Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó nhấn mạnh trọng tâm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. (Ảnh: TTXVN) |
Đồng bộ quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước
Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, do đó, hệ thống pháp luật phải đầy đủ, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch; một mặt, đủ sức ngăn ngừa có hiệu quả mọi tác động tiêu cực vào hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, mặt khác là để kiểm soát quyền lực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC).
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), mục đích của việc nắm quyền lực bao giờ cũng gắn liền với lợi ích, vì khi đã có chức, có quyền, đồng thời cũng có lợi ích, chế độ nhất định. Những chính sách, ưu đãi đó như một “lực hấp dẫn” để người ta hướng tới quyền lực. Có những quyền lực được quy định rõ trong văn bản. Ví dụ như quyền lực được ghi trong Hiến pháp, các bộ luật, Điều lệ Đảng và các quy định, nghị quyết của Đảng. Nhưng có thứ quyền lực không ghi trong văn bản mà bản thân người nắm quyền lực có một uy quyền nhất định. Điều này dễ dẫn đến hành vi lạm quyền, lộng quyền để trục lợi.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc. (Ảnh: T.Vương) |
Trên cơ sở phân tích thực tiễn, Đại hội XIII của Đảng đề ra giải pháp đột phá trong đấu tranh PCTN, đó là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” cũng nêu rõ trọng tâm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Theo đó: “Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý”.
Trước đó, tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” cũng khẳng định nhiệm vụ cấp bách: Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm. Nghị quyết đặt ra yêu cầu: “Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền”. Tiếp đó, ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền” (Quy định 205)…
PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, hiện nay, chúng ta đã có khá đầy đủ quy định của Đảng; một số luật, bộ luật cũng có những điều khoản liên quan nhằm kiểm soát quyền lực của cán bộ, lãnh đạo, quản lý. Nhưng kiểm soát quyền lực không chỉ dừng lại ở chủ trương của Đảng mà phải kiểm soát bằng pháp luật của Nhà nước. Tức là phải thể chế hóa chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực thành chính sách pháp luật. Trên cơ sở đó mới có thể ràng buộc trách nhiệm với những người được giao quyền, ủy quyền thực hiện quyền lực của nhân dân. Phải kiểm soát quyền lực bằng pháp luật thì mới bảo đảm thực hiện một cách chặt chẽ. Do đó, phải đẩy mạnh sự đồng bộ giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Cần cơ chế kiểm soát đặc biệt
Dẫn chứng một số vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong thời gian qua, PGS.TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh, nhiều quan chức dù biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật nhưng họ vẫn cố tình thực hiện. Vì vậy, việc tiếp tục thể chế hóa các chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực thành chính sách pháp luật của Nhà nước vẫn rất cần thiết. “Chúng ta có thể nghiên cứu tính tới việc xây dựng một văn bản pháp lý để đưa vào đó các quy định liên quan đến kiểm soát quyền lực nhằm kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ hơn”, ông Phúc kiến nghị.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cũng nhận định, việc ban hành một cơ chế pháp luật riêng về kiểm soát quyền lực là rất khó. Trước hết bởi hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực thường được che đậy rất kín đáo, tinh vi; bên cạnh đó, đối tượng của kiểm soát quyền lực chủ yếu là những người có chức, có quyền… “Nhưng dù khó đến mấy chúng ta cũng phải quyết tâm làm. Nếu không xây dựng cơ chế cụ thể, thể chế hóa bằng pháp luật để kiểm soát quyền lực thì sẽ còn rất nhiều “đại án” nữa do cán bộ lộng quyền, lạm quyền” – ông Phúc nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, hiện nay các văn bản của Đảng, văn bản luật và văn bản dưới luật đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tình hình thực tiễn, nhưng cũng cần có một văn bản luật chuyên ngành về kiểm soát quyền lực và PCTN,TC ngay trong các cơ quan PCTN,TC. “Mặc dù đã có Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thanh tra… nhưng theo tôi cũng cần một bộ luật quy định về PCTN trong công chức, viên chức; trong đó quy định rạch ròi để có những biện pháp, chế tài cụ thể, giúp công tác phối hợp xử lý tốt hơn. Ví dụ như vấn đề kê khai tài sản không trung thực và những hành vi tiêu cực, tham nhũng khác mà những văn bản luật khác chưa quy định” – Đại biểu Hòa nói.
Nhiều chuyên gia pháp lý thừa nhận, rất khó để bảo đảm công tác kiểm soát quyền lực được thực hiện một cách tuyệt đối, nhưng với những giải pháp trên, ít nhất là hạn chế tối đa biểu hiện tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng PCTN,TC. Đặc biệt là phải kịp thời phát hiện và xử lý ngay, xử lý nghiêm… Tuy vậy, xét cho đến cùng thì kiểm soát quyền lực phải dựa vào dân, phải tăng cường cơ chế giám sát của nhân dân.
Chiếc “lồng cơ chế” rộng rãi nhất và chặt chẽ nhất chính là nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, nhân dân có nghìn tay, nghìn mắt, không gì giấu được nhân dân. “Các cơ quan thực thi pháp luật phải biết lắng nghe. Về cơ sở sẽ nghe dân nói cán bộ nào tốt, hết lòng vì dân, cán bộ nào cơ hội, tiêu cực… Đồng thời, phải đưa cơ chế kiểm soát quyền lực của nhân dân vào nền nếp, thực chất và nghiêm túc chứ không thể kêu gọi chung chung, khi đó quyền sẽ được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn” – ông Nguyễn Trọng Phúc nêu quan điểm.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược -Bộ Công an. Phải làm rõ trách nhiệm giải trình
Những cơ quan bảo vệ pháp luật không phải là “hòn đảo giữa Thái Bình Dương”, họ hoạt động trong lòng xã hội cho nên những cơ quan này không phải là miễn nhiễm với tiêu cực; chỉ có điều họ được chọn lọc, đào tạo cẩn thận. Việc các cán bộ của cơ quan này tham nhũng, tiêu cực chứng tỏ sự giám sát quyền lực còn lỏng lẻo. Tôi đề nghị thành lập một Ủy ban Giám sát quyền lực quốc gia, trực thuộc Quốc hội để đủ sức mạnh, tăng cường giám sát cơ quan hành pháp. Ủy ban này có trách nhiệm giám sát toàn bộ hoạt động công quyền; chỗ nào có quyền lực hành chính, quyền lực nhà nước thì Ủy ban này có trách nhiệm giám sát. Kinh nghiệm là từ khi Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Quốc hội thì hoạt động rất hiệu quả.
Cùng với đó, phải làm rõ trách nhiệm giải trình. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm giải trình trước người dân thì mới làm rõ được vai trò của người dân trong giám sát quyền lực. Tất cả các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp xã đến cấp tỉnh phải công khai số điện thoại của người đứng đầu; khi có ý kiến của dân phải giải trình, trả lời rõ ràng.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:
Người kiểm soát phải được kiểm soát
Tôi đề nghị nên có cơ quan thanh tra đặc biệt để theo dõi tất cả hoạt động của những cơ quan thực thi quyền lực, thực thi bảo vệ pháp luật. Tức là người kiểm soát phải được kiểm soát. Cũng giống như ngành Giáo dục, người làm giáo dục phải được giáo dục. Nếu không được giáo dục chu đáo thì có thể “anh” sẽ trở thành người giáo dục không hiệu quả, thậm chí mang lại những hậu quả lớn. Vì vậy, người thực thi quyền lực phải được kiểm soát quyền lực; phải thường xuyên được thanh tra, kiểm tra đặc biệt thì mới kịp thời phát hiện sai phạm để xử lý.