Giải pháp trị “tham nhũng vặt”

Cập nhật: 29/02/2024 15:22

​Hiện nay, “tham nhũng vặt” vẫn còn đang diễn ra ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực, nhiều nhất là trong cơ quan hành chính và các cấp chính quyền ở cơ sở, có nơi xem nó là thông lệ, thói quen khiến nhiều người không cảm thấy xa lạ, dễ chấp nhận. Nó liên quan đến những món quà biếu, hối lộ bằng tiền, “văn hóa phong bì”, lót tay, bôi trơn nhằm đạt được lợi ích không công bằng hoặc trái với quy định của pháp luật.

Ảnh minh hoạ.

Một số ngành, lĩnh vực có biểu hiện “tham nhũng vặt” như: Giải quyết thủ tục hành chính (cấp đổi sổ đỏ, các hoạt động hộ tịch, hộ khẩu…), y tế (bố trí được khám nhanh, khám sớm), giáo dục (việc chạy trường, chạy lớp, phí chống trượt…), quản lý trật tự giao thông, công tác cán bộ, thực hiện các hoạt động xã hội, chế độ chính sách (trợ cấp khó khăn, thiên tai, bão lụt…). Do đó, “tham nhũng vặt” không chỉ tác động tiêu cực, lâu dài đến chất lượng quản lý nhà nước mà còn hủy hoại phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức.

“Tham nhũng vặt” có đặc điểm chung của tham nhũng, đều là biểu hiện của sự tha hóa quyền lực, đạo đức công vụ. Dấu hiệu đặc trưng chung của hành vi tham nhũng là hành vi được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn; đã lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ được giao; có mục đích, động cơ vụ lợi. Trong đó, động cơ vụ lợi của hành vi “tham nhũng vặt” là hướng đến để chiếm đoạt giá trị vật chất không lớn nhưng gây bức xúc lớn trong đời sống xã hội.

“Tham nhũng vặt” có đặc điểm là người vi phạm thường không có chức vụ cao; số lượng tiền, tài sản chiếm đoạt không lớn; hành vi diễn ra thường xuyên, lặp đi lặp lại nhiều lần. “Tham nhũng vặt” là hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức nhưng chưa đến mức phải khởi tố hình sự. “Tham nhũng vặt” tồn tại nhiều ở cấp cơ sở như xã, phường, thị trấn hoặc ở các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện; tập trung ở những cá nhân trực tiếp quan hệ với công dân, doanh nghiệp. Nhiều trường hợp cán bộ, công chức có hành vi “tham nhũng vặt” nhưng chậm bị xử lý hoặc xử lý thiếu kiên quyết nên dẫn đến “nhờn luật”, do đó hành vi “tham nhũng vặt” ngày càng biến tướng, tinh vi hơn.

“Tham nhũng vặt” gây ra nhiều hệ lụy xấu, làm mất lòng tin của Nhân dân, “bóp méo” chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước và kiềm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội… Mặc dù, các cấp chính quyền địa phương đã công khai địa điểm để cá nhân, tổ chức phản ánh tình trạng “tham nhũng vặt”, thậm chí có cơ quan, đơn vị, địa phương quy định các hình thức khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức nếu phản ánh hành vi “tham nhũng vặt” nhưng chưa phát huy hiệu quả tích cực. Bởi vì, “tham nhũng vặt” thường rất kín kẽ, khó phát hiện, khó tìm ra chứng cứ để xử lý; biểu hiện vòi vĩnh, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức thường kín đáo, thỏa thuận ngầm hoặc tự ngầm hiểu khi cá nhân, tổ chức liên hệ giải quyết công việc.

Để ngăn chặn hành vi “tham nhũng vặt” cần phải nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và phải biết nói không với “tham nhũng vặt”. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thường xuyên đấu tranh, ngăn chặn và loại bỏ những cán bộ, công chức có hành vi “tham nhũng vặt” hoặc kịp thời điều chuyển, bố trí công tác khác đối với cán bộ, công chức có dư luận phản ánh liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu các hình thức xử lý kỷ luật nếu để cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi “tham nhũng vặt”. 

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thiết lập các “kênh” tiếp nhận phản ánh hành vi “tham nhũng vặt” của cán bộ, công chức; đồng thời, thực hiện có hiệu quả công tác bảo mật, bảo vệ và khen thưởng xứng đáng đối với người phản ánh hành vi “tham nhũng vặt”. Ngoài ra, cần phải kiên quyết xử lý nghiêm đối với cá nhân, tổ chức cố tình “đút lót”, “mua chuộc” cán bộ, công chức khi thực hiện các thủ tục hành chính để được việc, trôi việc.

theo Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN

 Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/giai-phap-tri-tham-nhung-vat-1709172994.html

Tin liên quan