Không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Cập nhật: 23/10/2024 13:18

Bài 1: Nhận diện ‘giả danh trao đổi học thuật’ để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến thăm, làm việc và trao quà động viên Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị ngày 16/10. (Ảnh: Báo QĐND).

LTS: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Đặc biệt, Đảng ta có Nghị quyết số 27-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu – Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh điều này trong bài viết “Xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” rằng “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân”. Do đó, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là một nguyên tắc bất di bất dịch.

Lịch sử đã chứng minh thực chất quyền lực nhà nước pháp quyền tư bản chủ nghĩa thuộc về giai cấp tư sản, chỉ phục vụ cho thiểu số, do đó không thể mang đến quyền lợi chính đáng cho đại đa số Nhân dân, dẫn đến sự bất công, bất bình đẳng xã hội. Trong khi đó, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là Nhà nước của đại đa số Nhân dân lao động, là Nhà nước của Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Cảnh giác luận điệu “giả danh trao đổi học thuật”

Lợi dụng trao đổi học thuật, chia sẻ trên không gian mạng, tham gia ý kiến đóng góp vào “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đưa ra nhiều quan điểm, luận điệu nhằm phê phán, bác bỏ, phủ nhận vai trò, tính chất pháp quyền của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Họ cho rằng, nhà nước pháp quyền là giá trị tiến bộ đã được các nước tư bản vận dụng, xây dựng, thực hiện từ lâu, bây giờ Việt Nam đặt lại vấn đề xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa (TBCN). Họ ra sức xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, chỉ có “đảng trị” chứ không có tính pháp quyền “pháp trị”, “xã hội không có tự do, dân chủ, nhân quyền”, “nếu có nhân quyền chỉ là hình thức”. Sau đó, họ đi đến kết luận “chỉ có nhà nước pháp quyền TBCN, không có khái niệm nhà nước pháp quyền XHCN”. Đồng thời, một số phần tử cơ hội chính trị, phần tử bất mãn lớn tiếng kêu gọi “thoát li vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam cả về lý luận và thực tiễn; có như vậy thì những giá trị tiến bộ về quyền cơ bản của con người mới được thừa nhận, tôn trọng và thực hiện”…

Nếu không đề cao cảnh giác, các luận điệu “giả danh trao đổi học thuật” có thể gây ra những tác động tiêu cực đến nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng về quá trình lãnh đạo của Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức và hiểu đúng bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là hết sức quan trọng. Một khi đã có nhận thức đúng đắn, không ai có thể phủ nhận vai trò lãnh đạo tất yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hiểu rõ bản chất nhà nước pháp quyền XHCN

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 02/3/1946 có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử phát triển Nhà nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. (Ảnh tư liệu: media.quochoi.vn)
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 02/3/1946 có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử phát triển Nhà nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. (Ảnh tư liệu: media.quochoi.vn)

Trước tiên, cần khẳng định nhà nước pháp quyền là một giá trị phổ quát của văn minh nhân loại. Học thuyết Nhà nước pháp quyền không chỉ có những tư tưởng của các triết gia tư sản mà còn có cả sự đóng góp của những nhà kinh điển chủ nghĩa xã hội khoa học. C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin dù không chính thức nói đến nhà nước pháp quyền như là một trong những nội dung chính yếu trong học thuyết của mình nhưng các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác – Lênin luôn quan tâm đến nhà nước và cách mạng, nhà nước và pháp luật. Sự phổ biến của nhà nước pháp quyền thể hiện rõ nhất trong Hiến pháp ở các quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của Oceana’s Constitutions of the Countries of the World Online, trong số 125 Hiến pháp của các quốc gia trên thế giới thì 95 Hiến pháp sử dụng khái niệm Nhà nước pháp quyền. Do vậy, một số ý kiến cho rằng nhà nước pháp quyền chỉ có ở các nước tư bản là hoàn toàn phiến diện và sai lầm.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo nhân dân ta giành chính quyền, xây dựng nhà nước và pháp luật kiểu mới ở nước ta. Năm 1919, trong tám yêu sách của Nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Véc-xây do Nguyễn Ái Quốc (sau này là Hồ Chí Minh) soạn thảo đã có 04 điểm liên quan đến vấn đề pháp quyền, còn lại liên quan đến công lý và quyền con người. Bản “Yêu sách của Nhân dân An Nam” được Người chuyển thành tác phẩm thơ “Việt Nam yêu cầu ca”, trong đó yêu cầu thứ bảy là: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Đây là tư tưởng rất đặc sắc của Hồ Chí Minh, phản ánh nội dung cốt lõi của một nhà nước dân chủ mới – nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Đồng thời, đây cũng là nguyên tắc xuyên suốt trong hoạt động quản lý nhà nước của Người. Hơn thế nữa, theo Hồ Chí Minh, pháp luật của nhà nước ta phải là pháp luật thật sự dân chủ, bảo vệ quyền dân chủ tự do rộng rãi cho Nhân dân lao động.

Ở Việt Nam, Đảng ta đã trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa ra quan điểm sáng tạo về “Nhà nước pháp quyền XHCN”. Lần đầu tiên, Đảng ta đề cập đến “Nhà nước pháp quyền XHCN” tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (ngày 29/11/1991) và tiếp tục được khẳng định tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) cũng như trong các văn kiện khác của Đảng và Nhà nước.

Hiến pháp năm 2013 đã hiến định rõ ràng về mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Sự hiến định trong Hiến pháp năm 2013 tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn. Một lần nữa, thể hiện rõ “ý Đảng, lòng Dân” tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”.

Đặc biệt, Đảng ta có Nghị quyết số 27-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu – Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”. Cho nên, việc giữ vững bản chất giai cấp của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, cũng có nghĩa là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; tất cả vì hạnh phúc của Nhân dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Từ nghiên cứu chủ trương, đường lối của Đảng, tinh thần của Hiến pháp năm 2013, các nhà khoa học pháp lý đã khái quát những đặc điểm cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong 7 nội dung. Đó là, quyền lực nhà Nhà nước thuộc về Nhân dân; quyền lực nhà nước thống nhất nhưng có phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; con người là trung tâm, các cá nhân bình đẳng trước pháp luật; Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; tổ chức và hoạt động dựa trên Hiến pháp và pháp luật; Nhà nước phục vụ Nhân dân; và đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Do đó, dù hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, song quan điểm được nhiều nhà khoa học pháp lý thừa nhận là: “Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, thực hiện nguyên tắc pháp quyền, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân”.

Như vậy, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã có sự khác biệt so với Nhà nước pháp quyền tư bản chủ nghĩa, đúng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN về bản chất khác nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ XHCN là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số Nhân dân. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để Nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm lược lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân”.

Tiếp đó, trong bài viết “Xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; có nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”. (Còn tiếp)

Tin liên quan