Đức Trọng, Lâm Đồng: Dấu hiệu ngang nhiên khai thác khoáng sản, quặng vàng trái phép

Cập nhật: 13/01/2022 10:28

Dọc đường liên xã đoạn qua xã Đà Loan (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), nhiều khu vực khai thác khoáng sản, quặng vàng hoạt động rầm rộ ngay giữa ban ngày, nằm cạnh khu dân cư.

Một khu vực khai thác đang được san lấp hoàn nguyên mặt bằng.

Khu vực các xã Đà Loan, Đạ Quyn, Tà Năng thuộc huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) lâu nay được biết đến là vùng đất có nhiều khoáng sản quý hiếm, trong đó có vàng. Việc đào đãi vàng dọc các ngọn núi, con suối đã diễn ra từ lâu. Thời gian gần đây mặc dù cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã tăng cường siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản nhưng tình trạng lợi dụng san gạt để khai thác khoáng sản vẫn diễn ra công khai.

Từ nguồn tin riêng của Báo PLVN, nhóm PV đã có mặt tại xã Đà Loan để ghi nhận phản ánh “ngang nhiên khai thác vàng trái phép”. Chỉ khoảng chưa đầy 60 phút di chuyển dọc theo đường nhựa liên xã, có điểm đứng ngay lề đường, có điểm chỉ đi sâu vào vài trăm mét từ trục đường chính, chúng tôi ghi nhận ít nhất 4 điểm có dấu hiệu khai thác khoáng sản, quặng vàng tự phát, hoặc chưa được cấp phép.

Đức Trọng, Lâm Đồng: Dấu hiệu ngang nhiên khai thác khoáng sản, quặng vàng trái phép ảnh 1
Hoạt động khai thác khoáng sản, quặng vàng diễn ra rầm rộ dọc sông Đạ Quyn.

Quan sát từ trên cao xuống, dễ dàng nhận thấy 3 khu vực khai thác khoáng sản nằm ngay sát khu dân cư, chạy dọc sông Đạ Quyn đoạn chạy qua hai thôn Đà Giang, Đà Thuận. Các bãi đất bị máy móc đào xới nham nhở, nhiều hố sâu với kênh đào chằng chịt; có nơi máy móc, lao động đang đào, đãi khoáng sản. 3 khu vực này nằm dọc theo đường liên xã khoảng 3km, tổng diện tích ước tính khoảng 4-5 hecta.

Theo ghi nhận thực tế, khu vực thứ nhất nằm ngay sau cửa hàng xăng dầu Phương Nam (thôn Đà Giang), rộng khoảng 1hecta. Theo tìm hiểu là của một người địa phương khai thác khoảng nửa năm nay. Thời điểm có mặt tại khu vực trên, PV nhận thấy có 2 máy múc cùng nhiều nhân công đang hoạt động đào xới đất đá. Xung quanh là các hồ nước với nhiều loại máy móc, ống nước chằng chịt. Lán trại, xăng dầu dự phòng cũng được tập kết tại hiện trường.

Đức Trọng, Lâm Đồng: Dấu hiệu ngang nhiên khai thác khoáng sản, quặng vàng trái phép ảnh 2

Khu vực thứ hai nằm ngay cạnh khu vực một, nếu đi theo đường liên xã, lối vào khu đối diện nhà thờ Đà Loan được che bằng lưới đen. Khu vực này rộng khoảng 3-4 hecta, hiện đang được san lấp trả lại mặt bằng. Một người dân địa phương cho biết, khu vực này khai thác khoáng sản chừng 2 năm nay, hiện đã dừng, đang được san lấp hoàn nguyên.

Cách đó vài trăm mét là một khu vực khác đang diễn ra hoạt động khai khoáng rộng chừng 1 hecta, nằm sau vườn ươm Bảo Ngọc, rẽ vào từ cầu Bà Bống, thuộc thôn Đà Thuận. Tại thời điểm ghi nhận hiện trường có 3 máy múc đang cào bỏ lớp đất bề mặt để khai thác khoáng sản bên dưới. Nhiều khu vực xung quanh đã hình thành các hố sâu, có chỗ lộ ra lớp đá được cho là có chứa kim loại quý.

Đức Trọng, Lâm Đồng: Dấu hiệu ngang nhiên khai thác khoáng sản, quặng vàng trái phép ảnh 3

Cũng nằm dọc sông Đạ Quyn, đoạn chảy qua thôn Đà Thanh lại là một điểm khai thác khoáng sản khác hoạt động nhiều năm qua. Toàn bộ khu vực bị tác động rộng hàng ngàn m2. Thời điểm tiếp cận hiện trường khu “mỏ”, việc khai thác quặng ở đây vẫn đang hoạt động. Vị trí mới mở mỏ có diện tích rộng hàng nghìn m2, cách suối Đạ Quyn khoảng 50m. Dấu tích tại hiện trường cho thấy, nhiều vị trí khác tại khu vực này đã được hoàn nguyên sau khi khai thác. Từ trên cao nhìn xuống, khu vực này bị đào xới, phân chia thành các khu ao hồ, với đủ loại màu sắc của đất, cát sỏi, được đào bới để phục vụ đãi tuyển quặng vàng.

Theo người dân địa phương và những người làm nghề khai thác khoáng sản thì với hiện trạng như trên cộng với sự có mặt của các thiết bị như máy bơm nước, băng chuyền, máng đãi khoáng sản, có thể những khu vực trên đang diễn ra hoạt động khai thác quặng vàng.

Đức Trọng, Lâm Đồng: Dấu hiệu ngang nhiên khai thác khoáng sản, quặng vàng trái phép ảnh 4

Theo đó, sau khi cào bỏ lớp đất bề mặt sâu khoảng 5-7m sẽ đến lớp đá; lớp đá này sau khi đào lên sẽ được cào bỏ, sàng lọc dần còn lại lớp sa khoáng có thể lẫn vàng. Tới công đoạn này, người khai thác có thể dùng thuỷ ngân để cô dính kim loại lại với nhau. Tiếp đó tạp chất này được đem nấu để tách thuỷ ngân lấy vàng (thuỷ ngân cháy còn lại vàng).

Điểm giống nhau của các điểm khai thác khoáng sản nói trên ở xã Đà Loan đều giống nhau ở chỗ diễn ra công khai ngay giữa ban ngày, nằm giữa khu dân cư và giáp sông Đạ Quyn. Tổng diện tích đất bị tác động làm biến đổi địa hình rộng hàng chục nghìn m2. Cũng theo quan sát trực quan, nguồn nước phục vụ đào đãi khoáng sản được thải trực tiếp ra sông Đạ Quyn.

Báo PLVN sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để làm rõ các vấn đề liên quan.

Toàn tỉnh có 96 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực

Theo Phòng Quản lý khoáng sản – Tài nguyên nước (Sở TNMT Lâm Đồng), toàn tỉnh hiện nay có 96 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, trong số này, Bộ TNMT cấp 6 giấy phép khai thác các loại khoáng sản như: cao lanh, bauxit, đá ốp lát. Còn lại 90 giấy phép do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp, chủ yếu khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Trước tình hình khai thác khoáng sản, khai thác nguồn tài nguyên nước trái phép, không phép xảy ra nhiều nơi trong tỉnh gần đây, cụ thể là việc khai thác khoáng sản như cát, đá, đất san lấp, khai thác vàng, cao lanh, san gạt, cải tạo mặt bằng, lợi dụng việc san, gạt mặt bằng để khai thác khoáng sản, lấn chiếm sông, suối, ao, hồ, san lấp ngăn dòng chảy, gây ảnh hưởng đến môi trường…, ngành TNMT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng cũng như các quy định của pháp luật.

Trong tháng 8/2021, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 4/8/2021 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở TNMT và Công an tỉnh trong quản lý, bảo vệ, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.

Năm 2021, nhiều huyện, thành trong tỉnh đã tăng cường kiểm tra, xử lý không ít các vụ vi phạm trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước. Với cấp tỉnh, ở lĩnh vực khoáng sản, đã xử phạt 5 đơn vị, tổng số tiền phạt 1,5 tỷ đồng với các hành vi khai thác ngoài ranh, vượt độ sâu, vượt công suất, không lắp đặt trạm cân và camera giám sát, không báo cáo định kỳ; còn ở lĩnh vực tài nguyên nước, các đơn vị chức năng cũng xử lý vi phạm 4 đơn vị với số tiền phạt 1 tỷ đồng vì khai thác nước, xả nước thải không có giấy phép.

theo Bách Tùng – Mai Long – Báo Pháp luật Việt Nam

Tin liên quan