Hội nghị toàn quốc lần thứ Hai triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV Quyết tâm, song hành đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống

Cập nhật: 07/03/2024 09:55

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ Hai triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội sáng nay, 7.3, các Ủy ban sẽ báo cáo cụ thể dự kiến hoạt động giám sát và một số nội dung thuộc trách nhiệm trong triển khai các luật, nghị quyết thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách, khẳng định quyết tâm của Quốc hội hành động ngay từ khi luật có hiệu lực, đồng hành với Chính phủ, mục tiêu cao nhất là luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Đây là đổi mới cần thiết và phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân.

Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm. Ảnh: Lâm Hiển

Lần thứ hai được tổ chức, Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV được tổ chức tại phòng Thăng Long (Hà Nội) kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu ở địa phương, hứa hẹn sẽ quán triệt những điểm mới, nội dung quan trọng, các nhiệm vụ Quốc hội giao; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, xác định rõ tiến độ và yêu cầu trong tổ chức thi hành luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm. Trên cơ sở đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cử tri và Nhân dân giám sát, theo dõi, đánh giá.

Hội nghị cũng là sự bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, thỏa mong mỏi, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước. Nhất là đối với các luật có ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống Nhân dân như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở, Luật Căn cước…

Giám sát luật, nghị quyết ngay từ khi triển khai

Tại hội nghị lần thứ hai này, các Ủy ban của Quốc hội sẽ báo cáo cụ thể dự kiến hoạt động giám sát và một số nội dung trong triển khai các luật, nghị quyết thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách. Theo đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chuẩn bị báo cáo tham luận về công tác chuẩn bị giám sát việc triển khai Luật Nhà ở; việc tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV; việc theo dõi, đôn đốc Chính phủ thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 về “tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV”; tình hình, tiến độ triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (bao gồm các nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 ngày 22.1.2024 bổ sung Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15)

Thường trực Ủy ban Kinh tế chuẩn bị báo cáo tham luận về công tác chuẩn bị giám sát việc triển khai Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chuẩn bị báo cáo tham luận về công tác chuẩn bị giám sát việc triển khai Luật Căn cước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Song hành với triển khai thi hành của Chính phủ và các bộ, ngành, việc các Ủy ban của Quốc hội giám sát việc triển khai khẳng định quyết tâm của Quốc hội hành động ngay từ khi luật có hiệu lực, sẽ khắc phục được các hạn chế, vướng mắc tại Hội nghị triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội lần thứ Nhất đã chỉ ra, chuẩn bị “từ sớm, từ xa” trong thực thi chức năng giám sát của cơ quan dân cử, đồng hành với Chính phủ, mục tiêu cao nhất là luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Đây là đổi mới cần thiết và phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn cũng như quyết tâm của Quốc hội hành động và trách nhiệm, đồng hành với Chính phủ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân.

“Hiểu pháp luật để sống đúng, sống cống hiến và hạnh phúc”

Quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ ngay từ sớm trong việc triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã đáp ứng đa số tâm tư, nguyện vọng của cử tri và các tầng lớp Nhân dân cả nước. Qua tìm hiểu được biết, có khá nhiều tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch kết nối cầu truyền hình trực tuyến điểm cầu của tỉnh về tận cơ sở, để lan tỏa tinh thần của Hội nghị tới các cán bộ, công chức, viên chức và cử tri trong cả nước. “Với thông điệp hiểu pháp luật để sống đúng, sống cống hiến và hạnh phúc, cán bộ và Nhân dân phường chúng tôi rất mong chờ Hội nghị toàn quốc lần thứ Hai triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội lần này. Đặc biệt, lần này có nội dung Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là đạo luật rất nhân văn, có nhiều nội dung mới thể hiện sự tiếp thu, tôn trọng ý kiến của Nhân dân trong xây dựng luật, đại biểu và cử tri chúng tôi rất mong chờ”, ông Kiều Quang Hà, Phó Chủ tịch HĐND phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.

Theo kế hoạch, có 9 luật và 10 nghị quyết sẽ được Hội nghị quán triệt các điểm mới, nội dung quan trọng, những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm trong việc triển khai, đặc biệt là trong ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết luật, nghị quyết. Điều này cũng đã thể hiện rõ nét Quốc hội, Chính phủ đã tôn trọng, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trong việc sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, nhất là đối với Luật Đất đai (sửa đổi).

“Cùng với triển khai của Trung ương, cử tri chúng tôi hy vọng ở địa phương, cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là HĐND và UBND cũng sẽ tổ chức Hội nghị triển khai thực thi luật, nghị quyết của Quốc hội bài bản, chặt chẽ bằng các hình thức phù hợp để cử tri và Nhân dân hiểu đúng luật để thực thi đúng quy định. Bên cạnh đó, để luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, rất cần sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành trong ban hành văn bản hướng dẫn, sự triển khai kịp thời của UBND các cấp. Tuyên truyền bài bản mà việc triển khai thực hiện chậm thì cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề, đây cũng là “điểm nghẽn” trong triển khai thi hành luật, pháp lệnh mà các kỳ họp Quốc hội đã chỉ ra”, ông Ngô Đức Thái, Cựu chiến binh huyện Hưng Nguyên, Nghệ An bày tỏ.

Song hành với triển khai, lần này Quốc hội chỉ đạo các Ủy ban của Quốc hội giám sát việc triển khai. Đây là đổi mới cần thiết và kịp thời. Để việc giám sát của các Ủy ban hiệu quả, các đoàn ĐBQH và HĐND các cấp cũng cần có kế hoạch cụ thể song hành giám sát việc triển khai luật, nghị quyết tại các địa phương.

Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV được tổ chức mang ý nghĩa to lớn, cũng là sự kiện chính trị đặc biệt, ngày hội pháp luật của toàn dân. Thông điệp “Hiểu pháp luật để sống đúng, sống cống hiến và hạnh phúc” chắc chắn sẽ được lan tỏa mạnh mẽ, cử tri và Nhân dân cả nước tin tưởng, kỳ vọng vào những kết quả tốt đẹp của hội nghị. Tin tưởng sau hội nghị, các văn bản thi hành sẽ sớm được ban hành để luật, nghị quyết đi vào cuộc sống, thỏa mong đợi của cử tri. Cùng với đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần được tăng cường và cụ thể hóa trong chính các kế hoạch thực thi của chính quyền các cấp. Với các hình thức tuyên truyền, phổ biến thích hợp, chính quyền cơ sở sẽ là cầu nối quan trọng để người dân hiểu đúng luật, sống cống hiến và hạnh phúc.

theo BÌNH NGUYÊN – Báo đại biểu nhân dân

Tin liên quan