Giải ngân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia chậm, có tâm lý sợ trách nhiệm

Cập nhật: 30/10/2023 13:38

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, việc giải ngân thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, có tình trạng đùn đẩy, né tránh, tâm lý sợ trách trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. (Ảnh: DUY LINH)

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đồng thời với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, có phạm vi rộng, cùng với những yêu cầu đổi mới.

Việc xác định nội dung trọng tâm là giám sát, đánh giá tiến trình chính sách và công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện là hướng đi đúng đắn, nhất là trong bối cảnh các chương trình đang bị chậm tiến độ theo mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Đoàn giám sát đã thành lập, phân công tổ giúp việc, các tổ, đoàn công tác, tiến hành giám sát trực tiếp Chính phủ, 11 bộ, ngành và 15 tỉnh đại diện cho các vùng, miền và mức độ thụ hưởng các chương trình.

Nguồn vốn đầu tư phát triển phân bổ chậm, tỷ lệ đối ứng cao

Trình bày cụ thể các kết quả giám sát về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết cho biết, chương trình được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021, có tổng kinh phí tối thiểu là 196.332 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng còn một số bất cập, điển hình là nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương phân bổ chậm, tỷ lệ đối ứng còn cao gây khó khăn cho một số địa phương, nhất là các tỉnh nghèo.

Giải ngân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia chậm, có tâm lý sợ trách nhiệm ảnh 1
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày báo cáo. (Ảnh: DUY LINH)

Tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 còn chậm so với yêu cầu, nhất là vốn sự nghiệp, đến 30/6/2023 mới giải ngân được 9,17% kế hoạch vốn của năm.

Việc huy động nguồn lực người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới hạn chế, chủ yếu là từ góp công lao động và hiến đất làm đường.

Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững; một số địa phương thiếu quyết liệt và có dấu hiệu chững lại trong chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới…

Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, chương trình được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/2021/QH15, có tổng vốn tối thiểu là 75 nghìn tỷ đồng.

Đến tháng 9/2022, đây là chương trình đầu tiên trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện ở cấp Trung ương. Các địa phương đã cơ bản ban hành đầy đủ văn bản theo quy định. Việc lập, giao kế hoạch vốn thực hiện chương trình tuân thủ theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, báo cáo giám sát cũng nêu rõ tồn tại, hạn chế, đó là việc phân bổ ngân sách trung ương còn chậm; một số địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng thấp; việc lồng ghép vốn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 (đến 31/1/2023) đạt 35,63% kế hoạch (vốn đầu tư phát triển đạt 45% kế hoạch; vốn sự nghiệp đạt 6,39% kế hoạch); giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đạt 53% kế hoạch; giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2023 đến tháng 6/2023 đạt 6,53%; giải ngân vốn đầu tư công ước đến 31/8/2023 đạt 31,9% kế hoạch.

Giải ngân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia chậm, có tâm lý sợ trách nhiệm ảnh 2
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội sáng 30/10. (Ảnh: DUY LINH)

Việc phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân vào công tác giảm nghèo còn chưa thực chất. Tại các huyện nghèo mới chỉ quan tâm đánh giá việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, chưa đánh giá thực chất mức tăng thu nhập bình quân đầu người hằng năm. Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm chưa thực sự phản ánh đầy đủ các tác động của Chương trình…

Về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, có kinh phí tối thiểu làm tròn là 137.664 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc phân bổ vốn trung ương chậm, dẫn đến đối tượng thực hiện của một số chính sách, ở một số địa phương có sự thay đổi, không còn phù hợp. Việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, cá nhân và đóng góp của người dân gặp nhiều khó khăn, đạt kết quả thấp so với các năm trước.

Nhiều tỉnh nghèo, ngân sách phụ thuộc vào Trung ương bố trí vốn đối ứng đạt thấp. Kết quả giải ngân đạt thấp, từ năm 2022 đến tháng 6/2023 giải ngân khoảng 18,9% so với kế hoạch trung hạn.

Giải ngân vốn sự nghiệp là vấn đề rất đáng quan tâm, năm 2022 giải ngân đạt 5,2%, năm 2023 (đến 30/6) giải ngân được 3,9% kế hoạch năm. Do đó, chương trình khó có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân đến hết năm 2025.

Năng lực của một bộ phận cán bộ còn hạn chế khi thực hiện

Giải ngân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia chậm, có tâm lý sợ trách nhiệm ảnh 3
Các đại biểu tham dự phiên họp của Quốc hội sáng 30/10. (Ảnh: DUY LINH)

Theo Đoàn giám sát, đây là lần đầu tiên thực hiện cơ chế, quản lý, chỉ đạo chung 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và nhiều yêu cầu về đổi mới cơ chế quản lý, nội dung tiếp cận xây dựng chính sách nên không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng về chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Việc Trung ương chưa cụ thể hóa được cơ chế đặc thù, mất nhiều thời gian để ban hành văn bản hướng dẫn đã làm chậm tiến độ thực hiện các chương trình.

Bên cạnh đó, năng lực thực tiễn của một bộ phận cán bộ, công chức tham mưu, xây dựng văn bản, chính sách; quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình còn hạn chế về số lượng và chất lượng, nhất là cấp huyện, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, theo ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, có tình trạng đùn đẩy, né tránh, tâm lý sợ trách trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, nhất là cơ sở pháp lý để thực hiện một số chính sách còn chưa rõ ràng, đồng bộ.

Đoàn giám sát đã đưa ra 4 bài học kinh nghiệm, đồng thời nêu một số kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội, đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, địa phương.

Cho phép kéo dài nguồn vốn thực hiện đến hết năm 2024

Giải ngân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia chậm, có tâm lý sợ trách nhiệm ảnh 4
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội sáng 30/10. (Ảnh: DUY LINH)

Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội theo chức năng nhiệm vụ tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp.

Cân đối, bố trí đủ ngân sách theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia; cho phép kéo dài nguồn vốn được phân bổ năm 2023 chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến 31/12/2024.

Giao Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nội dung liên quan đến các Chương trình mục tiêu quốc gia và lĩnh vực dân tộc.

Trong đó tập trung vào việc thí điểm phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; đề xuất, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của các Chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh lãng phí, tiêu cực.

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan: Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thành trong năm 2023 rà soát, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, khó thực hiện thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sớm vốn tồn đọng do giải ngân chậm; có cơ chế đặc thù về vốn thực hiện các Chương trình cho các tỉnh khó khăn miền núi. Tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, bức xúc về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phát huy vai trò nòng cốt trong việc tổ chức các phong trào thi đua thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường giám sát và phản biện xã hội trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, ý nghĩa, nội dung các chương trình; tăng cường vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân; sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tin liên quan