Ảnh minh họa.
Theo đó, Công điện 01/CĐ-TCT nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc nâng cao năng lực quản lý thu thuế, chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; tiếp tục mở rộng triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn điện tử một cách nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực bán lẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của ngành Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn tiếp tục khẩn trương thực hiện triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hoá đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm… đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ,…
Triển khai các giải pháp để áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền từ ngày 01/8/2024 đối với các loại hình kinh doanh sau: Bán vé sân golf và cung cấp các dịch vụ trong sân; Kinh doanh trang phục, dụng cụ, phụ kiện,… phục vụ chơi Golf.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với loại hình nêu trên để các cơ sở kinh doanh hiểu rõ, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và cam kết thực hiện nghiêm túc việc kê khai, nộp thuế theo quy định, thúc đẩy việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, chống thất thu ngân sách Nhà nước.
Quyết liệt triển khai nhiệm vụ đến các lãnh đạo Cục Thuế, lãnh đạo các Phòng, Chi cục Thuế và cụ thể đến công chức quản lý đơn vị để làm việc, tuyên truyền chủ trương, chính sách quy định pháp luật về việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hoá đơn điện tử trong các giao dịch tới từng cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh sân golf, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ sân golf…
Đồng thời, chỉ đạo rà soát, thống kê, đánh giá công tác quản lý thuế để lập kế hoạch áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với các loại hình kinh doanh có doanh thu từ hoạt động bán vé tham quan khu du lịch, hoạt động vui chơi giải trí,… báo cáo về Tổng cục Thuế trước ngày 01/8/2024.
Trước đó, tại phiên chất vấn chiều 04/6, các Đại biểu Quốc hội đã đặt ra câu hỏi với Bộ trưởng Công thương về việc có hay không những phiên livestream hàng trăm tỉ đồng và quản lý như thế nào.
Trả lời câu hỏi chất vấn của các Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay quản lý kinh doanh trên thương mại điện tử khá khó khăn và cần sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Giải pháp tốt nhất là phải có sự phối hợp. Bộ Công thương đóng vai trò chủ trì phối hợp với cơ quan có liên quan, dùng lực lượng quản lý thị trường đấu tranh, tìm địa điểm tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý để kịp thời xử lý, chống thất thu thuế.
Theo Bộ trưởng, giải pháp tiếp theo là kinh doanh thương mại điện tử biến hóa khôn lường nên các quy định quản lý pháp luật phải tiếp tục được rà soát. Đây là vấn đề mới không chỉ riêng Việt Nam mà các nước cũng gặp phải. Thương mại điện tử có tốc độ phát triển trên 20%/năm và tương lai còn mạnh hơn nữa vì vậy cơ chế chính sách phải sửa đổi rà soát tiếp.
Giải pháp nữa là phải phát huy vai trò hệ thống chính trị, vai trò của người dân, vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương. Trong trường hợp phát hiện vi phạm thì xóa, yêu cầu chủ phòng livestream xóa kênh thì sẽ giảm được tình trạng vi phạm pháp luật, hàng giả hàng kém chất lượng. Khi có chứng cứ vi phạm thì sẽ hoàn tất hồ sơ, chuyển cơ quan quản lý pháp luật xử lý…
theo QUÝ MINH – Tạp chí luật sư VN