Quy định cụ thể hơn chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số
Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, để quy định cụ thể, rõ ràng hơn chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định tại Điều 16 và Điều 48; bổ sung điểm k khoản 3 Điều 79, khoản 15 Điều 250, khoản 3 Điều 11, điểm i khoản 1 Điều 113, khoản 1 Điều 114. Đồng thời, chỉnh sửa quy định tại Điều 11, khoản 9 Điều 60, Điều 78, khoản 2 Điều 80, khoản 7 Điều 91, Điều 158, Chương IV, Chương VII, Điều 204, Điều 217; bỏ Điều 4 về “áp dụng pháp luật” và Điều 259 trong dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm.
Về căn cứ xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp (khoản 10 Điều 3), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã không còn loại trừ đối tượng hưởng lương từ “tổ chức chính trị xã hội” khi xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, quy định tại dự thảo Luật vẫn có sự khác nhau so với quy định hiện hành khi loại trừ đối tượng được hưởng lương từ “tổ chức kinh tế”; dẫn đến những người này sẽ không còn là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi bị thu hồi đất nông nghiệp.
Liên quan đến thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79), Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có ưu điểm bảo đảm sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng. Tuy nhiên, việc liệt kê quá cụ thể, chi tiết các dự án, công trình thu hồi đất có nhược điểm khó bảo đảm bao quát, đầy đủ. Trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng cách tiếp cận theo hướng liệt kê các trường hợp như hiện nay chưa làm rõ được sự cần thiết của các dự án, công trình này theo tinh thần Điều 54 Hiến pháp năm 2013.
Không nên gắn việc thu hồi đất với đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư
Xét về tổng thể, dự thảo Luật đã có bước tiến rất dài, nhiều vấn đề lớn được tập trung giải quyết. Nhấn mạnh tinh thần kiến tạo phát triển kinh tế – xã hội từ dự luật đặc biệt này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Kinh tế và các Ủy ban khác của Quốc hội tập trung, quan tâm hơn nữa để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Đi vào nội dung cụ thể, cho ý kiến về thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá đây là vấn đề khó trong các lần sửa đổi Luật Đất đai. Nếu lựa chọn quy định liệt kê hết các trường hợp nào thu hồi đất thì “sẽ không cách nào liệt kê hết được, càng liệt kê thì càng thiếu, rất chi tiết nhưng vẫn thiếu”.
Chủ tịch Quốc hội gợi ý, nên chăng tiếp cận theo hướng “chọn bỏ”, tức là phương pháp loại trừ, trừ những trường hợp áp dụng hình thức thỏa thuận còn lại là Nhà nước thu hồi đất. Bên cạnh đó, có thể quy định thêm các nguyên tắc thu hồi đất đó phải trong quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; đưa ra các trường hợp bị nghiêm cấm. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, không nên gắn việc thu hồi đất với đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà nên tách riêng hai vấn đề để tránh chồng chéo.
Thống nhất với nhiều nội dung trong Báo cáo của Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, đây là dự án Luật rất lớn, có nhiều nội dung phức tạp, liên quan đến quy định của nhiều Luật và dự thảo Luật hiện đang được Quốc hội xem xét sửa đổi. Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật trong hệ thống pháp luật là vấn đề khó, đòi hỏi sự theo dõi sát sao và cập nhật thường xuyên.
Từ Điều 251 đến Điều 261 dự kiến sửa đổi, bổ sung đối với 12 luật, đồng thời bỏ điều về áp dụng pháp luật. Bày tỏ nhất trí với nguyên tắc của việc sửa đổi như dự thảo Luật, tuy nhiên, về nội dung cụ thể của các điều, khoản, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục rà soát thực sự kỹ lưỡng.
Lấy ví dụ liên quan đến Luật Công chứng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, đối với vấn đề các giao dịch hợp đồng nào liên quan đến quyền sử dụng đất phải công chứng, chứng thực thì khoản 3 Điều 27 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định “Người sử dụng đất khi thực hiện các quyền theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực và pháp luật khác có liên quan”. Phương án này là chưa ổn, không đồng bộ, bởi Luật Công chứng là luật hình thức, không quy định cụ thể loại hợp đồng giao dịch nào phải công chứng mà đây là vấn đề của luật chuyên ngành. Hiện nay, toàn bộ hệ thống pháp luật cũng tiếp cận theo hướng này, nếu quy định như dự thảo Luật là rất khác. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị phải đánh giá lại toàn bộ chế định này, nên kế thừa tinh thần của Luật Đất đai hiện hành để rà soát và quy định cụ thể hơn trong dự thảo Luật.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ủy ban Kinh tế, cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Nhân dân, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội để chuẩn bị hồ sơ dự án Luật với chất lượng tốt nhất, xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Sau đó, hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tới.