Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành; các báo cáo viên và 90 đại biểu từ các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khóa XVI…
Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, đây là hội nghị bồi dưỡng đầu tiên Ban Công tác đại biểu tổ chức dành riêng cho đối tượng là những người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách Khóa XVI.
Hội nghị sẽ cung cấp cho các đại biểu những kiến thức cơ bản về: tổ chức và hoạt động của Quốc hội, những yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội; vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, các hoạt động và điều kiện hỗ trợ hoạt động của đại biểu Quốc hội; đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội; pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội; pháp luật về bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm các chức danh tại các cơ quan của Quốc hội; trang bị một số kỹ năng cơ bản cho người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội…
Với sự ủng hộ của Lãnh đạo Quốc hội, sự tham gia nhiệt tình của đại biểu và kinh nghiệm dày dặn, phong phú của các báo cáo viên, Trưởng Ban Công tác đại biểu tin tưởng, Hội nghị sẽ đạt được những mục tiêu quan trọng và thiết thực đã đề ra.
Theo chương trình, trong 1,5 ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu nghe 6 chuyên đề, bao gồm: pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội; tổng quan về Quốc hội và yêu cầu đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội; đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội; pháp luật về bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm các chức danh tại các cơ quan của Quốc hội; kỹ năng xây dựng hình ảnh đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; giới thiệu vận động bầu cử và việc xây dựng chương trình hành động.
Ngay sau khai mạc, các đại biểu đã nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải giới thiệu Chuyên đề 1: Pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội.
Theo đó, từ năm 1946 đến nay, các quy định của pháp luật về bầu cử ở nước ta được hình thành, sửa đổi, bổ sung và ngày càng hoàn thiện hơn. Các bước tiến hành từ khâu chuẩn bị, tổ chức triển khai thực hiện cho đến khi kết thúc đã có những quy định toàn diện, bảo đảm để các cuộc bầu cử được diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, khoa học và tiết kiệm. Trước tháng 9.2015, có 2 luật riêng là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Đến năm 2015, để thực hiện yêu cầu bầu cử chung, Quốc hội đã thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân có 10 chương, 98 điều quy định về các nội dung cơ bản: nguyên tắc bầu cử, tuổi bầu cử và ứng cử, tiêu chuẩn của người ứng cử, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử; dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu. Luật cũng quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; tuyên truyền, vận động bầu cử; nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu…
Cũng trong sáng nay, Hội nghị đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành trình bày Chuyên đề 2: Tổng quan về Quốc hội và yêu cầu đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Nội dung của Chuyên đề tập trung giới thiệu về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; tổ chức của Quốc hội; yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong tình hình mới.