Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có văn bản số 111/TB TTKQH thông báo kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc làm việc với Kiểm toán Nhà nước ngày 12/8.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao các kết quả hoạt động tích cực của Kiểm toán nhà nước trong 8 tháng qua. Đồng thời, đề nghị Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ngay việc xây dựng Đề án hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, nhưng hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và trên hết là phục vụ cho lợi ích chung của đất nước, của nhân dân; cần phát huy vai trò cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công“công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng”, có uy tín và trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Đề nghị Kiểm toán Nhà nước sớm xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030), đặt trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương về tổ chức bộ máy, biên chế, các Nghị quyết có liên quan của Quốc hội.
Trong quá trình hoạt động, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần lưu ý bảo đảm tính độc lập, nhưng không để bị “cô lập” hoặc “đối lập”; theo đó, phải kiên quyết đấu tranh với sai phạm, tiêu cực, song cũng cần ghi nhận, nhân rộng các điển hình tốt trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; tăng dần tính chuyên nghiệp, nâng cao hơn nữa chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước bám sát các nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; lựa chọn “đúng và trúng” các vấn đề, lĩnh vực cần kiểm toán, góp phần tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế, xã hội và kiến tạo sự phát triển của đất nước; trong đó, quan tâm kiểm toán việc thực hiện 3 chính sách vĩ mô trụ cột về tài khóa, tiền tệ và thương mại.
Tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động tham gia ý kiến để xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; tăng cường kiến nghị về sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật gắn với định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, sử dụng có hiệu quả hơn các báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trong quá trình thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cần phối hợp, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ phục vụ hoạt động kiểm toán; xem xét, trao đổi thống nhất với Kiểm toán Nhà nước về vấn đề truy cập, kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán; trong đó, Văn phòng Quốc hội lưu ý vấn đề này trong quá trình phục vụ triển khai xây dựng Quốc hội điện tử.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mời Kiểm toán Nhà nước tham dự các cuộc làm việc ngay từ đầu, tạo điều kiện để Kiểm toán Nhà nước thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ trình ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách Trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.
Kiểm toán Nhà nước cần chủ động phối hợp, làm việc, trao đổi với các cơ quan hữu quan, bộ, ngành, địa phương để ban hành Quy chế phối hợp (nếu cần thiết) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; tuyên truyền, hướng dẫn để các bộ, ngành, địa phương sử dụng hiệu quả hơn các báo cáo kết quả kiểm toán trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tăng cường sử dụng báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong quá trình xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định. Trường hợp Kiểm toán Nhà nước thấy có vướng mắc thì báo cáo, đề xuất giải pháp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý trong quá trình xem xét hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Về việc cho phép tiếp tục thực hiện chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước, duy trì cơ chế trích 5% số tiền tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước do Kiểm toán Nhà nước phát hiện, kiến nghị để sử dụng theo Nghị quyết số 325/2016/UBTVQH14 ngày 29/12/2016, Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu, có đề án, tờ trình, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định, trên cơ sở bảo đảm tuân thủ Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII và có tính đến yếu tố đặc thù nghề nghiệp của kiểm toán viên.
Để phục vụ Quốc hội giám sát tối cao năm 2022 chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, đề nghị Kiểm toán Nhà nước phối hợp Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội xây dựng các Đề cương Báo cáo kết quả giám sát, báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; bố trí kiểm toán chuyên đề quan trọng này trong kế hoạch kiểm toán năm 2022…
(Theo nội dung thông báo Kết luận của Tổng Thư ký Quốc hội)