Hoàn thiện quy định về giám sát đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi

Cập nhật: 23/09/2024 12:12

Trong tố tụng hình sự, khi tiến hành thủ tục tố tụng đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, bên cạnh việc xem xét áp dụng các biện pháp ngăn chặn, người tiến hành tố tụng còn xem xét áp dụng biện pháp giám sát đối với người này. Trên thực tế, việc áp dụng biện pháp giám sát nói chung chưa thật sự phổ biến, nhưng nếu được áp dụng, biện pháp này sẽ mang lại hiệu quả cao trong quản lý, giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi. Hiện nay, quy định của pháp luật về biện pháp này nhìn chung còn chưa đầy đủ, còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện.

Ảnh minh hoạ.

Quy định về giám sát đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi

Biện pháp giám sát đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi được quy định tại Điều 418 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH. Theo đó, một số điểm đáng chú ý là:

– Chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp giám sát: Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.

– Chủ thể được giao giám sát: Người đại diện của người bị buộc tội dưới 18 tuổi. Theo đó, người đại diện của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi được xác định theo thứ tự sau đây: Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, người giám hộ và người do Tòa án chỉ định.

– Mục đích áp dụng: Bảo đảm sự có mặt của người bị buộc dưới 18 tuổi khi có giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

– Nội dung giám sát: Giám sát chặt chẽ, theo dõi tư cách, đạo đức và giáo dục người bị buộc tội dưới 18 tuổi.

Trường hợp người dưới 18 tuổi có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này hoặc tiếp tục phạm tội thì người được giao nhiệm vụ giám sát phải kịp thời thông báo và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Trường hợp người đại diện được giao nhiệm vụ giám sát vi phạm nghĩa vụ giám sát mà để người bị buộc tội dưới 18 tuổi bỏ trốn hoặc thực hiện các hành vi khác quy định tại khoản 2 Điều 418 Bộ luật Tố tụng hình sự thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị thay đổi hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Một số hạn chế, bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Về chủ thể được giao giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi

Theo đó, chủ thể được giao giám sát theo quy định hiện nay là “người đại diện của họ”. Quy định này hướng đến cá nhân là người đại diện của người bị buộc tội dưới 18 tuổi. Người đại diện được xác định là cha, mẹ, người giám hộ và người do Tòa án chỉ định. Nếu trong trường hợp không xác định được người đại diện (không xác định được cha, mẹ, người giám hộ và Tòa án chưa cử người đại diện) hoặc có tranh chấp về người đại diện thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không thể áp dụng biện pháp giám sát đối với người đó. Lúc này, liệu có thể giao cho một tổ chức nào đó có đủ điều kiện để thực hiện việc giám sát hay không?

Tác giả cho rằng điều này là hoàn toàn có thể, chỉ cần quy định rõ điều kiện và nhóm tổ chức nào có thể thực hiện nghĩa vụ này. Lúc này, sẽ bảo đảm được mọi trường hợp nếu xét thấy cần thiết đều có thể áp dụng biện pháp giám sát đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội. Ngoài ra, hiện nay pháp luật chưa có quy định về điều kiện của người đại diện có thể được giao giám sát, do đó, có thể hiểu cứ là người đại diện thì sẽ có thể được giao giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi. Theo tác giả nên quy định một số điều kiện nhất định nhằm bảo đảm cho việc giám sát, giáo dục đạt kết quả cao (có thể là một số điều kiện liên quan đến sức khỏe, độ tuổi, điều kiện tác động…) và phòng ngừa trường hợp bao che, giúp người bị buộc tội dưới 18 tuổi thực hiện các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 418 BLTTHS.

Về việc áp dụng và hủy bỏ biện pháp giám sát

Theo khoản 1 Điều 418 BLTTHS và TTLT số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH thì các cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định giao người bị buộc tội dưới 18 tuổi không bị áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam cho người đại diện của họ giám sát. Như vậy, hình thức văn bản được quy định là “quyết định” nhưng hiện nay, chưa có biểu mẫu quyết định này để bảo đảm đầy đủ, chính xác nội dung và thực hiện thống nhất trong các cơ quan tiến hành tố tụng. Tiếp theo, nếu như quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn do Cơ quan điều tra áp dụng phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn thì ở biện pháp giám sát này lại không có quy định. Biện pháp này cũng không thuộc hệ thống các biện pháp ngăn chặn nên không thể áp dụng tương tự.

Do đó, hiện nay nếu Cơ quan điều tra ra quyết định giao người bị buộc tội dưới 18 tuổi cho người đại diện giám sát thì quyết định này không cần phê chuẩn của Viện kiểm sát, điều này là không bảo đảm tố tụng và không bảo đảm quyền, lợi ích của người bị buộc tội. Vì vậy, cần quy định mẫu “Quyết định giao người bị buộc tội dưới 18 tuổi để giám sát” nhằm thực hiện thống nhất chung. Bổ sung quy định “Quyết định của Cơ quan điều tra phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành, trình tự, thủ tục áp dụng như đối với biện pháp ngăn chặn”.

Về việc hủy bỏ biện pháp giám sát, biện pháp giám sát hướng đến mục đích bảo đảm sự có mặt của người bị buộc tội dưới 18 tuổi khi có giấy triệu tập của các cơ quan tiến hành tố tụng. BLTTHS quy định việc áp dụng nhưng lại không quy định về hủy bỏ hay thời hạn của biện pháp này. Do đó, việc thực hiện trên thực tế còn rất khó khăn, các cơ quan tiến hành tố tụng không biết phải ghi thời hạn của quyết định này như thế nào trong văn bản, không biết hình thức hủy biện pháp giám sát khi xét thấy mục đích của biện pháp đã đạt được hoặc không cần thiết phải tiếp tục áp dụng. Do đó, cần có quy định hướng dẫn về vấn đề này theo hướng quy định “Thời hạn giao người bị buộc tội dưới 18 tuổi để giám sát không quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật này. Trường hợp xét thấy không cần thiết tiếp tục giám sát thì người đã ra quyết định giám sát ra quyết định hủy bỏ quyết định giám sát. Quyết định hủy bỏ quyết định giám sát phải gửi ngay cho người được giao giám sát”.

Về phạm vi giám sát

Người được giao giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi có nghĩa vụ “giám sát chặt chẽ, theo dõi tư cách, đạo đức, giáo dục người đó”. Quy định này quá chung chung và quá nhiều nội dung cần phải giám sát mà người giám sát cần phải thực hiện. Người giám sát không phải người luôn luôn theo sát, kề cạnh và theo dõi người bị buộc tội dưới 18 tuổi, họ vẫn phải sinh hoạt, lao động và những mối quan tâm khác. Do đó, việc quy định như trên tạo ra một “gánh nặng” và làm giảm hiệu quả giám sát của người được giao giám sát, dẫn đến tình trạng phân tán, không tập trung vào một số mặt, một số nội dung giám sát. Nội hàm cụm từ “giám sát chặt chẽ” là chung chung, theo đó, phải giám sát mọi mặt, mọi cử chỉ, hành động, lời nói, tâm lý, tình cảm, suy nghĩ của người bị giám sát; “tư cách, đạo đức” là những thứ bên trong, có nhiều chuẩn mực khác nhau nên rất khó đánh giá. Do đó, cần thay đổi quy định, cụ thể những mặt, những vấn đề mà người giám sát cần giám sát. Theo tác giả, đó chính là những vấn đề quy định tại đoạn 2, khoản 2 Điều 418 BLTTHS.

Về việc áp dụng biện pháp giám sát đồng thời với các biện pháp ngăn chặn

Việc áp dụng biện pháp giám sát bên cạnh mục đích bảo đảm sự có mặt của người bị buộc tội theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng thì thông qua quy định tại khoản 2 Điều 418 BLTTHS có thể thấy còn có mục đích khác là ngăn chăn người này bỏ trốn, mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật, tẩu tán tài sản, đe dọa, khống chế… Mục đích này có phần giống với mục đích áp dụng các biện pháp ngăn chặn, riêng đối với biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú thì mục đích là giống hệt nhau.

Do đó, vấn đề đặt ra là có áp dụng đồng thời biện pháp giám sát và biện pháp ngăn chặn (biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú) hay không? Có quan điểm cho rằng có thể áp dụng đồng thời biện pháp giám sát và biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú vì mặc dù mục đích giống nhau nhưng cách thức, trình tự và bản chất của hai biện pháp này là khác nhau; việc áp dụng hai biện pháp đồng thời không ảnh hưởng đến cả hai biện pháp mà còn tăng hiệu quả, bảo đảm chắc chắn đạt được mục đích khi áp dụng. Có quan điểm cho rằng không áp dụng đồng thời hai biện pháp này bởi khi đã áp dụng một trong hai biện pháp thì mục đích chung đã được bảo đảm nên không cần thiết áp dụng biện pháp còn lại, việc này chỉ gây rườm rà và phức tạp cho thủ tục tố tụng.

Theo tác giả, việc áp dụng biện pháp giám sát không ảnh hưởng đến việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và hoàn toàn có thể áp dụng song song, đồng thời biện pháp giám sát và cấm đi khỏi nơi cư trú. Mặc dù mục đích là giống nhau, song hai biện pháp này lại có nhiều nội dung khác nhau, trong đó quan trọng nhất là chủ thể thực hiện giám sát (một bên là người đại diện, một bên là chính quyền địa phương) và chế tài nếu vi phạm. Do đó, nếu xét thấy cần thiết, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn áp dụng cả hai biện pháp nhưng để thống nhất, đề nghị liên ngành tư pháp trung ương có hướng dẫn kịp thời về vấn đề này.

theo VĂN LINH

Toà án quân sự Khu vực Quân chủng hải quân – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/hoan-thien-quy-dinh-ve-giam-sat-doi-voi-nguoi-bi-buoc-toi-la-nguoi-duoi-18-tuoi-1727016512.html

Tin liên quan

Ủy ban Tài chính – Ngân sách thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật - Cập nhật: 03/10/2024 13:42
Đồng Nai: Công ty Cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa phản hồi gì sau thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ? - Cập nhật: 30/09/2024 08:48
Thanh tra, kiểm tra toàn diện hoạt động của những cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ em - Cập nhật: 25/09/2024 10:57
Hoàn thiện quy định về giám sát đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi - Cập nhật: 23/09/2024 12:12
Kiểm soát chặt giấy tờ đi máy bay đối với hành khách nhập cảnh, quá cảnh - Cập nhật: 20/09/2024 14:11
Hàng loạt sai sót tại công trình sửa chữa, nâng cấp hai tuyến hẻm ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh - Cập nhật: 19/09/2024 11:08
Quốc hội xem xét về công tác nhân sự, giám sát, lập pháp tại Kỳ họp thứ 8 - Cập nhật: 18/09/2024 09:56
ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hoạt động thanh tra góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Cập nhật: 16/09/2024 10:40
Tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm, áp dụng hình phạt nghiêm minh - Cập nhật: 13/09/2024 09:53
Thẩm tra việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 - Cập nhật: 11/09/2024 15:47