Huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu trở thành huyện  trọng điểm về kinh tế biển

Cập nhật: 08/12/2023 04:40

 Nhằm thực hiện nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 31/7/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về “xây dựng huyện Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí nâng lên thị xã”, các cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân…

 Nhằm thực hiện nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 31/7/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về “xây dựng huyện Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí nâng lên thị xã”, các cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đang cố gắng phấn đấu từng ngày, quyết tâm để thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Huyện Đông Hải được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế to lớn và là nơi có nhiều tiềm năng phát triển mạnh về biển và kinh tế biển. Đây chính là đòn bẩy được chính quyền và nhân dân nơi đây đặc biệt quan tâm, để từ đó đưa Đông Hải trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia.

Huyện Đông Hải có ngư trường rộng, với chiều dài bờ biển hơn 23km, gồm hai cửa sông lớn Gành Hào và Cái Cùng thông ra biển và một cảng biển, là địa phương có tiềm năng lớn về khai thác, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối cùng với hệ sinh thái rừng ngập mặn thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái ven biển; có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển và vùng ven biển của cả nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng.

Đặc biệt, với những lợi thế từ kinh tế biển, để nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt, sản xuất nuôi trồng thủy sản, những năm qua huyện khuyến khích ngư dân đầu tư phương tiện, ngư lưới cụ hiện đại, phục vụ hoạt động đánh bắt xa bờ; tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi, thuỷ nông nội đồng; đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất mới… từ đó tình hình sản xuất của huyện có bước chuyển biến tích cực. Sản lượng khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản tăng dần hàng năm.

Kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của huyện Đông Hải

     Ông Trần Thanh Mến, Bí thư Huyện ủy cho biết, hơn 20 năm qua, kinh tế của Đông Hải hàng năm đều tăng trưởng. Nếu như năm 2002, tổng sản phẩm xã hội đạt chỉ 1.150 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người 6,8 triệu đồng thì đến cuối năm 2021, tổng sản phẩm xã hội đạt 9.787 tỷ đồng (tăng gấp 8,5 lần so với năm 2002) và bình quân thu nhập đầu người đạt 63,3 triệu đồng (tăng gấp 9,3 lần so với năm 2002).

     Chia sẻ về định hướng và mục tiêu phát triển của huyện Đông Hải, ông Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho biết trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tập trung khai thác tốt tiềm năng và lợi thế kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh – quốc phòng; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống chợ nông thôn. Kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư các dự án phát triển kinh tế -xã hội phù hợp với điều kiện của huyện, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế biển là khâu đột phá để phát triển kinh tế – xã hội của huyện; nâng thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 105 triệu đồng trở lên.

  Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và huyện Đông Hải tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch cho phù hợp; gắn quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội với xây dựng khu vực phòng thủ quốc phòng, an ninh. Tập trung quy hoạch tích hợp các ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Đông Hải như du lịch sinh thái; dịch vụ hậu cần nghề cá; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển và năng lượng tái tạo.

     Huyện Đông Hải sẽ tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, ưu tiên các tuyến đường huyết mạch, các công trình, dự án giảm thiểu tác hại biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhằm phục vụ phát triển kinh tế – hội, nhất là kinh tế biển và hoàn thành các tiêu chí đã đề ra. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện hoàn thành các công trình dự án động lực như: Xây dựng hoàn thành Cảng cá Gành Hào đạt chuẩn loại I, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Rạch Cốc, lập dự án đầu tư xây dựng cầu Vàm Xáng, cụm công nghiệp tại ấp Canh Điền, xã Long Điền Tây,…

     Bên cạnh thực hiện thành công những nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, Đông Hải tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư; vận dụng thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của huyện như nuôi trồng thuỷ sản, khai thác đánh bắt, chế biến thuỷ hải sản, sản xuất con giống, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến muối,…”, ông Trần Tuấn Kiệt nói.

     Là huyện ven biển, xa trung tâm tỉnh lỵ, đi lên trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng sau 20 năm, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và sự năng động, sáng tạo, nỗ lực không ngừng của chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện, Đông Hải đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, vươn lên sánh vai cùng với các địa phương trong tỉnh. Niềm tự hào hôm nay sẽ là động lực để huyện tiếp tục vững bước tiến lên, quyết tâm xây dựng Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển của tỉnh, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

                                                                                                 Hoàng Thanh

Tin liên quan