Luật sư Hoàng Văn Chiển, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:
Trên thị trường giao dịch hiện nay đang có rất nhiều trường hợp kê khai không đúng giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở hay có thể gọi là mua bán đất “hai giá”. Các chủ thể tham gia các hoạt động này đều nhằm giảm số thuế, lệ phí phải nộp.
Để thực hiện mục đích trên, tthực tế Bên mua và Bên bán sẽ lập và ký riêng một văn bản thỏa thuận hoặ/và hợp đồng viết tay không được công chứng/chứng thực và thể hiện giá trị chuyển nhượng thực tế, đúng với giá trị tài snr chuyển nhượng. Sau đó, tiếp tục lập và ký Hợp đồng chuyển nhượng có công chứng/chứng thực với giá trị chuyển nhượng rất thấp. Xét về bản chất, hành vi nêu trên nhằm làm giảm số tiền thuế phải nộp hay gọi cách khác là “trốn” một phần thuế, phí phải nộp cho Nhà nước.
Tại Điều 3, Điều 17 và khoản 4, khoản 5, Điều 143, Luật quản lý thuế năm 2019 quy định:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế.
2. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế là việc nộp đủ số tiền thuế phải nộp, số tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.
14. Rủi ro về thuế là nguy cơ không tuân thủ pháp luật của người nộp thuế dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.”
“Điều 17. Trách nhiệm của người nộp thuế
1. Thực hiện đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật.
2. Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế.”
“Điều 143. Hành vi trốn thuế
4. Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.
5. Sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao
dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.”
Khi thực hiện hành vi như vậy, anh/chị có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Điều 17, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính Phủ quy định các hành vi vi phạm hành chính về thuế, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
Người bị xử phạt còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, đó là buộc nộp đủ số tiền thuế vào ngân sách Nhà nước.
Việc làm nêu trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu thuế của Nhà nước, gây tình trạng thất thu thuế, thiếu hụt ngân sách phục vụ cho quá trình xây dựng, phát triển đất nước cũng như đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội. Tiền thuế để xây dựng trường học, thực hiện các chế độ phúc lợi khác mà bạn cũng như những người thân của bạn đang được hưởng dụng hàng ngày.
Vì vậy, ngoài ra tùy vào số tiền “trốn thuế”, anh/chị có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khung hình phạt tương ứng quy định tại Điều 200, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội trốn thuế với khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù giam.
Trong thời gian vừa qua, thực tế đã rất nhiều trường hợp tương tự đã bị khởi tố, truy tố và xét xử đối với hành vi nêu trên về tội “Trốn thuế”. Mới đây nhất là trường hợp xả ra tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, số tiền “trốn thuế” từ việc kê khai giá trị chuyển nhượng thấp đi trong qúa tình chuyển nhượng quyền sử dụng đất được Cơ quan điều tra xác định lên đến khoảng 500.000.000 đồng.
Vì vậy, hành vi kê, khai giá trị chuyển nhượng bất động sản tại Hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá trị chuyển nhượng thực tế được xác định là hành vi vi phạm pháp luật.