công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội – nhấn mạnh, ngày 24/6/2023, QH đã thông qua Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, trong đó cho phép TP được áp dụng PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa. Với quan điểm cho rằng, với TP Hà Nội, hình thức này nên được thực hiện chính thức, bà Phạm Thị Thu Hương tán thành với việc dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định về thực hiện hợp tác công – tư trong lĩnh vực văn hóa. “Nếu chỉ sử dụng ngân sách Nhà nước, các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa sẽ kéo dài thời gian và khó có thể có nhiều dự án lớn, trong khi nhu cầu của xã hội ngày một cao, cả về lượng và chất”, bà Phạm Thị Thu Hương chỉ rõ.

Bên cạnh đó, dù công trình đã hoàn thành nhưng việc quản lý, vận hành, duy trì vẫn đòi hỏi một nguồn lực không nhỏ, cả về nhân lực và tài lực. Trong khi đó, nếu có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân, của xã hội vào các dự án, công trình công trong lĩnh vực văn hóa, thể thao thì việc đầu tư sẽ nhanh chóng, triệt để hơn và có thể thực hiện được nhiều dự án hơn do có thêm nguồn kinh phí; việc vận hành, duy trì cũng sẽ đạt được kết quả tốt hơn. “Kết quả là cả Nhà nước, tư nhân và người dân đều có lợi”, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương nhận định.

Thực tế cho thấy, mô hình hợp tác công – tư đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, triển khai và đem lại hiệu quả. Ở Việt Nam, một số di sản đã thực hiện việc hợp tác này và lợi ích đem lại cho các bên là không thể phủ nhận, như Khu di tích – danh thắng Yên Tử, quần thể di tích Cố đô Huế, quần thể danh thắng Tràng An, Khu Phong Nha – Kẻ Bàng…

Theo bà Phạm Thị Thu Hương, bằng mô hình hợp tác công – tư, chúng ta có khả năng thu hút các nguồn lực, năng lực sáng tạo, chủ động của khu vực tư nhân, sự tham gia của các cộng đồng dân cư trong tạo lập, cải thiện kinh tế gắn với bảo tồn các giá trị di sản. Lợi thế của mô hình này là thúc đẩy sự sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm và lợi ích gắn bó của các bên, cải thiện trách nhiệm giải trình, sự minh bạch, giải quyết vấn đề quản lý khai thác kém hiệu quả, giúp phát triển du lịch di sản theo hướng bền vững.

“Là một cơ sở đào tạo về lĩnh vực văn hóa, chúng tôi mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ có những quy định về cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, “vượt trước” về văn hóa, để mục tiêu “kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô” có thể trở thành hiện thực”, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương.

Tin liên quan

Nghiên cứu đa dạng hoá chính sách ưu đãi thuế - Cập nhật: 22/11/2024 14:13
Công an TP Hồ Chí Minh: Mục tiêu không để tội phạm xảy ra tại bất kỳ cây ATM, ngân hàng nào - Cập nhật: 22/11/2024 08:23
Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Tập trung cho công tác lập pháp - Cập nhật: 20/11/2024 09:01
Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 với nhiều nội dung quan trọng - Cập nhật: 20/11/2024 08:54
Hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu - Cập nhật: 19/11/2024 10:12
Quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Cập nhật: 19/11/2024 08:38
Chung khảo Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính TP Hà Nội năm 2024” Thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức - Cập nhật: 18/11/2024 08:55
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 3: Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật​ - Cập nhật: 18/11/2024 08:36
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 1: Nhận diện vấn đề - Cập nhật: 15/11/2024 10:07
Nhận diện thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động “ly khai”, “tự trị” - Cập nhật: 15/11/2024 10:00